Thứ năm, 18/04/2024 17:47 (GMT+7)

ĐBSCL gồng mình chống hạn mặn

MTĐT -  Thứ ba, 07/01/2020 13:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngay từ giữa tháng 12-2019 đã xuất hiện xâm nhập mặn cao đột biến ở nhiều cửa sông (ranh mặn 4‰ ở sông Hàm Luông cao nhất đến 57km, cao hơn cùng kỳ năm 2015 là 17km).

Xâm nhập mặn lan ra 10 tỉnh

Nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 74/137 huyện, thị xã thuộc 10/13 tỉnh trong khu vực (trừ Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ). Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn. Nguồn nước sinh hoạt cho người dân cũng có nguy cơ bị thiếu hụt. Theo dự báo, có khoảng 136.000 ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; 120.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, nhất là tại Bến Tre với khoảng 36.800 hộ, Long An 32.400 hộ và Sóc Trăng 24.400 hộ.

Vụ lúa tôm năm nay ở Cà Mau, nhiều hộ dân sản xuất lúa cao sản ngắn ngày thì phấn khởi, còn ngược lại làm lúa mùa thì buồn. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, tổng diện tích bị thiệt hại do hạn mặn, xâm nhập đến cuối năm 2019 là trên 16.000 ha trong đó, thiệt hại từ 30% đến 70% trên 3.700 ha, thiệt hại trên 70% gần 13.000 ha. 

Tại Bến Tre, nước mặn xâm nhập sâu vào các tuyến sông tại huyện Chợ Lách khiến nhiều nông dân không kịp trữ nước ngọt để tưới cây. Ông Nguyễn Văn Nhiên (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) cho biết: “Bình thường mọi năm sau Tết Nguyên đán nước mặn mới xâm nhập đến các tuyến sông nhưng năm nay bất ngờ đến sớm nên bà con không kịp đề phòng đóng các cống hay trữ nước ngọt trong mương vườn để sử dụng”. Xã Tân Thiềng có 8 tuyến sông dùng để trữ nước ngọt đã bị nhiễm mặn do không kịp đóng cống. Hiện tại, toàn xã có 1.538 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 80% là cây giống, cây ăn quả và hoa kiểng đang bị ảnh hưởng và có nguy cơ mất trắng do nước mặn. Trong đó, diện tích hoa kiểng phục vụ Tết Canh Tý có nguy cơ bị thiệt hại cao nhất do rất mẫn cảm với nước mặn và nhu cầu nước tưới lớn, phải tưới mỗi ngày. 

Cống đập Ba Lai góp phần giảm độ mặn cho đồng ruộng Bến Tre. Ảnh: Hoàng Trung

Nỗ lực phòng chống

Hiện tại, ĐBSCL đang canh tác vụ lúa mùa, vụ Thu Đông 2019 và Đông Xuân 2019-2020, với gần 2,5 triệu ha. Theo Bộ NN-PTNT, việc chủ động bố trí thời vụ xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển bảo đảm thuận lợi hơn cho việc cung cấp đủ nguồn nước tưới, tránh thời gian xâm nhập mặn lên cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Trước ảnh hưởng của hạn, mặn, Bộ NN-PTNT đã tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn liên tục từ tháng 6-2019 để chủ động chỉ đạo các giải pháp ứng phó. Trong đó, chủ động thời vụ hợp lý, chuyển đổi khung thời vụ, khuyến cáo sử dụng các giống tốt, năng suất cao, chịu hạn, mặn tốt vừa bảo đảm yếu tố kinh tế và giảm nguy cơ thiếu nước cuối vụ. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng đang triển khai nhiều giải pháp công trình để chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn. Đồng thời, đã đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình để kịp đưa vào phục vụ trong mùa khô năm 2019-2020; chủ động trữ nước ngọt tại các hệ thống thuỷ lợi, kênh rạch,...; phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất các thiết bị tích trữ nước, lọc nước cho người dân.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, nếu hạn mặn tiến triển theo hướng cực đoan trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ làm đập tạm thời để lấp cống Tân Thành, trữ nước ngọt cung cấp cho khoảng 800.000 dân phía Đông của tỉnh. Tại Bến Tre, Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan cho đóng khoảng 14 cống trên tuyến thủy lợi Bắc Bến Tre, nạo vét hồ Sơn Đông và đưa vào khai thác một số hồ thủy lợi khác. Tại Vĩnh Long, Trà Vinh dự án xây dựng 3 cống ngăn mặn, trữ ngọt: Tân Dinh, Bông Bót và Vũng Liêm.

Ngay giữa tháng 1-2020, toàn hệ bộ Cống Bông Bót sẽ được đưa vào vận hành, kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459 ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long và huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh. Hiện tuyến đê sông Hàm Luông và 17 cống trên tuyến đê vẫn đang triển khai thi  công. Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre có quy mô bao gồm 26 km đê bao sông Tiền, 9,6km đê bao sông Hàm Luông và xây dựng 38 cống hở, để cùng với tuyến đê biển Ba Tri, Bình Đại tạo thành hệ thống đê khép kín, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho 139.000 ha diện tích đất tự nhiên vùng Bắc Bến Tre (các huyện Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri và TP Bến Tre). Hiện tại các công trình đã hoàn thành, góp phần kiểm soát mặn cho diện tích khu vực Bắc Bến Tre phần giáp sông Tiền cho 80.000 ha diện tích vùng dự án.

Theo SGGP

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL gồng mình chống hạn mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.