Thứ sáu, 29/03/2024 22:21 (GMT+7)

Cảnh báo về dân số và môi trường từ thế kỷ 19

MTĐT -  Chủ nhật, 03/06/2018 15:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngay từ thế kỷ thứ 19, nhà kinh tế học người Anh Thomas Malthus đã cảnh báo rằng sự gia tăng dân số không kiểm soát sẽ làm mất khả năng cung cấp đủ lương thực của Trái đất cho con người.

Mặc dù luận thuyết của ông đã bị phê phán rằng quá đơn giản và mới chỉ xem xét quan hệ dân số – biến động tài nguyên, song nó cũng đã phần nào xác nhận thực tế về hậu quả cũng như hiểm họa môi trường của gia tăng dân số.

Gia tăng dân số đang gây sức ép nặng nề lên toàn bộ các môi trường đất, không khí và nước trên toàn cầu vì mỗi một thành phần môi trường này lại có liên quan chặt chẽ đến thành phần khác. Và mỗi một cá thể, một con người khi sử dụng tài nguyên lại góp phần vào sự ô nhiễm môi trường.

Trong khi mức độ sử dụng tài nguyên và lượng chất thải sinh ra từ mỗi con người, mỗi khu vực là không giống nhau, thì một thực tế rõ ràng là đất, nước và không khí là vô cùng cần thiết cho sự sinh tồn của loài người.

Đối với sự tiêu thụ tài nguyên, có hai tính chất chung cơ bản cần được nhấn mạnh. Thứ nhất là mọi người đều cần thức ăn, do đó cần phải có đất để canh tác nông nghiệp, chăn nuôi cũng như để sản xuất ra lương thực thực phẩm.

Sự gia tăng dân số đã gây sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường trái đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu của con người.

Hiện nay, trên toàn cầu có khoảng 1,5 tỷ hecta đất đang được canh tác trên tổng số khoảng từ 2 đến 4 tỷ hecta được cho là đất có thể canh tác. Thực tế cho thấy nhu cầu đất đai trong tương lai để đáp ứng nhu cầu của dân số đang gia tăng, và rằng số hecta đất cần để thỏa mãn nhu cầu lương thực của các phương án dân số dự báo với giả thiết rằng năng suất lương thực trên đầu người là không đổi.

Mặc dù trải qua lịch sử đã có sự tăng thêm của diện tích đất có tiềm năng canh tác, song sự gia tăng quá nhanh của dân số toàn cầu đã không làm tình hình khả quan hơn. Diện tích đất cần cho sản xuất lương thực trên toàn cầu hiện nay đã rất gần với giới hạn dưới của diện tích đất có tiềm năng canh tác dự tính (Meadows et al., 1992).

Dân số toàn cầu đã tăng gấp ba lần trong vòng hơn 70 năm qua và mức nước sử dụng đã tăng gấp sáu lần do sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp có tưới. Trong một vài năm gần đây, tổng lượng nước sử dụng đã tăng cùng nhịp độ với mức gia tăng dân số (UNFPA, 2001).

Để thỏa mãn nhu cầu về nước của 77 triệu con người tăng thêm mỗi năm người ta dự tính cần phải có một lượng nước cõ bằng dòng sông Rhine. Song trữ lượng nước ngọt lại không hề tăng thêm.

Tài nguyên nước là tính chất chung thứ hai có liên quan chặt chẽ đến mối quan hệ giữa qui mô dân số và việc sử dụng tài nguyên. Nước là thành phần trung tâm của chu trình sinh thái mà nhân loại phụ thuộc vào và nước được chúng ta sử dụng vào rất nhiều mục đích thiết yếu như cho sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất năng lượng. Có lẽ nước chính là nguồn tài nguyên giới hạn của sự phát triển bền vững.

Nước là tài nguyên không thay thế và sự cân bằng giữa nhu cầu nước của nhân loại với trữ lượng nước đã đến mức báo động. Chỉ có 2,5% lượng nước trên trái đất là nước ngọt – loại nước thiết yếu cho mọi loại hình sử dụng nước của con người – và chỉ có 0,5% là nước mặt và nước ngầm có thể khai thác sử dụng.

Gia tăng dân số không chỉ có liên quan đến mức tiêu thụ tài nguyên mà còn liên quan đến sự ô nhiễm môi trường gây ra trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Môi trường đất, nước, không khí, tất cả đều có vai trò như những bể chứa chất ô nhiễm.

Do các qui trình công nghiệp rất phức tạp nên khó có thể xác định chính xác mối quan hệ giữa qui mô dân số và sự ô nhiễm. Một số nhà nghiên cứu đã ước tính được tác động của qui mô dân số đến một loại ô nhiễm ở một số vùng nhất định.

Tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản mối quan hệ giữa dân số và ô nhiễm môi trường như sau: ví dụ, xét về ô nhiễm không khí, nhiều người hơn tức là sẽ có nhiều nhu cầu hơn đối với các hàng hóa được sản xuất tại các nhà máy, khu công nghiệp mà đây là những nơi tạo ra nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

Đương nhiên, các mối quan hệ sâu xa hơn thì không đơn giản như vậy – khí hậu, chính sách kiểm soát ô nhiễm và công nghệ sản xuất, tất cả sẽ phối hợp với nhau để xác định chất lượng không khí.

Theo moitruong.com

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo về dân số và môi trường từ thế kỷ 19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới