Thứ bảy, 20/04/2024 06:15 (GMT+7)

Bình Định: Thiệt hại ước tính 400 tỉ đồng sau khi bão số 5 đổ bộ

MTĐT -  Thứ năm, 31/10/2019 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Toàn tỉnh Bình Định có 144 căn nhà bị sập; trong đó có 13 căn nhà dân sống cạnh tuyến kè biển xã Nhơn Hải bị nước biển cuốn trôi. Ngoài ra, còn có 333 căn nhà và 50 phòng học khác bị hư hỏng...

Theo báo ĐCSVN đưa tin, ngày 31/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp trực tuyến với 4 tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hoà về việc ứng phó với bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão

Báo cáo với Phó Thủ tướng tình hình thiệt hại trong bão số 5, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, tỉnh Bình Định có 2.000m kè biển xã Nhơn Hải bị sóng biển làm hư hại, trong đó 600m bị nước biển cuốn sập hoàn toàn. Hệ thống điện có 34 cột cao thế, 22 cột hạ thế bị gãy đổ; 10km đường dây điện và 20km cáp quang bị đứt; hàng loạt cây xanh bị bật gốc, gãy đổ trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.

Cùng với những thiệt hại trên đất liền, toàn tỉnh Bình Định còn có 45 tàu thuyền đánh cá của ngư dân bị va đập hư hỏng; hàng loạt tàu hàng và tàu cá khác bị sóng biển đánh trôi dạt nhưng đã kịp thời ứng cứu, khắc phục. Thống kê đến hôm nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 2 người bị thương do bão số 5 gây ra. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 400 tỉ đồng.

Theo thống kê, các tỉnh, TP ven biển từ Thanh Hóa đến Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven sông suối và khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất với tổng số 5.888 hộ/19.803 người. Bên cạnh đó là di dời, gia cố 2.462 lồng bè/9.278 lao động vào nơi an toàn; thông báo cho các khách du lịch trên các đảo, khu vực ven bờ biết diễn biến của bão, trong đó khách sạn trên đảo Vạn Ninh (Khánh Hòa) ngừng hoạt động.

Tại cuộc họp, đánh giá công tác ứng phó bão sô 5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng, công tác ứng phó tại các địa phương nơi bão đi qua vẫn còn lúng túng, nhất là về công tác neo đậu tàu thuyền, cần rút kinh nghiệm.

Theo Phó Thủ tướng, vào tháng 11/2017, tại khu vực này đã từng xảy ra cơn bão Damrey (bão số 12) làm nhiều tàu hàng bị đắm, chìm, thiệt hại… Thế nhưng khi cơn bão số 5 đổ bộ, tình trạng này vẫn để xảy ra.

Theo báo cáo từ UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… thì đã có tới 108 tàu cá của ngư dân và tàu chở hàng bị va đập, đứt neo, bị trôi dạt… khi bão đổ bộ. Trong đó, tại tỉnh Bình Định có 78 tàu (7 tàu chở hàng và 71 tàu gỗ, tàu cá); còn tại Phú Yên là 20 tàu cá bị chìm.

Trong 7 tàu hàng thì có 6 tàu hàng là của Việt Nam, 1 tàu hàng là của Panama. Phó Thủ tướng nói: “Phải xem xét rút kinh nghiệm, tại sao lại để xảy ra như thế”. Theo Phó Thủ tướng, rất may là hôm qua bão số 5 không mạnh, nếu là bão mạnh thì thiệt hại lớn là khó tránh khỏi.

Một lần nữa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương họp rút kinh nghiệm những gì làm được và còn chưa làm được với cơn bão này.

Qua thực tế cho thấy các địa phương còn rất lúng túng trong công tác quản lý tàu thuyền. Phó Thủ tướng yêu cầu xem lại việc bố trí các khu neo đậu an toàn cho tàu chở hàng hóa, tàu cá. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương không được chủ quan và để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai bất thường trong thời gian tới, các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 5; hỗ trợ, thăm hỏi động viên người dân bị thiệt hại; hỗ trợ người dân khôi phục chỗ ở, phục hồi sản xuất; sửa chữa cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống điện, các hệ thống đê, kè bị sạt lở,…

Đồng thời, đảm bảo an toàn hồ chứa cho khu vực bao gồm hồ thủy lợi và hồ thủy điện. Theo dõi sát tình hình diễn biến mưa lũ để có phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, sơ tán người dân kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đối với các địa phương, cần chủ động bố trí lực lượng tại chỗ để ứng phó với mọi tình huống. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các bộ, ngành bố trí các lực lượng, đặc biệt là lực lượng vũ trang để hỗ trợ địa phương chủ động ứng phó khi có sự cố.

Chủ động các phương án để ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới đặc biệt với tình hình bão, mưa lũ. Cần xây dựng các phương án cụ thể, không được chủ quan với thiên tai.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bình Định: Thiệt hại ước tính 400 tỉ đồng sau khi bão số 5 đổ bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...