Thứ sáu, 29/03/2024 13:37 (GMT+7)

Cần đầu tư trạm thủy văn để kiểm soát phần dự báo ở biển

MTĐT -  Thứ ba, 03/11/2020 09:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các bộ, ngành và 4 địa phương.

Tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, từ năm 2012, Bộ TN&MT đã triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” sản phẩm chính của Dự án là 2 loại bản đồ: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ.

Đến nay đã thành lập được bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên 22 tỉnh miền núi phía Bắc và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 15 tỉnh, tập trung địa bàn các tỉnh vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung, còn khu vực Nam Trung Bộ do địa hình bằng phẳng nên chưa thực hiện. Các bản đồ bàn giao cho các địa phương để phục vụ việc xem xét, nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch, đồng thời cung cấp cho các đài khí tượng thủy văn để đưa ra các dự báo liên quan đến bão, mưa, thủy văn.

Tuy nhiên do hạn chế là tỉ lệ 1:50.000 nên thực tế là rất khó để đưa vào các dự báo mang tính chi tiết vì vấn đề này đòi hỏi kỹ lưỡng về địa chất, công trình, thủy văn, thổ nhưỡng...

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hầu hết các sạt lở ở các tỉnh miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam) trước đây lịch sử đều đã xảy ra. Nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy đã được xác định, những đứt gãy này, hoạt động kiến tạo cho thấy đất đá ở đây hình thành vùng phong hóa lớn, có nơi dày 15-16m. Như vậy nguyên nhân nội sinh là nguyên nhân chính...

Nhưng vấn đề là có rất nhiều khu vực như Trà Leng đã có dân cư ổn định nhiều năm, không có các hiện tượng như trên, độ phủ còn đầy đủ, vì vậy yếu tố ngoại sinh ở đây là chính.

Sau các sự việc liên tiếp này là dịp để chúng ta nhìn lại toàn bộ khu vực để có đánh giá đầy đủ hơn về các mối quan hệ, nguyên nhân khách quan chủ quan. Trong đó chúng ta phải thừa nhận 1 điều là các taluy khi làm các công trình giao thông, thủy điện, dân sinh, sản xuất công nông nghiệp... đã làm gia tăng các yếu tố tự nhiên này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện nay các cơn bão mới đang vào biển Đông, hướng đi tập trung về miền Trung, hiện Bộ TN&MT đang duy trì chế độ cung cấp các dự báo 6 tiếng/lần, có sự thay đổi sẽ cập nhật thường xuyên, cảnh báo cụ thể nhất càng sớm càng tốt, có thể 3 tiếng 1 lần, thậm chí về thủy văn 1 tiếng/lần...

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các hồ miền Trung hiện nay ko có chế độ điều tiết nước thật lớn, tức là cắt đỉnh lũ lớn, nhưng thời gian vừa qua khi có quy trình điều tiết hồ chứa đã giảm lũ lớn, từ 30 - 80%, nếu không có điều này sẽ khiến hạ lưu ngập hơn, thiệt hại hơn nhiều. Phải khẳng định nếu chúng ta làm tốt khâu điều tiết hồ chứa như vừa rồi thì tạo kết quả tốt, giảm lũ lớn...

Về yếu tố con người, khi chúng ta làm các công trình thì chưa chú ý đến yếu tố gây ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các hồ thủy điện, hồ chứa, các công trình đường sá.

“Sau buổi họp này, chúng ta nên đánh giá việc lũ càng lên nhanh, xuống nhanh hay chậm cũng có thể có nguyên nhân là khi chúng ta phát triển hạ tầng chưa đánh giá thích ứng biến đổi khí hậu, các tác động liên quan đến dòng chảy hoặc các yếu tố địa chất như làm đường, làm công trình sau một thời gian sạt lở. Đây là điều nên thành quy phạm bắt buộc, cần phải có số liệu chính thức với tỉ lệ chi tiết hơn để làm cơ sở tính toán lâu dài, vừa là yếu tố phòng tránh các vấn đề địa chất” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu kiến nghị, liên quan đến vấn đề dự báo, thực tế trình độ dự báo đã ngang thế giới, nhưng dự báo về số liệu ở biển là rất khó khăn, chúng tôi mong muốn thời gian tới đầu tư trạm thủy văn để kiểm soát phần dự báo ở biển. Cần có sự thống nhất về dữ liệu để đưa vào dự báo khí tượng thủy văn, thống nhất có cơ sở về thủy văn để dự báo tốt.

PV (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Cần đầu tư trạm thủy văn để kiểm soát phần dự báo ở biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới