Thứ năm, 25/04/2024 13:25 (GMT+7)

Bất hợp lý trong việc thực hiện hợp đồng xử lý rác tại Đa Phước

Ngọc Thạch -  Thứ hai, 13/05/2019 14:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có nhiều điểm bất cập trong việc thực hiện hợp đồng xử lý rác. Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua sự việc vẫn chìm trong im lặng.

Những năm trở lại đây người dân xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước luôn phải sống trong tình trạng bất an lo lắng vì những hệ quả trong quá trình thực hiện dự án xử lý chất thải rắn Đa Phước gây ra.

Đỉnh điểm của sự việc vào năm 2016, người dân gửi đơn kêu cứu nhiều nơi vì mùi hôi phát tán ở khu Nam Sài Gòn. TP HCM sau đó đã có kết luận mùi hôi phát sinh tại bãi rác này.

Toàn cảnh bãi rác Đa Phước.

Mặc dù trong hợp đồng đã ký, Sở TN&MT và TPHCM cũng cam kết sẽ bồi hoàn, bảo vệ và luôn giữ cho VWS và công ty mẹ của VWS là CWS không bị quy trách nhiệm đối với bất cứ mọi khiếu kiện của cư dân hoặc bất kỳ cá nhân nào về các vấn đề liên quan đến tác động môi trường.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cư dân các khu vực xung quanh bãi rác liên tục khiếu nại về việc công ty VWS xử lý không tốt, khiến mùi hôi phát tán mạnh, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Cho đến thời điểm hiện tại, mùi hôi này vẫn chưa được xử lý triệt để. Phải chăng, cơ quan chức năng vì vướng phải điều khoản đã ký trong hợp đồng nên chưa có hướng xử lý?

Thất thoát Ngân sách vì áp dụng tiền tệ sai quy định

Điều 63 tại Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có nội dung: “Đơn vị đo lường dùng trong kế toán và thống kê là đơn vị đo lường chính thức của Việt Nam. Các đơn vị đo lường khác phải được quy đổi ra đơn vị đo lường chính thức của Việt Nam.

Đơn vị tiền tệ được sử dụng trong ghi chép kế toán và thống kê là đồng Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên hợp doanh nước ngoài có thể đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận việc sử dụng đơn vị tiền tệ nước ngoài”.

Thế nhưng, trong Hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn dù không đề cập đến việc xin chấp thuận sử dụng đơn vị tiền tệ nước ngoài nhưng Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) vẫn tiến hành sử dụng đơn vị tiền tệ trong ghi chép kế toán và thống kê là Đô la Mỹ (USD) thay vì sử dụng VND.

Về vấn đề này, theo Báo cáo đánh giá khoa học của Viện trưởng viện kinh tế tài nguyên và môi trường nhận định: “Việc áp dụng tiền tệ sai quy định cũng gây thất thoát lớn về Ngân sách cho dự án”.

Bãi rác Đa Phước ngày càng phình to.

Mức giá xử lý rác chưa hợp lý

Theo quy định của Luật đầu tư năm 2000, việc trình phê duyệt dự án đầu tư cho tất cả các nguồn vốn phải thực hiện theo trình tự. Tuy nhiên, dự án khu xử lý rác Đa Phước không tuân thủ theo quy định trong lập và thẩm định dự án.

Quy định thì phải căn cứ theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/2001 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng. Căn cứ quyết định số 17/2001/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về ban hành tập định mức Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Tuy nhiên, dự án Khu Đa Phước đã không căn bộ định mức trên để lập đơn giá dự toán dẫn đến sai sót cơ bản trong nguyên tác hướng dẫn cơ bản của Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD năm 2004 các yếu tố cấu thành đơn giá dịch vụ 16.4 USD/tấn rác trong hợp đồng ký kết là không có cơ sở để thực hiện.

Tại văn bản số 4665 BKH/TĐ&GSĐT của Bộ kế hoạch và đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ có kiến nghị nội dung: "Nguồn tài chính chưa rõ ràng và yêu cầu trả phí xử lý rác quá cao (16.4 USD/Tấn rác). Năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, không đảm bảo vốn triển khai dự án, do vậy không đủ điều kiện để cấp phép". 

Liên quan đến việc thực hiện hợp đồng xử lý rác tại Đa Phước, vấn đề mang rác đi chôn, mà không làm phân compost cũng là một điểm khiến dưa luận chú ý.

Cụ thể, tại hợp đồng ký kết với VWS có thể hiện nội dung, thành phố phải phân rác tại nguồn, sau đó VWS mới có thể tái chế rác và làm phân compost. Tuy nhiên, sau khi thực hiện ký hợp đồng, Sở TN-MT TP.HCM không lường trước được khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn nên VWS lấy lý do rác chưa phân loại tại nguồn, thì không thực hiện làm phân compost.

Vậy, điều này có thể hiện sự yếu kém trong đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng của Sở TN-MT TP.HCM?

Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin sự việc trên. 

Bạn đang đọc bài viết Bất hợp lý trong việc thực hiện hợp đồng xử lý rác tại Đa Phước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới