Thứ sáu, 29/03/2024 17:02 (GMT+7)

Bão số 4 mạnh lên, tối nay tâm bão ảnh hưởng từ Quảng Ninh - Nghệ An

MTĐT -  Thứ năm, 16/08/2018 15:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong 03 giờ vừa qua, bão số 4 tiếp tục duy trì gió mạnh nhất cấp 9-10 và có xu hướng di chuyển chậm lại. Lúc 13h30, ở đảo Bạch Long Vĩ đo được gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Hồi 13h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Bạch Long Vĩ, cách Nam Định 160km, cách Thanh Hóa 200km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.  

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, từ đêm nay (16/8), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13h ngày 17/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Lào.

Đường đi của bão số 4. Ảnh: nchmf.

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Ở huyện đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; huyện đảo Cô Tô gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Sóng biển trên vịnh Bắc Bộ cao từ 4-6m, biển động rất mạnh.

Do ảnh hưởng của bão, từ tối nay trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Mưa lớn và sạt lở đất

Từ hôm nay (16/8) đến ngày 18/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500mm/đợt). Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt).

Từ hôm nay đến ngày 18/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-7m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi và thượng lưu sông Mã có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, riêng sông Bưởi lên mức BĐ3 và trên BĐ3, hạ lưu sông Mã ở mức BĐ1-BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1.

Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.

Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Ảnh minh họa: TTXVN.

Hà Nội lên phương án đối phó với bão số 4

Theo thông tin trên TTXVN, TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan ứng trực, chuẩn bị phương án 4 tại chỗ (gồm chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ) và “5 không” (không để dân đói, dân khát, không bị điện giật, không bị dịch bệnh và không đuối nước).

Chia sẻ về phương án ứng phó với bão số 4 có thể ảnh hưởng đến Hà Nội, ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị huy động 100% quân số ứng trực với phương tiện kỹ thuật sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có mưa bão.

Để hạn chế úng ngập cho một số khu vực cầu chui dân sinh tại Đại lộ Thăng Long, Công ty đã lắp đặt, chuẩn bị máy bơm di động sẵn sàng bơm nước ra khỏi các khu vực bị ngập; đồng thời tổ chức nạo vét, thanh thải dòng chảy ở khu vực này.

Cùng với đó, từ ngày 14/8, Công ty đã vận hành các trạm bơm hồ điều hòa, cửa phải đưa nước về mức quy định để có thể vận hành trạm bơm tiêu thoát nước tốt nhất.

Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 4, ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết đã có văn bản yêu cầu các xí nghiệp, tổ đội trực thuộc trực 100% quân số thực hiện kiểm tra, chằng chống các cây lâu năm, cây quý hiếm trong các vườn hoa, công viên; kiểm tra, gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng và cây đang trong thời gian duy trì cây trồng dưới 2 tuổi. Đồng thời, Công ty chỉ đạo nhân viên thường xuyên tuần đường để phát hiện kịp thời các cây nghiêng, sâu mục, nguy hiểm để có biện pháp xử lý nhanh.

Đê sông Bùi, Chương Mỹ. Ảnh: TTXVN. 

Về việc nước sông Bùi có thể dâng, gây ảnh hưởng đến nhiều xã của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ thông tin, hiện mực nước sông Bùi đang ở mức 4,3m; dưới báo động lũ cấp 1 là 1,7m. Để ứng phó với bão số 4, ngay trong sáng 16/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ đã cùng các đơn vị chuyên môn của huyện tiến hành kiểm tra những vị trí xung yếu trong trận mưa ngập vừa qua để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Nghệ An cấm tàu thuyền ra biển

thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, cho biết, tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu UBND các huyện, sở, ban ngành liên quan thực hiện: Cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 10 giờ (ngày 16/8). Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 15 giờ, cùng ngày.

Thanh Hóa họp khẩn chống bão

Sáng nay 16/8, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi họp khẩn cấp về công tác ứng phó với cơn bão số 4. Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 6 giờ sáng nay, 100% phương tiện tàu thuyền đã về nơi tránh trú bão, trong đó 417 phương tiện neo đậu tránh trú bão ở các tỉnh ngoài. Tất cả các phương tiện tàu thuyền đều Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa, 490 hồ đã đầy nước, 124 hồ chứa không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, trong đó có 9 hồ đã chỉ đạo không tích nước; 40 công trình trọng điểm về đê điều, trong đó, có 1 trọng điểm loại I, 16 trọng điểm loại II.

Cấm tàu thuyền ra biển. Ảnh: Internet.

Các trọng điểm về hồ đập và đê điều đều đã được triển khai thực hiện phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng sơ tán khoảng hơn 7.000 hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Để nhằm ứng phó với cơn bão số 4, đặc biệt là mưa lũ ở khu vực miền núi, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, tất cả các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 4, nhất là các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều và hồ đập như, sông Chu, đê Sông Bưởi, sông Hoạt.

Rà soát, di dời khẩn cấp các hộ dân đang sống ở khu vực ven suối, ven sông, sườn đồi và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các huyện ven biển, trong đó trọng tâm là huyện Tĩnh Gia, tuyệt đối không cho các tàu thuyền ra khơi và đảm bảo thông tin liên lạc, có phương án đảm bảo an toàn cho các lồng bè, ao đầm nuôi trồng thủy sản, không để người dân ở lại các khu nuôi trồng thủy sản. Sẵn sàng phương án di dân khi có lệnh .đang giữ liên lạc được với gia đình.

Nam Định tập trung ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”

Để đối phó với bão số 4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã yêu cầu các địa phương ven biển thực hiện cấm biển từ 5 giờ ngày 16/8, và khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.

Các huyện, thành phố, sở, ngành trong tỉnh tập trung ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ;” theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng, tránh.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến tối 15/8 đã có trên 1.380 tàu thuyền với hơn 3.700 lao động trong tổng số trên 2.100 tàu thuyền và trên 5.700 lao động của tỉnh Nam Định vào neo đậu tại các khu tránh, trú an toàn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bão số 4 mạnh lên, tối nay tâm bão ảnh hưởng từ Quảng Ninh - Nghệ An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.