Thứ sáu, 29/03/2024 04:55 (GMT+7)

Bài 2: Ứng phó biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần chuyển hướng canh tác

MTĐT -  Thứ sáu, 02/06/2017 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Biến đổi khí hậu đang ngày càng có những tác động mạnh mẽ tới Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có diện tích đất nông nghiệp và theo đó có sản lượng nông sản, thủy sản lớn nhất cả nước.

Sự dâng lên của nước biển, giảm thiểu dòng chảy từ thượng nguồn, gia tăng hạn hán, xâm thực mặn, phèn hóa đang ngày càng rõ rệt và chưa có khuynh hướng dừng lại.

Chính vì vậy, đây là lúc cấp thiết phải xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng và phát triển bền vững.

Theo ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong điều kiện các tác động bất lợi đến 2 vụ lúa chính tại Đồng bằng sông Cửu Long nên cần ra soát lại quy hoạch sử dụng đất vùng này trong điều kiện biến đổi khí hậu, có xét đến suy giảm cả lũ và phù sa. Từ đó, thay đổi thời vụ cho các vùng để giảm tập trung nước trong các tháng đầu mùa mưa và đầu mùa khô kết hợp với giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất mùa lũ.

Bên cạnh đó rà soát lại quy hoạch lũ Đồng bằng sông Cửu Long để xem xét lại sự cần thiết và thứ tự ưu tiên của việc xây dựng các cống kiểm soát lũ trong bối cảnh các mối đe dọa ngập trước mắt là ảnh hưởng từ biển và nước về từ thượng nguồn ngày một có chiều hướng giảm, trong đó, ưu tiên các cống ngăn mặn cặp theo các sông lớn để ứng phó với các trường hợp mặn xuất hiện sớm, vào sâu theo các dòng chính, đồng thời ứng phó với các trường hợp mặn rút muộn hoặc mặn bất thường trong các trường hợp bất lợi do vận hành thủy điện ở thượng lưu sông Mekong.

Ngoài ra, liên kết các hệ thống thủy lợi nhỏ lẻ thành các hệ thống lớn hơn để đảm bảo chủ động nguồn nước trong các thời kỳ ngăn mặn có thể kéo dài hơn, nhất là phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ các cánh đồng mẫu lớn có kết hợp với các trạm bơm vừa và nhỏ để chủ động sản xuất.

Phát triển con tôm vùng nhiễm mặn ổn định kinh tế cho người dân tại Tiền Giang (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

Ông Trần Văn Khởi cũng cho rằng, trong tương lai lâu dài cần xem xét các giải pháp ngăn các cửa sông lớn, vừa tăng cường kiểm soát nước mùa khô, kiểm soát xâm nhập mặn lại góp phần chủ động ngăn triều cường, thích ứng nước biển dâng.

Song song đó là xây dựng hệ thống hồ điều hòa giữ nước ngọt, chống mặn mùa khô, giảm ngập mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ các hồ này, Đồng bằng sông Cửu Long có thể chủ động trong giải quyết những vấn đề rất quan trọng như điều tiết nước trong mùa lũ, ngăn mặn, cung cấp nước ngọt, rửa mặn, ém phèn vào mùa khô.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Uyên, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, quy hoạch cây trồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp tốt, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Giữ ổn định quỹ đất chuyên trồng lúa khoảng 1,7 triệu ha và chuyển trên 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang đất trồng các cây trồng, vật nuôi khác; đồng thời tăng diện tích luân canh lúa-màu và lúa-thủy sản và lúa-cá/tôm nước ngọt.

Cụ thể, quy hoạch cây trồng định hướng theo các tiểu vùng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long như sau: Đối với tiểu vùng Đồng Tháp Mười, hướng chuyển đổi chính là ổn định diện tích cây ăn quả ở những vùng trồng tập trung; tăng diện tích nuôi cá tra ven sông, cù lao và trồng rừng tràm trong khu vực ngập lũ sâu; tăng diện tích lúa 3 vụ, lúa-màu, dứa và giảm diện tích mía trong khu vực ngập lũ trung bình và ngập nông, kiểm soát lũ cả năm.

Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên có hướng chuyển đổi chính là ổn định diện tích lúa 2-3 vụ; tăng diện tích lúa-thủy sản cả trong khu vực nước ngọt và nước lợ; tăng diện tích nuôi cá tra nguyên liệu ven sông Hậu và nuôi tôm nước lợ khu vực ven biển; tăng trồng rừng phòng hộ ngập mặn khu vực ven biển Tây.

Đối với tiểu vùng sông Tiền-sông Hậu là ổn định diện tích trồng cây ăn trái, tăng mạnh diện tích lúa-màu và ổn định diện tích nuôi cá tra nguyên liệu ven sông Tiền và sông Hậu.

Đối với tiểu vùng Tây Sông Hậu, hướng chuyển đổi chính là tăng diện tích lúa-màu, lúa-thủy sản nước ngọt, cây ăn trái và giảm diện tích lúa-mía.

Tiểu vùng bán đảo Cà Mau, hướng chuyển đối chính là giảm diện tích sản xuất muối; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản và rừng ngập mặn; ổn định diện tích lúa 2-3 vụ; tăng diện tích lúa-tôm nước lợ và cây ăn trái trê đất vườn tạp.

Cuối cùng là tiểu vùng của sông ven biển Đông, hướng chuyển đổi chính là ổn định diện tích lúa 2-3 vụ, cây ăn trái và mía, tăng diện tích lúa-tôm nước lợ và dừa trong khu vực ngọt hóa; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản và rừng ngập mặn ven biển.

Theo thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Văn phòng phía Nam, Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long cụ thể xuống giống sớm vụ Đông Xuân từ ngày 10 đến ngày 30/10 để không bị ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn nếu có xảy ra sớm. Xuống giống vụ Hè Thu đến giữa tháng Năm và xuống giống vụ Thu Đông trong cơ cấu 3 vụ sẽ bắt đầu vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám.

Các giống lúa đối với vùng ven biển chịu ảnh hưởng khô hạn và xâm nhập mặn, sử dụng các giống lúa chịu mặn còn đối với vùng cơ cấu 3 vụ lúa không đủ thời gian nước ngọt để bố trí thời vụ cần sử dụng giống lúa cực ngắn ngày.

Đối với vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu chuyển từ cơ cấu Hè Thu-Thu Đông-Đông Xuân sang cơ cấu Hè Thu sớm-Thu Đông-Đông Xuân sớm. Cũng như nghiên cứu chuyển một phần hoặc toàn bộ diện tích lúa Hè Thu sang Thu Đông, chuyển cơ cấu lúa 3 vụ sang 2 vụ.

Tiến sỹ Trần Bá Hoằng, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật thông tin dòng chảy thượng lưu sông Mekong để bố trí thời vụ Đông Xuân và Hè Thu hợp lý, hạn chế sản xuất vụ lúa Xuân Hè. Khuyến cáo người dân Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm hơn; lựa chọn các giống chịu hạn mặn, các loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao.

Mục tiêu dài hạn của sản xuất nông nghiệp đã được xác định là phải đảm bảo diện tích đất lúa của cả nước ổn định 3,8 triệu ha, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,7-1,8 triệu ha để giữ vững an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải đảm bảo nông dân sản xuất lúa lãi trên 30% so giá thành.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, do khai thác nước ở thượng nguồn sông Mekong dẫn đến tác động của hạn hán, kéo theo xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tần suất xảy ra cao hơn, mức độ trầm trọng hơn, nhất là vào các thời điểm đầu mùa khô đang đe dọa ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Bài 2: Ứng phó biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần chuyển hướng canh tác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.