Thứ sáu, 29/03/2024 12:53 (GMT+7)

Khu vực Tây Bắc có thể xảy ra động đất cấp 8-9 trong tương lai

MTĐT -  Thứ tư, 15/07/2020 09:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ trong các ngày 13/6 - 2/7, Lai Châu đã liên tiếp hứng chịu 7 trận động đất. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều trận động đất với cấp độ nhỏ cũng xảy ra ở một số tỉnh Tây Bắc và lân cận.

Lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu cho biết theo kết quả đánh giá các số liệu từng ghi nhận trong lịch sử, Tây Bắc là khu vực dễ xảy ra động đất mạnh nhất Việt Nam.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết những trận động đất liên tục xảy ra ở Lai Châu trong những ngày qua là hoạt động có tính quy luật. Theo đó, động đất khác với các loại hình thiên tai khác ở chỗ đây là hoạt động tích lũy năng lượng nhiều năm, thậm chí là hàng trăm năm chứ không có tính chu kỳ.

Theo ông Xuân Anh, mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt 6,7 - 6,8 độ richter đã được ghi nhận trong lịch sử.

Tây Bắc là khu vực dễ xảy ra động đất mạnh nhất Việt Nam.

Trên cơ sở các kết quả phân tích không gian và thời gian về hoạt động động đất khu vực miền Bắc, ông Xuân Anh khẳng định Tây Bắc là nơi có tính động đất cao. Số liệu về những trận động đất được ghi nhận trong quá khứ cũng cho thấy hoạt động động đất mạnh ở khu vực này.

"Chúng tôi đánh giá khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Tuần Giáo, Lai Châu, Sơn La,… có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai", Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết.

Với độ lớn này, người dân hoàn toàn cảm nhận được sự rung lắc mạnh mẽ và cảm thấy sợ hãi. Những trận động đất mạnh cấp 9 có thể phá hủy toàn bộ nhà cửa của người dân.

"Nếu xảy ra động đất cấp 8, cấp 9 thì các công trình xây dựng ở các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc mặc dù kháng chấn thì vẫn có thể bị thiệt hại và mức độ ảnh hưởng tương đối nặng.

Theo thang đánh giá MKS-64, động đất cấp 9 sẽ gây hư hại hoàn toàn nhà cửa, nền đất có thể bị nứt rộng 10cm, còn cấp 8 sẽ phá hoại nhà cửa,..." - ông Xuân Anh nói.

Hiện trường sau động đất tại điểm Trường mầm non bản Giẳng, xã Mường Tè. (Ảnh: Báo Lai Châu). 

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, ông Xuân Anh đề nghị các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc phải thực hiện đúng các quy chế chính phủ ban hành và quy chế để phòng chống động đất.

"Dựa trên đánh giá mức độ nguy hiểm động đất của từng khu vực, sau khi tính toán rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là đối với công trình mới xây, thì phải đảm bảo những tiêu chuẩn kháng chấn và đảm bảo những yếu tố phục vụ cho việc giảm thiểu các thiệt hại do động đất gây ra.

Ví dụ như vừa rồi động đất ở Lai Châu. Trên cơ sở các đánh giá, qua đó Viện Vật lý địa cầu phối hợp với tỉnh để đề xuất những giải pháp phù hợp theo quy chế động đất mà Chính phủ ban hành.

Chúng ta cần phải chủ động phòng chống, vì trong quá khứ đã từng xảy ra trường hợp tương tự rồi. Đặc biệt, khu vực Đông Bắc, Tây Bắc phải thực hiện đúng các quy chế chính phủ ban hành và quy chế để phòng chống động đất" - ông Xuân Anh nói.

Trước đó, từ ngày15/6 đến ngày 3/7, trên địa bàn huyện Mường Tè (Lai Châu) liên tục xảy ra 7 trận động đất.

Trong đó, trận động đất mạnh nhất xảy ra vào 13h12 phút 26 giây ngày 16/6/2020 với độ lớn 4,9 độ richter khiến trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã phát cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 tại khu vực lân cận. Nhiều nhà dân và công trình xây dựng bị hư hỏng, 2 trẻ em mầm non bị thương nhẹ do rơi tấm trần thạch cao.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Khu vực Tây Bắc có thể xảy ra động đất cấp 8-9 trong tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới