Thứ tư, 24/04/2024 06:57 (GMT+7)

Chuyên gia: Mưa lũ ở Hà Giang không liên quan đến mưa lũ Trung Quốc

MTĐT -  Thứ tư, 22/07/2020 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các chuyên gia khí tượng cho rằng, mưa lũ ở Hà Giang là mưa xuất hiện tại chỗ, do chính vùng mây hội tụ hình thành tại khu vực. Do đó, mưa lũ ở Hà Giang không liên quan đến mưa lũ ở bên Trung Quốc.

Trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ, suốt từ đêm 20 đến sáng 21/7 đã gây ngập úng cục bộ một số địa phương của tỉnh Hà Giang, khiến 5 người chết, 2 người bị thương, đồng thời gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu, nhiều công trình.

Theo thống kê nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho hay, đã có 2 mẹ con chị Lý Già Tứi (44 tuổi) và Lý Thị Ơn (15 tuổi), trú tại xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì tử vong. Ngoài ra, 1 người khác bị thương là anh Đặng Văn Đại (thôn 1 Hợp Nhất xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì).

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng tại TP Hà Giang diễn ra trong bối cảnh thiên tai tại Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, cho biết nguyên nhân chính khiến Hà Giang ngập nghiêm trọng trong sáng 21/7 là lượng mưa trút xuống quá lớn.

"Mưa chỉ vài giờ mà đã hơn 100 mm là rất lớn. Trong khi đó, Hà Giang có địa hình lòng chảo, mưa xuống nhanh nhưng nước không kịp thoát gây ra ngập úng nghiêm trọng. Từ năm 1986 đến nay, việc ngập úng vẫn thỉnh thoảng diễn ra", ông Vinh cho biết.

Nói về đợt mưa lũ bất thường ở Hà Giang, trao đổi với báo Dân trí, ông Bùi Đức Tuấn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc cho biết, thường những đợt lũ xảy ra là từ thượng nguồn và xuất hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, đợt mưa lũ lần này lại chỉ tập trung ở Hà Giang.

TP Hà Giang có địa hình gần như một thung lũng. Xung quanh thành phố là các rãnh núi cao nên lượng nước dồn về rất nhanh.

Cũng theo ông Tuấn, lũ xuất hiện tại Hà Giang chỉ trên mức báo động 2 nhưng tập trung cục bộ ở một vài điểm nên gây ngập úng nhiều. Sau đó, lượng nước ứ đọng tại các điểm tràn ra gây ngập hết cả thành phố.

Nói về nguyên nhân của đợt mưa lớn đang diễn ra ở Hà Giang và các tỉnh miền núi Bắc Bộ, ông Bùi Đức Tuấn cho biết, đây là một trong những hiện tượng do áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào nội địa. Hình thái này kết hợp với xoáy và gió trên cao tồn tại lâu ở khu vực Hà Giang mà không di chuyển đi nơi khác, do đó, dẫn đến hiện tượng mưa các nơi không đồng đều.

"Vùng xoáy này đã xuất hiện 1-2 ngày và chỉ tồn tại ở thành phố Hà Giang chứ không di chuyển đi các nơi khác. Đó là lý do lượng mưa các nơi không đồng đều. Các đợt mưa lớn thông thường cũng chỉ ghi nhận lượng mưa trên 200 mm. Tuy nhiên, với lượng mưa trên 350 mm tại thành phố Hà Giang trong vòng 1 ngày, cơ quan khí tượng sẽ so sánh lại các số liệu trong quá khứ để nhận định xem đây có phải trận mưa lớn lịch sử hay không", ông Tuấn phân tích.

Hà Giang là tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, những ngày gần đây nhiều khu vực của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Từ đó, nhiều người cho rằng, mưa lũ tại TP Hà Giang vừa qua là do ảnh hưởng từ Trung Quốc, tuy nhiên, ông Tuấn đã bác bỏ thông tin này.

"Mưa xuất hiện tại chỗ, do chính vùng mây hội tụ hình thành tại khu vực, không phải do mây từ những nơi khác di chuyển đến. Do đó, mưa lũ ở Hà Giang đêm 20/7 và ngày 21/7 không liên quan đến mưa lũ ở bên Trung Quốc", ông Tuấn nói.

Trước đó, trả lời về nguy cơ mưa lũ ở Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho rằng, các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân gây ra mưa lũ một tháng qua ở Trung Quốc là do một dải mây gọi là dải mây Front Mei-yu.

Theo nghiên cứu của các nhà khí tượng thế giới cũng như Việt Nam, Front Mei-yu chủ yếu gây mưa ở khu vực phía Đông, Nam của Trung Quốc và khu vực Nhật Bản mà không ảnh hưởng đến Việt Nam. Do vậy, mưa lũ lịch sử sẽ không tác động đến nước ta.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia: Mưa lũ ở Hà Giang không liên quan đến mưa lũ Trung Quốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới