Thứ sáu, 29/03/2024 20:02 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu khiến 20 triệu người di cư mỗi năm

MTĐT -  Thứ tư, 04/12/2019 11:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo từ tổ chức Oxfam, biến đổi khí hậu đã khiến 20 triệu dân phải chuyển tới nơi ở mới mỗi năm, tương đương cứ 2 giây lại có người di cư.

Biến đổi khí hậu hiện đã trở thành nguyên nhân lớn nhất khiến con người phải di cư, điều này thể hiện rõ nhất ở các quốc gia nghèo đói, mặc dù đóng góp vào tình trạng ô nhiễm carbon toàn cầu của các nước này nhỏ hơn so với các quốc gia giàu có khác.

Oxfam chỉ rõ các trường hợp sơ tán chủ yếu là do bão lũ và cháy rừng xảy ra theo mùa. Số người phải sơ tán do nguyên nhân này cao gấp ba lần số người phải sơ tán do xung đột, cao gấp bảy lần so với núi lửa phun trào và động đất.

Báo cáo của Oxfam chỉ rõ trong số 10 quốc gia có tỷ lệ dân số phải đi sơ tán cao nhất, bảy quốc gia thuộc nhóm đảo quốc đang phát triển, phần lớn ở Thái Bình Dương và Caribbean. Người dân sống ở các quốc đảo đang phát triển này có tỷ lệ phải sơ tán gấp 150 lần so với những người sống ở châu Âu.

Các trường hợp sơ tán chủ yếu là do bão lũ và cháy rừng. Ảnh minh họa: Internet.

Khoảng 80% số người phải rời bỏ nhà cửa do thiên tai trong một thập kỷ qua là ở các nước châu Á, trong đó Philippines và Sri Lanka chiếm phần lớn.

Tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng nếu lãnh đạo các nước không có hành động ngăn chặn các mối đe dọa do tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó, trong bản báo cáo, Oxfam kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhiều hơn nhằm gây quỹ cho các chương trình khắc phục tại các quốc gia nghèo hơn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trong đó các quốc gia giàu có hỗ trợ các quốc gia đang phát triển bằng một cơ chế tài chính để giải quyết với thiệt hại và tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Người nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Di cư trong nước sẽ là gánh nặng tài chính cho các chính phủ, theo ông Tim Gore, người đứng đầu chính sách của Oxfam về vấn đề khí hậu và thực phẩm.

"Những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là người nghèo, người yếu thế trong xã hội và đặc biệt là phụ nữ. Hiện tượng di cư gây xáo trộn kết cấu xã hội", ông Gore chỉ ra.

Theo vị chuyên gia, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra đột ngột như lốc xoáy thu hút nhiều sự chú ý từ phía chính quyền và cộng đồng, nhưng các hiện tượng khởi phát chậm như mực nước biển dâng cao cũng có tác động tương tự và thậm chí còn trầm trọng hơn.

Ví dụ, lũ lụt ảnh hưởng đến đất nông nghiệp ở các vùng ven biển có thể khiến đất nhiễm mặn và không thể sử dụng cho việc canh tác, đẩy người dân rời khỏi khu vực này mãi mãi.

Nhiệt độ trung bình hàng năm đã tăng khoảng 1oC

Oxfam đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới giảm lượng khí thải nhanh nhất có thể. Các nước đang phát triển cũng được thiết lập để thúc đẩy sự hỗ trợ từ các nước phát triển thông qua cơ chế tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu.

Lần đầu tiên được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Warsaw năm 2013, cơ chế hỗ trợ này sẽ quy định các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển.

Nhiệt độ Trái đất đang tăng mạnh. 

"Không ai được chuẩn bị để nói về vấn đề kinh phí và vì vậy đây là một trong những vấn đề quan trọng sẽ có trong chương trình nghị sự ở Madrid. Cuối cùng, rồi cũng sẽ có người phải trả giá cho những tác động từ môi trường, tuy nhiên cái giá đó hiện đang được trả bởi những cộng đồng nghèo nhất thế giới", ông Gore cho biết.

Bốn năm trước, trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia đã nhất trí hạn chế mức nóng lên của trái đất dưới 2 độ C, và mức lý tưởng là 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời điểm tiền công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nhiệt độ trung bình hàng năm của trái đất đã tăng khoảng 1 độ C, khiến khó đạt được mục tiêu đầy tham vọng trên.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu khiến 20 triệu người di cư mỗi năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới