Thứ tư, 17/04/2024 06:48 (GMT+7)

Giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị: Cần xanh hóa các công trình xây dựng

MTĐT -  Thứ tư, 01/07/2020 17:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, để giảm hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”, Hà Nội cần tăng tỷ lệ diện tích xanh, mở rộng diện tích cây xanh, công viên, mặt nước, nhất là ở khu vực nội đô.

“Tấm lá chắn” bảo vệ môi trường

Cây xanh không chỉ làm đẹp cảnh quan môi trường mà trong những ngày nắng nóng còn giúp điều hòa không khí, giảm hiệu ứng bức xạ nhiệt đô thị. Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh tại Hà Nội vẫn còn rất thấp.

Hà Nội vừa trải qua tháng 6 nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ cao nhất ghi nhận từ 39-40 độ. Tuy nhiên, nhiệt độ ngoài đường lên tới hơn 50, thậm chí gần 60 độ.

Trong tháng 6, nhiệt độ ngoài đường tại Hà Nội có lúc lên tới hơn 50, thậm chí gần 60 độ.

Theo các chuyên gia khí tượng, nhiệt độ bên ngoài thực tế phụ thuộc nhiều yếu tố như điều kiện địa hình, hướng gió, mật độ cây xanh, mặt nước, tỷ lệ bê tông hóa. Vì thế, những ngày nóng nhất, khu vực nội đô càng trở nên hầm hập, gay gắt giống như một ốc đảo với nhiệt độ cao hơn hẳn vùng xung quanh.

Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, việc trồng thêm cây xanh trong nội đô Hà Nội nói riêng và các đô thị khác nói chung là rất cần thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác trồng mới, bảo vệ và chăm sóc cây xanh vẫn chỉ là việc của một vài đơn vị chức năng.

Do vậy, để cây xanh phát triển ổn định, tạo thành “tấm lá chắn” vững chắc bảo vệ môi trường, rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc trồng mới, bảo vệ cây xanh. Cùng với đó, để quản lý tốt và phát huy hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển cây xanh đường phố cần đảm bảo hệ thống văn bản pháp quy thống nhất, đồng bộ.

Chia sẻ với báo Tiền phong, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thông tin, khoảng 10 năm gần đây, Hà Nội mọc lên hàng loạt tòa cao ốc, kéo theo sự thay đổi vi khí hậu tại chỗ. Cùng với việc giảm diện tích cây xanh, mặt nước do mật độ xây dựng dày đặc, các tòa nhà còn tỏa ra nhiệt lượng lớn do dùng các thiết bị điều hòa.

“Cao điểm nắng nóng, mỗi tòa nhà có thể có hàng chục, thậm chí hàng trăm cục nóng điều hòa tỏa nhiệt ra môi trường, càng làm cho nội đô Hà Nội trở nên hầm hập”, ông Đức nói.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã trồng được 1.530.000 cây xanh. Việc này không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, tiếng ồn, cung cấp oxy, giúp tăng độ ẩm, điều hòa không khí.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ diện tích xanh trên bình quân đầu người đạt 10-11 m2. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi đạt được mục tiêu này, tỷ lệ cây xanh ở Hà Nội vẫn rất thấp bởi tỷ lệ bình quân các đô thị trên thế giới khoảng 20-25m2/người.

Theo Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Hà Nội cần tăng tỷ lệ diện tích xanh trên bình quân đầu người bằng việc trồng thêm nhiều cây, mở rộng diện tích cây xanh, công viên, mặt nước, nhất là ở khu vực nội đô, thay vì biến các bãi đất trồng thành tòa nhà cao tầng. Bên cạnh đó, cần xanh hóa các công trình xây dựng, như thực hiện mái xanh, sân xanh, hiên xanh che phủ những bề mặt hấp thụ nhiệt lớn như bê tông, kim loại.

Còn với các công trình xây dựng, cần tăng tỷ lệ cây xanh trên các mặt đứng của công trình, nhất là cao ốc. Ngoài ra, có thể thay các bề mặt không thấm nước bằng các bề mặt khác như như thảm cỏ, vườn cây, gạch lát rỗng, tăng cường sử dụng thiết bị điện tử thân thiện với môi trường.

Tập trung phát triển hệ thống cây xanh tầng thấp

Theo ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2020, TP sẽ tập trung phát triển hệ thống cây xanh tầng thấp, xây dựng các giải pháp lựa chọn chủng loại cây trồng trong đô thị theo chức năng môi trường, phù hợp đặc điểm của không gian vị trí, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ, mỹ quan đô thị.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, xác định tầm quan trọng của cây xanh, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều chương trình, chỉ đạo về trồng cây, nâng diện tích cây xanh trên địa bàn bằng các giải pháp đồng bộ, liên tục, được nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả.

Ông cũng cho biết, Hà Nội đã tạo lập được những tuyến đường có hệ thống cây xanh kiểu mẫu đồng bộ về quy hoạch cảnh quan kiến trúc như: Đường Võ Chí Công - Võ Nguyên Giáp; Đại lộ Thăng Long (trước Trung tâm Hội nghị quốc gia); đường Láng, Phạm Văn Đồng...

Đồng thời, Hà Nội trồng cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung trang trí cây bụi, mảng, khóm, cây dây leo, cây hoa..., tạo đa dạng chủng loại, màu sắc và hoàn thiện hệ thống cây xanh theo mô hình đa tầng tán tại nhiều tuyến phố, điển hình như: Kim Mã, Láng Hạ, Giảng Võ, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Xã Đàn, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Cổ Linh, Điện Biên Phủ...

Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong tháng 7, thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra 2-3 đợt nắng nóng. Đợt 1 sẽ bắt đầu từ khoảng thứ hai tuần sau (6-7); các đợt 2 và 3 sẽ xuất hiện vào khoảng trung tuần tháng 7.

Tháng 6 vừa qua, Hà Nội xảy ra 2 đợt nắng nóng diện rộng: Đợt 1, từ ngày 30-5 đến 13-6 và đợt 2 từ ngày 16 đến 30-6. Trong đợt 1, nhiệt độ không khí cao nhất tại trạm đo Láng 39,8 độ C, Hà Đông 39,6 độ C, Ba Vì 39,5 độ C... Còn đợt 2, nhiệt độ cao nhất tại trạm đo Láng 40,2 độ C, Hà Đông 39,4 độ C, Ba Vì 39 độ C... Những số liệu này cho thấy, nhiệt độ không khí ở khu vực nội thành cao hơn vùng ngoại thành.

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị: Cần xanh hóa các công trình xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới