Thứ bảy, 20/04/2024 04:26 (GMT+7)

Các địa phương lên phương án sẵn sàng đối phó với bão số 4

MTĐT -  Thứ năm, 29/08/2019 14:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, hàng loạt các địa phương từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... đang khẩn trương thực hiện công tác phòng chống để tránh thiệt hại khi bão vào.

Sáng 29/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp chỉ đạo ứng phó với bão số 4

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến thời điểm này, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.361 phương tiện/315.815 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4, đã liên hệ với 358 tàu/2.360 người hoạt động trong khu vực nguy hiểm di chuyển về nơi tránh trú. Hiện còn 7 tàu vẫn chưa liên lạc được. Có 70.003 tàu/313.455 người hoạt động tại khu vực khác và neo đậu tại bến.

“Về số lượng tàu thuyền chúng tôi đang tiếp tục đôn đốc các lực lượng biên phòng các tỉnh và các địa phương với các ngành có liên quan tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo sớm kêu gọi tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn, chậm nhất là 7 giờ sáng ngày 30/8 và sớm nhất là 18 giờ chiều nay, đảm bảo an toàn các phương tiện nghề cá”, đại tá Trần Văn Đình - Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) - cho biết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Phó Trưởng ban thường trực cho biết, càng về gần bờ bão số 4 di chuyển với tốc độ nhanh hơn so với dự báo trước đó, khu vực ảnh hưởng khu trú từ Nghệ An đến Quảng Bình, hẹp hơn so với dự báo ngày 28/8, tuy nhiên không được chủ quan, đặc biệt công tác dự báo cảnh báo. Bên cạnh đó, tại khu vực đê biển Tây, do ảnh hưởng của bão số 4 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam sẽ tác động đáng kể đến khu vực bờ biển Tây (các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau), rút kinh nghiệm ở cơn bão số 3, cần chú ý ứng phó với khu vực này.

Do tác động của sóng, tại các khu vực neo đậu, các địa phương cần tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để đảm bảo an toàn tàu thuyền; tuyệt đối không để người dân ở lại trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè. Đối với dân cư vùng thấp trũng, vùng xung yếu, khu vực nguy hiểm cần tổ chức sơ tán, di dời đảm bảo an toàn. Đặc biệt lưu ý tại đoạn sông Gianh, Quảng Bình. Theo dõi, cập nhật tình hình mưa để chuẩn bị công tác chỉ đạo ứng phó.

Để chủ động ứng phó với bão số 4, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với các lực lượng và địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tàu thuyền tiếp cận bờ an toàn. Đối với 7 tàu chưa liên lạc được, yêu cầu địa phương phối hợp với Bộ đội biên phòng và đặc biệt là gia đình để tiếp cận, nắm thông tin để có phương án hỗ trợ kịp thời. Kiên quyết nhắc nhở, đảm bảo an toàn cho ngư dân và khách du lịch đặc biệt trong dịp nghỉ lễ.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, hàng loạt các địa phương từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... đang khẩn trương thực hiện công tác phòng chống để tránh thiệt hại khi bão vào.

Hà Nội

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ban hành Công điện số 03/CĐ-BCH đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp ứng phó.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị các sở ngành, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về bão số 4; kịp thời thông tin để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh.

Kiểm tra các vị trí đê điều, thủy lợi, nhất là các điểm xung yếu. Phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Rà soát các công trình đang thi công, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng phương án ứng phó.  

Kiểm tra các công trình tiêu thoát nước, lên phương án tiêu úng cho cây trồng khu vực các huyện ngoại thành và ngập úng nội đô, nhất là các đô thị lớn. Rà soát các công trình thủy lợi phục vụ tiêu thoát nước bảo vệ sản xuất và hỗ trợ chống ngập cho khu vực nội thành. Ưu tiên cấp điện phòng chống úng ngập.

Tổ chức lực lượng, ứng trực kịp thời xử lý cây xanh gãy đổ khi có mưa to gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại và không gây ảnh hưởng đến việc đi lại, an toàn tính mạng của người dân.

Thanh Hóa

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn yêu cầu các đơn vị, ban ngành chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ và thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương, người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.

Tỉnh đã có lệnh cấm biển từ 5 giờ ngày 29/8 đến khi bão suy yếu và tan dần.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đến 17 giờ ngày 28.8, còn 3.839 phương tiện với 16.431 lao động đang hoạt động trên biển. Hiện còn 3 phương tiện với 27 lao động xuất bến tại bến Ninh Cơ, tỉnh Nam Định chưa có thông tin liên lạc với bờ. BĐBP tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và gia đình tiếp tục tìm cách liên lạc với 3 phương tiện trên.

Nghệ An

Trong sáng nay (29/8), Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển, triển khai công tác ứng phó với bão số 4.

Sau khi có lệnh cấm biển, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các lực lượng liên quan thông tin và hướng dẫn các tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ vào nơi tránh trú an toàn.

Đối với các khu vực nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương cùng với các hộ dân chủ động các phương án phòng chống an toàn, không để một người dân nào trông coi các lồng bè khi bão vào.

Ở những vùng dân dễ bị ảnh hưởng do sạt lở, ngập úng, tỉnh cũng chỉ đạo sẵn sàng phương án di dân, nhất là các địa phương ven biển có 26 nghìn người cần phải sơ tán nếu bão vào. Nghệ An cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức thu hoạch hơn 10 nghìn ha lúa hè thu, chủ yếu ở khu vực vùng trũng với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng"; chủ động phương án 4 tại chỗ trong ứng phó với cơn bão và kiểm tra các công trình thủy lợi, đảm bảo khả năng vận hành tiêu úng hiệu quả.

Dự báo đây là 1 cơn bão mạnh diễn ra nhanh và phạm vi rộng, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn, xảy ra vào dịp nghỉ lễ. Vì vậy, Nghệ An không chủ quan trong phòng chống bão.

Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: "Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải chủ động nắm bắt thông tin, nắm bắt dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia để có những chỉ đạo các thành viên, để từ đó các thành viên tỏa xuống các địa bàn được phân công để mà kiểm soát các vị trí, nhằm hạn chế một cách thấp nhất khi thiên tai xảy ra".

Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công điện các sở ngành, địa phương, công ty thủy lợi chủ động đối phó với cơn bão số 4.

Thông tin từ Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển Hà Tĩnh cho biết, đến sáng 29/8, có 117 tàu, thuyền với 599 lao động đang hoạt động đánh bắt cá trên biển, trong đó có 20 tàu thuyền với 163 lao động đang đánh bắt cá vùng lộng khu vực biển Hà Tĩnh, Nghệ An, và 97 tàu, thuyền với 436 lao động đang hoạt động ở vùng ven bờ biển Hà Tĩnh. Tất cả số tàu, thuyền này đã nhận được thông tin và đang trên đường vào bờ để tránh trú bão số 4.

Hà Tĩnh có 3.960 tàu thuyền với 15.753 lao động đánh bắt cá đã được các cơ quan chức năng Hà Tĩnh liên lạc và thông báo diễn biến, đường đi của cơn bão số 4 để chủ các tàu, thuyền chủ động đưa phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn.

Huế

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế phát đi cảnh báo trong ngày 29/8 đến 31/8 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến 200 - 300mm. Vùng biển có gió mạnh dần lên cấp 6 -7, giật trên cấp 9 – 10, biển động mạnh, sóng cao từ 2 – 4m.

Để ứng phó với bão số 4, trong ngày 28/8, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có công điện số 1/CĐ-PCTT gửi các huyện, thị xã và TP Huế cấm các tàu thuyền ra khơi, kể cả các ghe thuyền ở các xã bãi ngang, đầm phá và thông báo, hướng dẫn các tàu cá xa bờ vào nơi trú an toàn.

Quảng Bình

UBND tỉnh Quảng Bình có công điện yêu cầu kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12 giờ ngày 29/8 cho đến khi bão số 4 tan.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, sáng 29/8, ảnh hưởng bởi bão số 4, thời tiết ở Quảng Bình bắt đầu chuyển mưa khá lớn kèm sấm sét. Công nhân, người dân, nhất là ngư dân ven biển khẩn trương triển khai các biện pháp chống bão.

Quảng Trị

Trao đổi với VietnamNet, ông Lê Quang Lam, Chánh văn phòng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, bão số 4 đang tiến gần vào đất liền, tỉnh Quảng Trị có 2.303 tàu cá với 7.061 thuyền viên đã nhận được thông tin, song vẫn còn với 9 tàu với 102 thuyền viên đang hoạt động ở vịnh Bắc Bộ chưa liên lạc được.

Ông Lam cho biết thêm, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4, chú trọng công tác kiểm kê, quản lý tàu thuyền.

Tỉnh Quảng Trị còn khoảng 50% diện tích lúa vụ hè thu chưa thu hoạch. Trước tình hình bão kéo theo mưa lớn, có thể xảy ra lũ lụt, các cấp đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa.

Các hồ nuôi thuỷ sản cũng được gia cố hoặc thu hoạch sớm để tránh thiệt hại nếu bão đổ bộ gây mưa lớn, lũ lụt.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 29/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay ở phía Nam đảo Hải Nam, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, từ sáng sớm đến trưa mai (30/8) đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 30/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Từ sáng sớm ngày 30/8, ở các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Cảnh báo mưa lớn: Từ nay đến 31/8, ở các tỉnh Trung Bộ có mưa to đến rất to; từ ngày mai đến ngày 02/9 ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; từ nay đến ngày 01/9 ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, Bắc Tây Nguyên mưa rất to.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Các địa phương lên phương án sẵn sàng đối phó với bão số 4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...