Thứ bảy, 20/04/2024 01:44 (GMT+7)

Hạn hán ở miền Trung ngày càng khốc liệt

MTĐT -  Thứ ba, 23/07/2019 15:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn 1 tháng qua, Trung bộ diễn ra nắng nóng khốc liệt, tới mức rừng cháy, đồng lúa khô khát, hàng loạt hồ chứa xuống mực nước chết.

Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng - thủy văn Bộ TN-MT và Tổng cục Thủy lợi Bộ NN-PTNT, hơn 1 tháng qua, Trung bộ diễn ra nắng nóng khốc liệt, tới mức rừng cháy, đồng lúa khô khát, hàng loạt hồ chứa xuống mực nước chết.

Dự báo, tổng cộng sẽ có khoảng 65.500 ha lúa và cây hàng năm khu vực này bị hạn hán, thiếu nước.

Tại cuộc họp diễn ra chiều 22/7, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, Tổ chức Khí tượng thế giới đã cảnh báo năm nay là năm nắng nóng kỷ lục nhất trong 140 năm qua.

Nắng nóng liên tục kéo dài kèm theo độ ẩm thấp, gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên lượng nước bốc hơi rất lớn, lượng mưa ít, nhu cầu nước tưới và sinh hoạt tăng. Đây là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước đang khốc liệt ở Trung bộ.

Theo TTXVN, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn các vụ Hè Thu, Mùa năm 2019, khu vực Trung bộ, Bộ NN-PTNT cho biết, khu vực Bắc Trung bộ hiện có dòng chảy sông, suối phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, như: sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An). Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 30-60% dung tích thiết kế, ở mức thấp hơn so với một số năm gần đây, đã có 55 hồ nhỏ cạn nước.

Đồng ruộng khát khô vì thiếu nước. 

Ở khu vực Nam Trung bộ, dòng chảy sông, suối phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 70%, như: Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng), sông Ba (Phú Yên)... Mực nước một số sông đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc lịch sử (sông Thu Bồn, sông Trà Khúc). Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 25-55% dung tích thiết kế, chỉ cao hơn năm 2016 khoảng 6%, hiện có 281/520 hồ nhỏ đã cạn nước.

Dung tích trữ hữu ích tại các hồ chứa thủy điện ở các lưu vực sông thường xuyên tham gia cấp nước cho hạ du ở mức không cao. Cụ thể, dung tích trữ hữu ích Sông Cả là 3,4% dung tích thiết kế, Thạch Hãn 8,2%, Hương 25%, Vu Gia - Thu Bồn 20%, Sông Ba - Bàn Thạch 30%, Cái Phan Rang 19%, Lũy - La Ngà 8%. Hiện các hồ đang tích cực tham gia tạo nguồn nước cho hạ du; tuy nhiên, ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn các hồ chứa hiện không cung cấp đủ nhu cầu dùng nước.

Ở khu vực Bắc Trung bộ, diện tích bị ảnh hưởng lúc cao nhất khoảng 21.600 ha (lúa 19.900 ha, rau màu 1.700 ha), chiếm 4,5% diện tích lúa và cây hàng năm. Tình trạng hạn hán, thiếu nước hiện tại ở mức độ nhẹ hơn so với thời gian cuối tháng 6/2019.

Khu vực Nam Trung bộ, hạn hán, thiếu nước bắt đầu ảnh hưởng từ tháng 7/2019. Tổng diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước là 16.340 ha (lúa 15.930 ha, rau màu 410 ha), chiếm 4,6% diện tích lúa và cây hàng năm.

Xâm nhập mặn đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cho khoảng 5.800 ha cây trồng ở Trung bộ. Hiện có gần 114.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước là nền nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, kết hợp với gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên lượng bốc hơi rất lớn, lên tới 5-7mm/ngày, tăng khoảng 20-30% so với trung bình nhiêu năm. Bên cạnh đó, lượng bốc hơi tăng dẫn đến nhu cầu nước tưới tăng, đồng thời cũng làm giảm lượng nước hồ chứa.

Theo Bộ NN-PTNT, trong trường hợp nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra đến cuối mùa khô (cuối tháng 7 ở khu vực Bắc Trung bộ, cuối tháng 8 ở khu vực Nam Trung bộ), tổng cộng sẽ có khoảng 65.500 ha (lúa 55.400 ha, cây hàng năm 10.100 ha) bị hạn hán, thiếu nước. Bên cạnh đó, Trung bộ cũng sẽ có 138.800 hộ khả năng thiếu nước sinh hoạt.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hạn hán ở miền Trung ngày càng khốc liệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...