Thứ sáu, 19/04/2024 20:51 (GMT+7)

Các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu và cam kết cắt giảm khí thải

MTĐT -  Thứ sáu, 14/12/2018 14:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

EU, Canada, New Zealand và các nước đang phát triển sẽ cố gắng giữ cho mức nóng lên toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C.

EU và nhiều quốc gia đang phát triển đã cam kết tăng cường việc thực hiện các cam kết hiện có của họ nhằm giảm phát thải khí nhà kính để cho phép thế giới duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới mức 1,5 độ C.

Những cam kết này là thông điệp tích cực nhất từ trước đến nay đến từ các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Ba Lan. Đây là kết quả của nỗ lực cảnh báo của giới khoa học về tình trạng nóng lên toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Thông báo được đưa ra vào cuối ngày mà Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã phải can thiệp để giải cứu các cuộc đàm phán, vốn bị phân tán bởi các động thái của Mỹ, Nga và Ả Rập Xê Út để hạ thấp tầm quan trọng của những lời khuyên từ giới khoa học.

“Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa”, ông António Guterres phát biểu tại hội nghị. “Để lãng phí cơ hội này sẽ làm tổn hại đến hi vọng cuối cùng của chúng ta để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Việc đó không chỉ là vô đạo đức, mà còn là giống như hành động tự sát.”

Các cuộc đàm phán đã tập trung vào việc đưa ra một bộ quy tắc để thực hiện thỏa thuận Paris 2015 và nâng cao tham vọng chống biến đổi khí hậu của các quốc gia, nhưng tiến độ của một số vấn đề chính đang chậm lại và đã xuất hiện sự chia rẽ giữa bốn cường quốc nhiên liệu hóa thạch - Mỹ, Nga, Ả Rập Xê Út và Kuwait - và phần còn lại của thế giới.

Liên Hợp Quốc tin rằng, Trung Quốc có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong trường hợp không có sự lãnh đạo từ Mỹ. Các nguồn tin cho biết ông Guterres sẽ liên lạc với ông Tập Cận Bình để yêu cầu sự giúp đỡ trong việc thúc đẩy tiến trình các cuộc đàm phán.

Các cuộc đàm phán tại Katowice tập trung vào việc nâng cao tham vọng của các quốc gia trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Ảnh: Fehim Demir/EPA.

EU cũng muốn Trung Quốc, thành viên chủ chốt của khối 77 quốc gia đang phát triển, phải hành động để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều cùng tuân thủ các quy tắc trong việc minh bạch về vấn đề khí nhà kính của mình.

Các nhà vận động ca ngợi quyết định của nhóm các nước thuộc High Ambition Coalition (tạm dịch: Liên minh Tham vọng lớn), gồm EU và bốn quốc gia phát triển khác, bao gồm Canada và New Zealand, cũng như nhóm lớn các nước kém phát triển và một số quốc gia đang phát triển khác, trong việc nỗ lực cắt giảm khí thải để phù hợp với mục tiêu giữ mức nóng lên toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C.

Wendel Trio, Giám đốc Mạng lưới hành động khí hậu châu Âu, cho biết: “Tinh thần Paris đã trở lại. Tuyên bố sẽ thúc đẩy tham vọng lớn hơn vào thời điểm khủng hoảng của những cuộc đàm phán đáng thất vọng. Đối với EU, điều này phải có nghĩa là cam kết tăng đáng kể mục tiêu năm 2030 vào năm 2020, thậm chí vượt quá mức giảm 55% mà một số quốc gia thành viên và quốc hội châu Âu đang kêu gọi. Chúng tôi kêu gọi các nước chưa ký bản tuyên bố ngừng ngó lơ các nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu.”

Ông Guterres, trong một chỉ trích gay gắt nhắm vào bốn quốc gia đã từ chối tiếp nhận báo cáo đặc biệt về sự nóng lên 1,5 độ C của Hội đồng liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nói rằng bác bỏ khoa học về khí hậu là không thể nào chấp nhận được.

Ông nói thêm: “Báo cáo đặc biệt của IPCC là một sự thừa nhận rõ ràng về hậu quả của sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ sẽ gây ra những hậu quả gì đối với hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt là những người sống tại các quốc đảo nhỏ. Đây không phải là tin tốt lành gì, nhưng chúng ta không thể không quan tâm.”

Frank Bainimarama, Thủ tướng của Fiji và là Chủ tịch của COP23, đã nhấn mạnh thông điệp của ông Guterres.

Ông nói với các đại biểu rằng, họ có nguy cơ đi vào lịch sử như là “một thế hệ thất bại - thế hệ mà đã hy sinh sức khỏe của cư dân toàn thế giới và cuối cùng đã phản bội loài người vì chúng ta không đủ can đảm và tầm nhìn để vượt qua những mối quan tâm cá nhân ngắn hạn của mình: Hèn nhát, vô trách nhiệm và ích kỷ.”

