Thứ ba, 19/03/2024 09:46 (GMT+7)

Bài toán xử lý nước thải làng nghề cần xây dựng quy chuẩn đặc thù

MTĐT -  Thứ ba, 15/12/2020 10:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội với hơn 1.300 làng nghề, nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm xen kẽ giữa khu dân cư, do đó việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”, những năm qua, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động của làng nghề, nhất là ô nhiễm nước thải.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội mới có 14 cụm công nghiệp làng nghề đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải ở làng nghề chỉ đạt khoảng 5,2%.

Hà Nội với hơn 1.300 làng nghề, nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm xen kẽ giữa khu dân cư, do đó việc xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn, bất cập. Với sự phát triển nhanh, mạnh của các làng nghề khiến chất lượng môi trường tại nơi đây đang bị đe dọa nghiêm trọng do ô nhiễm nguồn nước, rác thải, bụi, tiếng ồn, trong khi công tác xử lý ô nhiễm, nước thải chưa được quan tâm đúng mức.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, giai đoạn 2019 – 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố kết quả đã thực hiện tại 228 làng nghề và phân loại theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và môi trường cho thấy trong 228 làng nghề được đánh giá, phân loại có 103 làng nghề được phân loại ô nhiễm nghiêm trọng, 74 làng nghề được phân loại ô nhiễm và 52 làng nghề không ô nhiễm.

Kết quả thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải làng nghề cho thấy trong 40 cụm công nghiệp làng nghề đã và đang thành lập có 14 cụm công nghiệp làng nghề đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (3 cụm công nghiệp làng nghề đã có hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động, 11 cụm đang được đầu tư xây dựng, hoàn thành trong năm 2020).

Với gần 1.500 làng nghề nhưng hiện nay số lượng các làng nghề ở Hà Nội có hệ thống xử lý nước thải rất ít.(Ảnh Internet).

Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý (thống kê trên số liệu điều tra, khảo sát 293 làng nghề từ năm 2017 đến 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) khoảng 5,2%.

Được biết, Hà Nội đã thành lập thêm 44 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì… Mặt khác, TP đang triển khai một số dự án có quy mô lớn như Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), công suất 20.000m3/ngày - đêm đã vận hành từ tháng 10/2016.

Hiện TP đang chỉ đạo xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)… Đến nay, 21/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 49%.

"Với gần 1.500 làng nghề nhưng hiện nay số lượng các làng nghề ở Hà Nội có hệ thống xử lý nước thải rất ít. Vì vậy, bảo vệ môi trường không chỉ của riêng làng nghề mà cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, DN, tổ chức xã hội và đồng bộ chính sách, trong đó gắn với điều kiện, đặc thù từng địa phương mới đem lại hiệu quả bền vững." - Chủ tịch Hội đồng khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam GS.TS Đặng Kim Chi.

GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, hệ thống làng nghề của Việt Nam rất đa dạng, bởi vậy, chất thải và nguồn xả thải của mỗi một làng nghề có đặc thù riêng. Do đó, tùy theo từng loại hình làng nghề và điều kiện kinh tế địa phương để áp dụng những giải pháp xử lý khác nhau, không thể đánh đồng tất cả. Các cơ quan quản lý môi trường địa phương có làng nghề cần phải sớm xây dựng những quy chuẩn đặc thù về nước thải cho từng làng nghề và có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ.

Một số làng nghề nước thải có nhiều hóa chất độc hại, cần phải thu gom nước thải tập trung và có những biện pháp xử lý giống như nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, với các làng nghề có diện tích lớn hoặc tập trung xen kẽ vẫn có thể áp dụng biện pháp xử lý phân tán, sau đó mới đưa vào xử lý chung.

Đặc biệt, phải hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm.

"Cùng với đó, xây dựng cơ chế vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo nguyên tắc, ai xả nước thải gây ô nhiễm người đó phải trả tiền. Đây là giải pháp rất quan trọng để đưa ra những phương án, quy trình, biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp không xử lý nước gây ô nhiễm” - GS.TS Đặng Kim Chi cho biết thêm.

Do đó để giải bài toán xử lý nước thải làng nghề, một số chuyên gia môi trường cho rằng, các cơ quan quản lý môi trường địa phương nơi có làng nghề cần phải sớm xây dựng những quy chuẩn đặc thù về nước xả thải cho từng làng nghề và có những biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ.

Song song với đó, cũng có những biện pháp tuyên truyền phù hợp để nâng cao nhận thức của người dân về phương thức sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Đồng thời cần có những chính sách, cơ chế mở để khuyến khích các hộ sản xuất có công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm mục tiêu phát triển làng nghề bền vững trong tương lai.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bài toán xử lý nước thải làng nghề cần xây dựng quy chuẩn đặc thù. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.