Thứ năm, 28/03/2024 17:38 (GMT+7)

Bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững

Nguyễn Hường -  Thứ ba, 08/06/2021 09:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Masan High-Tech Materials luôn lấy kim chỉ nam “bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững”.

Tại tất cả các nhà máy ở Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc, công tác bảo vệ môi trường luôn gắn chặt với chính sách phát triển bền vững.

Năm 2020 đánh dấu một chặng đường ý nghĩa với sự kiện 10 năm thành lập Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (Masan High-Tech Materials) và 100 năm kinh doanh vonfram của H.C. Starck (HCS), một công ty thành viên của Masan High-Tech Materials kể từ tháng 6/2020. Trong suốt những năm qua, Masan High-Tech Materials và HCS đã gặt hái được nhiều thành công nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, việc sử dụng các nguồn tài nguyên ngày càng gia tăng, thế giới sẽ phải đối mặt với với việc cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các hệ lụy về ô nhiễm môi trường. Tại Masan High-Tech Materials, chúng tôi cho rằng phát triển bền vững luôn là trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển, là sứ mệnh của doanh nghiệp nhằm góp phần mang lại sự phát triển ổn định, bền vững cho cộng đồng xã hội, vừa làm gia tăng giá trị thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp.

Ông Võ Tiến Dũng - Giám đốc Đối ngoại, Cộng đồng và Môi trường

Được biết, Masan High-Tech Materials là nhà sản xuất và cung cấp vật liệu công nghệ cao hàng đầu thế giới, như Vonfram, Florit, Bismut..., những vật không thể thiếu trong ngành sản xuất máy bay, máy tính, điện thoại, công nghiệp vũ trụ. Masan High-Tech Materials hiện đang quản lý và vận hành nhà máy sản xuất và chế biến quặng đa kim hàng đầu tại Việt Nam và có các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc. Hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới (5/6) phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Võ Tiến Dũng – Giám đốc Đối ngoại, Cộng đồng và Môi trường để tìm hiểu thêm về công tác quản lý môi trường.

Chào Ông, trên quan điểm bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững xin ông cho biết công tác quản lý môi trường tại mỏ Núi Pháo – Việt Nam năm vừa qua được thực hiện như thế nào?

Tại mỏ Núi Pháo - Việt Nam, công tác quản lý môi trường luôn song hành cùng hoạt động sản xuất, và được thực hiện đồng bộ từ việc tuân thủ các hồ sơ pháp lý đến công tác kiểm soát hiện trường. Công ty tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về các hồ sơ, thủ tục môi trường như: báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, xả nước thải vào nguồn nước… Tất cả các hồ sơ này đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận phê duyệt.

Tổ hợp nhà máy chế biến của Masan High-Tech Materials tại Canada

Song song với đó, việc kiểm soát ngăn ngừa ô nhiễm tại hiện trường cũng được Ban lãnh đạo Công ty quan tâm chú trọng. Chúng tôi đầu tư nhiều công trình bảo vệ môi trường tiên tiến hiện đại, vừa xử lý kiểm soát ô nhiễm, vừa tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Toàn bộ nước thải được Công ty thu gom, xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Các loại chất thải sinh hoạt, chất thải thông thường và chất thải nguy hại được thu gom, phân loại tại nguồn và chuyển giao cho nhà thầu đủ chức năng xử lý. Việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác mỏ cũng được Công ty đầu tư thực hiện.

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2020, Masan High-Tech Materials tiếp tục vinh dự lọt Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam. Đây là năm thứ ba liên tiếp Masan High-Tech Materials được vinh danh là Công ty phát triển bền vững tại Việt Nam. Đạt được thành tích như trên bởi Masan High-Tech Materials có hướng đi đúng đắn trên quan điểm “bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững”.

Là một doanh nghiệp “tiên phong” trong việc khai thác và chế biến khoáng sản tại Việt Nam. Mỏ Núi Pháo – Việt Nam đã thực hiện các quy định về pháp luật như báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép và hoàn thiện các thủ tục liên quan như thế nào, thưa ông?

Đối với doanh nghiệp chúng tôi thì việc chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước phải hoàn thiện đầy đủ khi dự án được triển khai.

Theo đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của Công ty đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt lần lượt tại Quyết định số 233/QĐ-BTNMT ngày 28/02/2005 và Quyết định số 370/QĐ-BTNMT ngày 06/3/2008. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phê duyệt các Giấy phép, thủ tục khác cho Công ty như sau: Phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung tại Quyết định số 1536/QĐ-BTNMT ngày 20/6/2019; Xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường tại Giấy xác nhận số 157/GXN-BTNMT ngày 10/12/2019; Cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 3172/GP-BTNMT ngày 12/12/2019. Bên cạnh đó, Công ty cũng được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác nước mặt sông Công số 497/GP-UBND ngày 21/02/2019 để khai thác nước sông Công phục vụ sản xuất.

Dây chuyền nhà máy chế biến hiện đại tại mỏ đa kim Núi Pháo - Việt Nam (1)

Bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản hiện nay mang tính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm, quản lý chất thải, cải tạo phục hồi môi trường cũng là một nhiệm vụ trọng điểm đối với Masan High-Tech Materials đã thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào, xin ông chia sẻ thêm?

Tại Masan High-Tech Materials ở Việt Nam, cụ thể là tại mỏ Núi Pháo, nước thải được xử lý đạt quy chuẩn tại Trạm xử lý nước thải tập trung, đồng thời tăng cường tái sử dụng nguồn nước. Năm 2020, Công ty Núi Pháo tái sử dụng gần 7,7 triệu m3 nước thải, chiếm 75% tổng lượng nước sử dụng.

Chất thải được phân loại tại nguồn thành chất thải sinh hoạt, chất thải thông thường và chất thải nguy hại, sau đó chuyển giao cho nhà thầu có chức năng. Năm 2020, tỷ lệ chất thải tái chế được thu gom, chuyển giao chiếm 37% tổng lượng chất thải phát sinh.

Tổ hợp nhà máy chế biến của Masan High-Tech Materials tại Đức

Về đất đá thải, chúng tôi tận dụng tối đa đất đá thải sạch để thi công đập chứa đuôi quặng và các công trình xây dựng nội mỏ khác. Năm 2020, Công ty tái sử dụng được khoảng 987 nghìn m3 đất đá thải sạch, chiếm gần 20% tổng lượng đất đá thải phát sinh.

Cải tạo phục hồi môi trường cũng được thực hiện song song với quá trình khai thác. Tính đến hết năm 2020, Công ty đã cải tạo phục hồi được 63,85ha các sườn bãi thải, các khu vực bị xáo trộn.

Với H.C. Starck chúng tôi giải quyết được phần lớn các nhu cầu về nguyên liệu thô tại Goslar bằng cách tái chế phế liệu chứa vonfram, được mua trên thị trường và nhận được từ khách hàng trong khuôn khổ các chương trình chuyển đổi hoặc tái chế chuyên dụng. Do đó, tỷ lệ tái chế từ nguyên liệu thô thu mua tăng đều và đạt trên 75% trong năm 2020. Đây là một tỷ lệ rất cao và đáng khích lệ, trong khi tỷ lệ tái chế trong ngành công nghiệp Vonfram ước tính ở mức 25-30% và dao động rất lớn ở các vùng khác nhau trên thế giới từ 15 - 50%. Tại tất cả các nhà máy H.C. Starck, các sản phẩm phụ cho sản xuất thường rất giàu nguyên liệu có giá trị (đặc biệt là kim loại) và có thể được tái chế làm nguyên liệu thô bởi chính H.C. Starck hoặc các công ty khác. Do đó, hầu hết các chất thải sản xuất được tái chế, góp phần giảm thiểu chi phí xử lý và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, xin ông chia sẻ thêm về những khó khăn trong công tác Công tác quản lý môi trường tại mỏ Núi Pháo

Chúng tôi làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác môi trường, do đó luôn nhận được hướng dẫn kịp thời, giúp Công ty định hướng phát triển và đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành. Hiện nay, Công ty không gặp khó khăn vướng mắc gì về công tác quản lý môi trường.

Với Masan High-Tech Materials, công tác bảo vệ môi trường luôn được liên kết chặt chẽ với kinh doanh vậy xin ông cho biết các quy trình khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty đã thực hiện những biện pháp gì để giảm thiểu những yếu tố ảnh hưởng gây ô nhiễm môi trường, thưa ông?

Masan High-Tech Materials tin rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của doanh nghiệp vì sự bền vững và cộng đồng. Do vậy, nhiều biện pháp đã được Công ty thực hiện để giảm thiểu những yếu tố ảnh hưởng gây ô nhiễm môi trường:

Các bè cỏ Thủy Trúc tại cửa xả nước thải DP2, mỏ Núi Pháo, Việt Nam

Cụ thể, Công ty đã đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải hiện đại với công suất 1.500m3/giờ sử dụng công nghệ sinh học kết hợp hóa lý để xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Xây dựng kho lưu chứa chất thải nguy hại để lưu giữ đúng quy định trước khi chuyển giao cho nhà thầu đủ chức năng để xử lý.

Xây dựng 02 bãi thải phía Bắc và phía Nam của Moong khai thác để lưu trữ đất đá thải phát sinh từ quá trình khai thác. Xây dựng 02 hồ chứa đuôi quặng (hồ OTC và hồ STC) để lưu giữ đuôi quặng oxit và đuôi quặng sunfua phát sinh từ quá trình chế biến.

Thiết lập các biện pháp giảm thiểu bụi từ hoạt động khai thác và vận chuyển như: lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi, sử dụng các lưới chắn bụi, tưới nước thường xuyên các tuyến đường vận chuyển. Đồng thời, tiến hành trồng cây tại các khu vực đã hoàn thành công tác đất để giảm thiểu bụi.

Công ty cũng thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị hoặc lắp đặt thiết bị giảm âm để giảm thiểu tiếng ồn phát sinh.

Trạm xử lý nước thải tập trung tại mỏ Núi Pháo, Việt Nam

Công ty thực hiện nghiêm túc công tác quan trắc để kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường: năm 2020, Công ty đã thực hiện lấy 8.079 mẫu môi trường, bao gồm: 533 mẫu nước mặt, 676 mẫu nước dưới đất, 6.596 mẫu nước thải, 111 mẫu chất thải rắn, 35 mẫu đất và trầm tích, 26 mẫu môi trường không khí xung quanh, 74 mẫu khí thải và 28 lần đo tiếng ồn trong 24 giờ. Bênh cạnh quan trắc truyền thống, Công ty cũng vận hành các quan trắc tự động gồm 04 trạm quan trắc nước thải và 01 trạm quan trắc không khí.

 Trân trọng cảm ơn ông vì buổi phỏng vấn hôm nay!

Masan High-Tech Materials (trước đây là Masan Resources), là nhà cung cấp hàng đầu các khoáng sản quan trọng như Vonfram, Florit, Bismut và Đồng. Masan High-Tech Materials hiện đang quản lý và vận hành nhà máy sản xuất và chế biến quặng đa kim hàng đầu thế giới tại Việt Nam và có các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc. Tầm nhìn của Masan High-Tech Materials là trở thành nhà cung cấp tích hợp hàng đầu thế giới về vật liệu tiên tiến công nghệ cao, có tính quyết định đối với sự đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.