Thứ bảy, 20/04/2024 00:10 (GMT+7)

Các tỉnh Đông Nam Bộ và Nam Trung bộ dồn sức ứng phó với bão số 9

MTĐT -  Thứ sáu, 23/11/2018 16:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, hàng loạt các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đã chuẩn bị các phương án neo đậu tàu thuyền tránh bão, di dời dân cư khỏi vùng bị ảnh hưởng bão.

Sáng 23/11, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 10h hôm nay (23/11), bão số 9 (có tên quốc tế là bão Usagi) cách đảo Phú Quý khoảng 360km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 370km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 560km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Theo ông Cường, bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão. Bão sẽ tiếp tục mạnh lên, trong đó vùng ảnh hưởng lan rộng phía Bắc. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển Tây Tây Nam và di chuyển chậm dần, từ khoảng 20 km/h, sau đó càng gần bờ giảm còn 15, rồi 10 km/h.

Lúc bão đi vào giữa khu vực Trường Sa và đất liên gần như bão di chuyển rất chậm, lúc cách bờ khoảng 200 km, bão sẽ đạt cường độ lớn nhất là cấp 9-10, giật cấp 12. Do di chuyển chậm, nên khu vực đảo Phú Quý sẽ bị ảnh hưởng của gió bão trên biển rất lớn, với cường độ khoảng cấp 9-10, giật cấp 12-13.

Đường đi của bão số 9. Ảnh: nchmf. 

Ông Cường cũng nhận định, khoảng đêm 24, sáng 25, bão số 9 sẽ đổ bộ vào bờ khu vực Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, với cường độ cấp 8, trước lúc vào bờ, cường độ của bão mạnh nhất là cấp 9-10. Ông cũng lưu ý, khu vực ảnh hưởng của bão sẽ mở rộng ra phía Bắc tới 200-300 km, và về phía Nam khoảng 100-200 km.

Về lượng mưa, ông Cường cảnh báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 23 đến 26/11, ở các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt). Trong đó, trọng điểm mưa sẽ rơi vào ngày 24 và 25/11, với lượng mưa 200-300 mm/24 giờ, còn lại khoảng 100-200 mm.

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 9 sáng 23/11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, hiện vẫn còn 3.855 tàu/ trên 23.500 ngư dân trong vùng ảnh hưởng của bão. Các tàu cá trên chủ yếu của Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh.

TP HCM có thể di dời hơn 4.000 người tránh bão

TP HCM cũng là một trong những địa phương được dự báo là bị ảnh hưởng bởi cơn bão Usagi.

Ngày 23/11, trao đổi với Vnexxpress, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, địa phương đã triển khai các nội dung đối phó cơn bão số 9 (tên quốc tế Usagi) theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Từ chiều qua huyện đã rà soát, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để ứng phó trước và sau khi bão vào.

Huyện Cần Giờ cấm biển từ 13h hôm nay. Các tàu thuyền đang đánh bắt trên biển, người dân ở các chòi canh phải về đất liền trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Huyện Cần Giờ kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão. Ảnh: PLO.

"Chúng tôi cũng đang rà soát toàn bộ bà con ở các vùng thấp trũng, nhà tạm, những khu vực có nguy cơ sạt lở... để di dời khoảng hơn 2.000 hộ dân (4.151 người) vào sáng mai", ông Dũng nói.

Ngoài ra, theo Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng, kế hoạch đối phó nguy cơ ngập úng nặng do mưa bão trùng thời điểm triều cường lên cao. Hiện, trung tâm đã đề nghị Công ty thoát nước đô thị thành phố (đơn vị thuê bao) kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ ngập, túc trực ở hơn 40 trạm bơm để xứ lý.

Hơn 500 người của đơn vị thoát nước cũng rải đều các quận huyện, túc trực 24/24. Hàng chục xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm... được huy động thường xuyên tham gia chống ngập.

Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã gửi công điện khẩn đến các cơ quan, quận huyện đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó bão Usagi.