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore nói với các đại biểu rằng họ phải đối mặt với “sự lựa chọn về mặt đạo đức quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.”

Ở phía hậu trường, các đại biểu cho biết đã có tiến bộ mạnh mẽ về tài chính nhờ tăng gấp đôi các cam kết của Đức và Na Uy để giúp các quốc gia nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng các tổ chức có khả năng giám sát khí thải.

Nicholas Stern, tác giả của một bài phê bình mang tính bước ngoặt về vấn đề kinh tế học của biến đổi khí hậu, đã hết sức ca ngợi “các ý tưởng và sự hợp tác của các quốc gia.”

Nhưng những người khác cho biết vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi trong đàm phán về tính minh bạch và các yếu tố khác của bộ quy tắc.

“Đã có một số tiến bộ, nhưng hiện giờ vẫn đang là khoảng thời gian rất đáng lo ngại. Vẫn còn rất nhiều thứ cần bàn bạc ở giai đoạn này hơn là chúng ta mong đợi,” Helen Mountford, Phó Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới cho biết.

Ông Al Gore tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2018 COP24 tại Katowice, Ba Lan. Ảnh: Agencja Gazeta/Reuters.

“Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đang phải can thiệp để đảm bảo rằng hội nghị này có thể đạt được những thành quả tốt đẹp. Ông ấy sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào năm tới để nâng cao tham vọng chống biến đổi khí hậu của các quốc gia. Nếu ông ấy muốn hội nghị đó thành công, thì bây giờ chúng ta cần một bộ quy tắc nghiêm ngặt và phải rõ ràng về những tham vọng và vấn đề tài chính của mình.”

Ông Janos Pasztor, cựu cố vấn khí hậu của Ban Ki-moon, nói với tờ Guardian rằng Guterres đang làm điều đúng đắn bằng cách can thiệp vào giai đoạn quan trọng. “Ông ấy cần phải làm rõ những gì mà IPCC đã mô tả là một thách thức lớn và làm rõ rằng chúng ta phải thực hiện những cam kết của mình trong vấn đề đó,” Janos cho biết.

Pasztor cho biết thêm: “Chúng ta đang đề cập đến sự cần thiết của việc giảm một lượng khí thải khổng lồ, và điều đó phải xảy ra ngay bây giờ, không phải trong tương lai. Đây thực sự là một vấn đề nan giải. Tổng Thư ký đã nhắc nhở thế giới về thứ gì hiện đang bị đe dọa, và ý nghĩa về mặt chính trị của việc này.”

Sự tương phản với hội nghị thượng đỉnh khí hậu Paris, về mặt không khí chính trị, là rất mạnh mẽ. David Levaï, một thành viên của nhóm Chính phủ Pháp đã giúp cho hội nghị thành công năm 2015, cho biết những điều kiện về địa chính trị ngày nay ít thuận lợi hơn trước. Trên toàn cầu, sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc như Donald Trump ở Mỹ và Jair Bolsonaro ở Brazil đã dồn sức ảnh hưởng vào nhiên liệu hóa thạch và các tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

Ông nói: “Vào năm trước khi ký Thỏa thuận chung Paris, tất cả các nước đều nói rõ rằng họ muốn có một bản thỏa thuận. Bây giờ, liên tục xuất hiện các cuộc tấn công vào chủ nghĩa đa phương, và điều này đã tăng thêm sức ảnh hưởng của các nhóm có những hành vi tiêu cực.”

Levaï, hiện ở Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế, bày tỏ hy vọng rằng, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc có thể tạo ra sự khác biệt. “Thực tế là ông ấy đã trở lại cho thấy ông ấy cảm thấy cần phải sắp xếp các quốc gia theo trật tự nhất định,” Levaï nói.

Đã có một số lời chỉ trích Chính phủ của Ba Lan vì đã không ép các chính phủ khác nâng cao tham vọng của mình. Nhưng Chính phủ Ba Lan đã tham gia cùng Fiji với tư cách là đồng chủ tịch của giai đoạn Talanoa trong các cuộc đàm phán để đưa ra lời kêu gọi hành động công nhận tầm quan trọng của báo cáo về ngưỡng 1,5 độ C như là cơ sở để thế giới thấy rằng có những biện pháp khẩn cấp để cứu lấy Trái đất.

“Cơ hội của chúng ta không còn nhiều. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa và chúng ta cần phải làm điều đó ngay bây giờ”, bản báo cáo này cho biết. Tài liệu này sẽ là một phần của tuyên bố chính thức của hội nghị năm nay.

Theo báo Thanh Tra

Bạn đang đọc bài viết Các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu và cam kết cắt giảm khí thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...