Thứ năm, 28/03/2024 23:30 (GMT+7)

Chuyên gia lý giải về hiện tượng mưa đá giày đặc ở miền Bắc

MTĐT -  Thứ tư, 04/03/2020 10:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày qua, một số tỉnh miền núi Bắc Bộ xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của không khí lạnh.

Bên cạnh dông lốc, sấm sét, Yên Bái và Lai Châu còn xảy ra các trận mưa đá gây thiệt hại nặng nề cho nhà cửa, hoa màu của người dân.

Theo các chuyên gia thời tiết, hiện tượng mưa đá tại miền Bắc những ngày qua đã được dự báo, cảnh báo và không phải là bất thường. Mưa đá thường xuất hiện trong tháng 3 và 4 ở miền Bắc khi có không khí lạnh đột ngột tràn về vào thời điểm giao mùa.

Theo Zing, lý giải về hiện tượng thời tiết này, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mưa đá hình thành bên trong những đám mây đối lưu, bao gồm các hạt băng có kích thước khác nhau.

Hầu hết vùng miền ở nước ta đều nằm trong khu vực bán sơn địa, miền Bắc lại thường phải chịu tác động của các đợt không khí lạnh mạnh tràn về kết hợp với gió hội tụ tây nam trên cao. Chính sự kết hợp này hình thành nên mưa đá.

Hiện tượng mưa đá cũng thường xuất hiện trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc ngược lại. Các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phân tử ở 2 khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây mưa rào và dông, kèm theo mưa đá.

Những ngày cuối tháng 2, miền Bắc đã đón một đợt nắng ấm lên đến 27-29 độ C, một số thời điểm oi nóng như mùa hè. Vì vậy, khi có tác động của không khí lạnh mang theo hơi ẩm tràn xuống đột ngột, khu vực xảy ra hiện tượng mưa dông, sấm chớp và một số nơi xảy ra mưa đá.

Trước đó, vào khoảng 19h30 tối 2/3, tại TP Yên Bái - tỉnh Yên Bái, đã xảy ra hiện tượng mưa đá kèm dông lốc, mưa rào lớn. Trận mưa đá diễn ra khoảng 30 phút đã trút xuống những thảm hạt đá lạnh to như bi, trái sấu xanh, lượng mưa rất to, tiếng đá rơi rát rạt trên mái các ngôi nhà. Mưa kèm dông lốc đã thổi tung nhiều mái tôn của nhà dân, quật đổ cây xanh, biển hiệu quảng cáo và làm nhiều nơi bị mất điện, tối bưng. Hệ thống điện của toàn TP Yên Bái bị cắt để đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, sáng 3/3, tỉnh Lai Châu xuất hiện mưa đá với cường độ mạnh ở nhiều địa phương, thời gian mưa đá kéo dài khoảng 40 phút, có nơi trên 40 phút, hạt đá rơi rất dày. Sau khi mưa đá kết thúc để lại một lớp đá phủ trắng như tuyết trước sân nhà, trong vườn và đường đi từ 5-10cm, có chỗ hạt đá dồn lại dày tới 15-20cm, khiến các phương tiện như xe máy, ô tô không thể qua lại vì trơn trượt.

Mưa đá bất thường dày đặc ở Lai Châu. 

Dự báo thời tiết trong tháng này, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 6/3 nhiệt độ cao nhất trong ngày có khả năng ở mức từ 25-28 độ C, những ngày tiếp theo nhiệt độ tiếp tục tăng nhanh, mỗi ngày từ 2-3 độ mỗi ngày, ngày 8 và ngày 9/3 nhiệt độ sẽ tăng ở mức từ 29-32 độ C ở Hà Nội, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ có thể lên tới 33-35 độ C, xuất hiện nắng nóng cục bộ.

Theo dự báo, vào tháng 3 hàng năm có khoảng 3-5 đợt không khí lạnh, theo đó dự báo khả năng tháng 3 năm nay không khí lạnh hoạt động yếu và ít có cơ hội gây ra các đợt rét kéo dài.

Tuy nhiên với xu hướng nhiệt độ cao hơn TBNN các đợt không khí lạnh ảnh hưởng sau những ngày nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, có thể sẽ gây ra sự xáo trộn không khí mạnh mẽ và gây ra những trận mưa rào và dông, có khả năng kèm theo mưa đá như tối và đêm ngày 2/3.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia lý giải về hiện tượng mưa đá giày đặc ở miền Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.