Bà Rịa Vũng Tàu kêu gọi tàu, thuyền chống bão

Sáng 23/11, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đồn biên phòng và đài canh thông báo diễn biến vị trí hướng di chuyển của cơn bão số 9 cho các chủ phương tiện, ngư dân biết để chủ động phòng tránh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát thống kê số lượng tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển đã vào bờ; phối hợp chính quyền địa phương và Ban quản lý các cảng bố trí khu neo đậu cho tàu thuyền vào tránh trú, bảo đảm an toàn.

Tính đến sáng 23/11, đã có 3.464 tàu/15.798 ngư dân vào bờ tránh trú bão số 9. Trong đó neo trong tỉnh là 3.339 tàu/14.952 ngư dân, còn lại neo tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre. Không có phương tiện nào của tỉnh hoạt động trong vùng nguy hiểm của cơn bão.

Hiện BĐBP tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với gia đình chủ tàu, địa phương và sử dụng đài canh liên tục thông báo kêu gọi các tàu thuyền trên biển biết diễn biến hướng di chuyển của bão để chủ động tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ninh Thuận - Bình Thuận cấm biển, sẵn sàng sơ tán dân

Ngày 23/11, UBND tỉnh Ninh Thuận có công điện hỏa tốc về việc cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời triển khai công tác ứng phó bão số 9 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động trên biển kể từ 10h sáng 23/11. UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, nắm số lượng các hộ dân ở vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Tất cả các công việc phải hoàn thành trước 17h chiều 24/11.

Số tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại các bến, cảng trên địa bàn tỉnh là 2.100 chiếc, còn hơn 450 chiếc đang hoạt động trên biển đã được liên lạc, hướng dẫn về nơi tránh, trú bão. Gần 300 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được yêu cầu di chuyển đến nơi an toàn. Nghiêm cấm người ở lại trên lồng bè, phương tiện thủy nội địa.

Tỉnh Bình Thuận cũng đã có công điện cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải, đánh bắt hải sản trên biển kể từ 16h chiều 22/11. Tổ chức kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ tránh trú, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Ninh Thuận - Bình Thuận cấm biển, sẵn sàng sơ tán dân.

Khánh Hòa: Cấm biển, tập trung di dời người dân

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh yêu cầu các địa phương, sở ngành, đơn vị… cùng với việc thực hiện công điện số 2 ngày 22/11 của tỉnh, thì tập trung vào nhiệm vụ kêu gọi tàu, thuyền của ngư dân còn hoạt động trên biển khẩn trương trở vào bờ, hoặc tìm chỗ tránh, trú bão an toàn.

Đồng thời thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu hành trên biển kể từ 12h ngày 23/11 cho đến khi kết thúc bão. Đối với các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển bắt buộc phải trở vào bờ trước 16h ngày 23/11.

Cáp treo Vinperland ngưng hoạt động kể từ 14h ngày 23/11. Đối với các hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu do mưa lớn, vùng ảnh hưởng của xả lũ hồ chứa, việc sơ tán, di dời dân phải hoàn thành trước 16h giờ ngày 23/11.

TP. Nha Trang đã di dời những hộ dân tại 4 vùng có nguy cơ sạt lở cao về nhà văn hóa Phú Cường - Phú Thọ cùng các trường học, nhà văn hóa, trụ sở thôn trên địa bàn xã Phước Đồng.

Thành phố sẽ tiếp tục di dời 384 hộ, với hơn 1.200 nhân khẩu. Lãnh đạo UBND phường Vĩnh Hòa cho biết dự kiến khoảng 80 hộ dân sống dưới chân núi Cô Tiên, chủ yếu là khu vực Nam Hòn Khô sẽ được di dời đến nhà người thân, điểm sinh hoạt văn hóa.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Các tỉnh Đông Nam Bộ và Nam Trung bộ dồn sức ứng phó với bão số 9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...