Thứ sáu, 29/03/2024 13:01 (GMT+7)

'Đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH'

Tùng Anh -  Thứ sáu, 01/11/2019 12:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 31-10, thảo luận tại Hội trường, đại biểu Ngô Sách Thực (Đoàn Bắc Giang) đã phát biểu ý kiến tham luận về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc  hội khóa XIV, chiều 31-10, thảo luận tại Hội trường, đại biểu Ngô Sách Thực (Đoàn Bắc Giang) đã phát biểu ý kiến tham luận về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xin được giới thiệu nội dung bài phát biểu:

"Tôi bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi trước thành quả kinh tế - xã hội và các mặt đạt được năm 2019 là rất to lớn. Qua đó cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và hưởng ứng của Nhân dân. 7 chỉ tiêu đạt, 5 chỉ tiêu vượt, khả năng hoàn thành toàn diện 12 mục tiêu đề ra là hiện thực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, chiến tranh thương mại và dấu hiệu suy giảm của kinh tế thế giới là thành công có ý nghĩa lịch sử đối với nước ta.

Đồng chí Ngô Sách Thực phát biểu tại kỳ họp.

Nhân dân phấn khởi trước thành quả kinh tế- xã hội, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên trên thực tế. Đồng tình với các chỉ đạo tổng kết nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm hoàn thiện thể chế một cách đồng bộ; cả về cơ chế, chính sách, pháp luật, bộ máy, con người, cân đối các nguồn lực nhằm phát triển bền vững đất nước cho 5 năm tới và giai đoạn tiếp theo. Đánh giá của Chính phủ đã khẳng định rõ những kết quả đạt được, đồng thời cũng rất thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, tinh thần không bằng lòng và ngủ quên trên chiến thắng.

Tôi đồng tình rất cao tinh thần đó và tinh thần lắng nghe, cầu thị trong giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc từ sau kỳ họp thứ 6, thứ 7, nhất là những vấn đề liên quan vướng mắc, ách tắc trong tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài…Vừa qua, Bộ Giao thông- Vận tải thông báo đường Quốc lộ I phía Đông không đấu thầu quốc tế mà đấu thầu trong nước được dư luận đồng tình. Một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành cũng đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan.

Với mục tiêu phát triển bền vững, tôi xin làm rõ thêm và đề xuất một số giải pháp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như sau:

Qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, 4 năm thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, trên nhiều phương diện, làm thay đổi nhận thức thái độ, hành vi, thói quen của nhiều người, tạo nên cảnh quan nhiều khu dân cư ”sáng, xanh, sạch, đẹp”, góp phần quan trọng vào kết quả trên 57,2%, vượt mục tiêu 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí, tiêu chí về môi trường là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả dạt được, đây vẫn là lĩnh vực nhân dân rất quan tâm ( năm 2018 74% nhân dân quan tâm về môi trường), nhiều nơi để ô nhiễm nhân dân còn bức xúc.

Một số hạn chế chậm được khắc phục như: Phân loại rác, chất thải rắn tại nguồn cũng như chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác đã được phân loại tại nguồn thích hợp; nhiều nơi chính chỗ tập kết rác là nơi gây ô nhiễm; công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa cao; tổ chức thực hiện việc phân loại, thu gom, xử lý rác chưa đồng bộ, nhiều nơi đã phân loại từ hộ nhưng khi vận chuyển, xử lý lại đổ chung, là khó khăn không nhỏ cho công tác tuyên truyền vận động. Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tuy đã được tăng cường, chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm, còn vi phạm chưa được phát hiện. Việc kiểm soát nước thải tại nhiều đô thị chưa tốt (mới có 12,5% lượng nước thải ở đô thị loại IV được xử lý, 46,5% địa phương có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đô thị), tỷ lệ xả thải trực tiếp còn rất cao, ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm vẫn rất đáng lo ngại. Sự cố môi trường đã xảy ra ở một số nơi nhưng việc cảnh báo, thông tin, phòng ngừa ô nhiễm chưa kịp thời, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Tôi đề nghị cần phải chỉ đạo tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường, tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2020 trong năm 2020; đánh giá rõ mục tiêu kiểm soát, hạn chế về cơ bản vào năm 2020. Bổ sung các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới, giải pháp về GDP xanh, vật liệu thay thế, tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa; đặc biệt là các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, tái định cư, chống tác hại của sạt lở vùng núi, sông, biển đang thường xuyên đe dọa tính mạng, đời sống của nhiều hộ dân.

Chỉ đạo xây dựng hoàn thiện, đồng bộ trong các Luật có liên quan để hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó có sửa đổi một số điều của Luật BVMT. Tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng đầu tư nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi nguồn lực cho việc bảo vệ môi trường rất cần và rất thiếu nhưng kinh phí 1% ngân sách chi dành cho sự nghiệp môi trường nhiều nơi không bố trí đủ, có nơi bố trí nhưng không tiêu được; việc phân bổ và thực hiện chi đầu tư phát triển cho tài nguyên & môi trường năm 2019 đạt rất thấp. Có nguồn mà không tiêu được là thiếu sót cần khắc phục ngay.

Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường. Ngoài chỉ đạo, kiểm tra các cấp thực hiện nghiêm các qui định về đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chấp thuận dự án đầu tư; khuyến khích công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; kiểm soát xả thải, kiểm soát nhập khẩu công nghệ, chất cấm nhập khẩu. Chỉ đạo bổ sung hoàn thiện các qui chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường; hoàn thiện cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm phải bồi thường, gây hậu quả nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật. Khuyến khích ứng dụng khoa học- công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải; cần tổ chức biểu dương các sáng kiến, hoạt động, cách làm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhân dân hằng năm và định kỳ; sát dân, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân sẽ có cách làm hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành liên quan xây dựng các phương án xấu nhất xử lý nếu sự cố môi trường xảy ra. Mở rộng hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm để thông tin kịp thời cho người dân biết, có địa chỉ, đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh của Nhân dân về môi trường. Nói đến môi trường có nhiều nhưng trước hết là nước sạch và không khí sạch.

Qua vụ việc ô nhiễm nguồn nước sông Đà ảnh hưởng việc cấp nước sạch đến hàng vạn hộ dân đặt ra nhiều nội dung cần quan tâm, sự vào cuộc của các cơ quan, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được việc cấp nước; cần quy định chặt chẽ hơn điều kiện, tiêu chuẩn doanh nghiệp cung cấp nước sạch, đây là lĩnh vực kinh doanh rất đặc thù, một người bán nhưng có hàng vạn người mua, người mua không có sự lựa chọn khác. Trong 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2020, chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn về môi trường đạt 90% cần cân nhắc thêm. Năm 2018 đạt 88%, năm 2019 dự kiến đạt 89%, năm 2020 đề ra 90%, như vậy cứ mỗi năm tăng được 1%, so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 kiểm soát môi trường có đạt được không.

Chi sự nghiệp môi trường nếu đúng nội dung nhân dân, xã hội đang cần sẽ có tác dụng rất tốt trong việc huy động các nguồn lực xã hội trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần có cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi đầu tư, về vay vốn đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác thu gom và xử lý rác thải. Có cơ chế hỗ trợ các hình thức tự quản môi trường ở khu dân cư; hỗ trợ tiếp cận nước sạch, xây nhà nhà vệ sinh của các hộ dân, của cộng đồng; hỗ trợ hỏa táng, qui tập các mộ vào nghĩa trang sẽ giữ gìn vệ sinh và tiết kiệm sử dụng đất. Như vậy có rất nhiều nội dung hữu ích, ích nước, lợi dân nếu chi 1 đồng hỗ trợ từ sự nghiệp môi trường có thể huy động được ngàn đồng trong dân, nguồn lực lớn trong xã hội tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời với các giải pháp trên phải xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về môi trường; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân giám sát thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của toàn dân bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững".

Bạn đang đọc bài viết 'Đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới