Thứ sáu, 26/04/2024 06:31 (GMT+7)

Hạn hán khốc liệt đe dọa hàng ngàn ha cây trồng ở Tây Nguyên

MTĐT -  Thứ hai, 06/04/2020 10:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hạn hán kéo dài nhiều tháng qua khiến các tỉnh Tây Nguyên rơi vào tình trạng khan hiếm nước, hàng ngàn ha cây trồng có nguy cơ mất trắng.

Tại Đắk Lắk, theo báo cáo sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, trên toàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng; 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3.

Tuy nhiên, hiện mực nước ở các hồ chứa trên địa bàn đều giảm nhanh do quá trình phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, các hồ chứa nhỏ còn khoảng dưới 35% dung tích thiết kế. Trong đó, có 34 hồ đã cạn khô. Các hồ chứa vừa và lớn còn khoảng từ 40-60% trữ lượng nước theo dung tích thiết kế. Nhiều đập dâng, trạm bơm không đảm bảo năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm mạnh.

Nhiều diện tích lúa bỏ đi, người dân đành dắt bò ra cho ăn lúa. Ảnh: Infonet.

Cũng theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong vụ Đông-Xuân 2019-2020, trên toàn tỉnh có khoảng 290.000 ha cây trồng. Hiện, có khoảng 5.415 ha cây trồng bị hạn, gồm 2.344 ha lúa, 1.416 ha cây hoa màu, 1.655 ha cây lâu năm.

Nếu đến giữa tháng 4/2020 vẫn không có mưa, dự kiến toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới (gồm 4.000 ha lúa, 1.000 ha hoa màu và 25.000 ha cây lâu năm). Đặc biệt, nếu tình trạng hạn hán kéo dài, sẽ có khoảng 2.000 ha cây trồng (gồm 500 ha lúa, 300 ha cây hoa màu và 1.200 ha cây lâu năm) đối diện nguy cơ mất trắng.

Tình trạng nắng nóng kéo dài, hồ hủy lợi, ao suối cạn khô đã khiến nhiều diện tích cây trồng tại Đắk Lắk thiếu nước trầm trọng.

Theo Infonet, tại xã Bông Krang và Yang Tao (huyện Lắk), hàng trăm ha ruộng phải bỏ hoang trong vụ Đông - Xuân vì thiếu nước. Nhìn khắp cánh đồng, chỉ thấy màu rạ trải dài và những những kênh mương thủy lợi nằm trơ đáy, khô khốc. Nhiều diện tích lúa bỏ đi, người dân đành dắt bò ra cho ăn lúa.

Tình trạng hạn hán ở Gia Lai cũng diễn biến phức tạp không kém. Theo báo QĐND, mực nước ở sông, suối, hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang xuống thấp so với cùng thời điểm những năm trước. Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 344 công trình thủy lợi  (113 hồ chứa, 189 đập dâng, 42 trạm bơm) với tổng năng lực tưới theo thiết kế là 54.944ha cây trồng các loại, gồm khoảng 31.167ha lúa, 23.777ha rau màu và cây công nghiệp. Tuy nhiên, do năm vừa qua lượng mưa giảm, cùng với tình trạng nắng nóng kéo dài đã làm cho dòng chảy thiếu hụt từ 50-80% so với trung bình hằng năm. Các công trình thủy lợi đều không đạt được công suất thiết kế; thậm chí một số hồ chứa, đập dâng, trạm bơm đang ở mực nước chết, không thể phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.   

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, hiện có hơn 1.061ha lúa nước vụ đông xuân của các địa phương trong tỉnh đang ở thời kỳ đẻ nhánh làm đòng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nắng hạn. Trong đó, thiệt hại từ 70% đến mất trắng là hơn 775ha; thiệt hại từ 50-70% hơn 270ha.

Nhiều diện tích lúa ở Gia Lai bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Ảnh: TTXVN.

Dự báo về tình hình hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Bộ, Bộ NN&PTNT ảnh báo đến các địa phương ở Trung Bộ, Tây Nguyên về hạn hán, thiếu nước ở cuối mùa khô tới, không chỉ gây thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân, hàng chục nghìn ha lúa, cà phê có thể “khát nước”.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang ở mức thấp, một số nơi tương đương các năm hạn hán nặng 2015- 2016.

Do nguồn nước thiếu, nhiều diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020 ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận phải điều chỉnh, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số địa phương.

Dự báo, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trong tháng 4-5/2020 tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 15-70%, một số sông thiếu hụt trên 85%, các tháng còn lại của mùa khô lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN.

Dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vào đầu vụ Hè Thu 2020 ở khu vực Trung Bộ chỉ ở mức thấp, một số tỉnh ở mức rất thấp, như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa…

Với tình trạng nguồn nước như trên, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, ở mức hạn vừa đến hạn nặng, thậm chí hạn hán cực đoan nếu xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hạn hán khốc liệt đe dọa hàng ngàn ha cây trồng ở Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.