Thứ ba, 16/04/2024 13:19 (GMT+7)

Kiến trúc thích ứng (KTTU) với môi trường tự nhiên và xã hội.

MTĐT -  Thứ năm, 13/05/2021 15:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kiến trúc công trình du lịch ven biển thích ứng với sự biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội.

Mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên – xã hội vùng ven biển với kiến trúc công trình du lịch nghỉ dưỡng nơi đây là mối quan hệ biện chứng, qua lại bổ sung và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Chỉ có sự kết hợp tốt giữa chúng mới tạo ra được những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đích thực, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nghiên cứu, khai thác các đặc trưng này trong kiến trúc công trình KSND còn nhằm góp phần tạo lập và nâng cao hơn chất lượng quy hoạch, kiến trúc công trình du lịch nghỉ dưỡng trong bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh là định hướng đến phát triển du lịch tầm cỡ và “nghĩ về tương lai” vừa thích ứng trạng thái mới của cuộc sống mà vẫn duy trì kết nối con người – tự nhiên xã hội – du lịch với nhau..

Intercontinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort.


Sự thích nghi đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sinh ra và phát triển của mọi loài trên trái đất, nó quyết định đến khả năng duy trì và tiến hóa của loài sinh vật. Phản ứng thích nghi xảy ra khi môi trường sống xung quanh hoặc chính bản thân của loài sinh vật đó bắt đầu có sự thay đổi, khi đó mỗi loài khác nhau sẽ tự trang bị các chức năng thích nghi nhằm thích ứng với môi trường chung quanh. Công trình kiến trúc cũng vậy, khi và chỉ khi kiến trúc đó tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạn chế được những bất lợi của khí hậu địa phương vừa đảm bảo mỹ quan vừa tạo ra một môi truờng khí hậu tiện nghi, thuận lợi nhất cho các hoạt động và sức khỏe của con nguời bên trong công trình, trong khu vực hay đô thị mới đáp ứng phát triển bền vững.

Xu hướng bền vững trong kiến trúc là xu hướng tiến bộ của thời đại. Một trong những đặc điểm của kiến trúc bền vững tổng thể là tính phù hợp và thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội nơi xây dựng. Môi trường tự nhiên hiện nay chịu ảnh hưởng của suy thoái môi trường dẫn đến hiện tượng nước biển dâng và thời tiết cực đoan, xã hội cũng có những sự thay đổi do sự thay đổi và phát triển của công nghệ và tiêu dùng. Kiến trúc không thích ứng với cả môi trường tự nhiên và xã hội thì sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu và bị đào thải. Trước những thách thức đó, Kiến trúc thích ứng (Adaptable/Adaptive Architecture) là một phần quan trọng trong phát triển kiến trúc bền vững, đề cập tới những giải pháp tổng thể, những nghiên cứu dẫn đường, góp phần xây dựng và phát triển kiến trúc bền vững tại Việt nam đúng hướng và phù hợp với tình hình hiện nay và trong tương lai.

Trong các loại hình kiến trúc thì khách sạn nghỉ dưỡng, đặc biệt là khách sạn nghỉ dưỡng ven biển chịu ảnh hưởng nhiều nhất của sự thay đổi môi trường tự nhiên (địa hình, khí hậu, cảnh quan) và xã hội, do là loại hình gắn bó nhiều nhất với môi trường tự nhiên, đến mức độ các yếu tố tự nhiên và xã hội là một thành phần của nội dung kiến trúc, mang lại giá trị cho kiến trúc như là nguồn cảm hứng cho việc thiết kế hình thái kiến trúc, nội thất, không gian cảnh quan, góp phần tạo nên tính hấp dẫn và mang lại nét cá tính cho các công trình. Tuy nhiên giải quyết các mối quan hệ này phải rất thận trọng và hài hoà, nói như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính ‘’ Bản sắc kiến trúc chỉ có thể được tạo lập, khi chúng ta làm chủ được những tinh hoa văn hoá đích thực của dân tộc, khi chúng ta nắm vững và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của xã hội và con người đương đại’’

Đảo Phú Quý – Bình Thuận.


Kiến trúc thích ứng (KTTU) với môi trường tự nhiên và xã hội:


Manh nha từ những năm đầu thế kỷ 20, khi các đô thị lớn trên thế giới lúc này đang đối mặt với các vấn đề liên quan giữa công trình – tự nhiên và xã hội – con người vì suốt một thời gian dài kiến trúc hiện đại thống lĩnh đã quá chú trọng trong việc tạo ra các môi trường giả tạo, chạy theo chủ nghĩa có hình thức nhưng tiêu xài phung phí năng lượng và tài nguyên thiên nhiên làm người ta chán ngấy với những vẻ trong ngoài hiện đại nhưng vô cảm, nổi bật hơn hết là việc thiếu ứng xử với sinh thái tự nhiên ( thiên nhiên, khí hậu, môi trường) và sinh thái nhân văn (con người, văn hoá, xã hội).

Kiến trúc thích ứng đầu tiên đến từ nhiều quan điểm sơ khai từ những năm đầu thế kỷ 20, như John Russkin kêu gọi xây dựng một mô hình phát triển dựa trên sự hài hoà với các quy luật tìm thấy trong tự nhiên; William Morris quay về những giá trị tìm thấy ở thủ công địa phương trong việc thuần hoá năng lượng; Lethaby kêu gọi các KTS tôn trọng vẻ đẹp của các quy luật tự nhiên; Ebeneezer Howard nỗ lực dung hoà sự phát triển giữa đô thị và nông thôn… Đặc biệt, những tư tưởng kiến trúc thích ứng với sinh thái tự nhiên và nhân văn dung dị đầu tiên ẩn chứa qua các tác phẩm kinh điển của các KTS lỗi lạc như “Năm nguyên tắc trong thiết kế nhà ở” Le Corbusier, “Không gian gắn liền với thiên nhiên” Frank Lloyd Wright, “Thiết kế tự bền vững” Buckminster Fuller… đến mức độ có thể khẳng định rằng những tư tưởng này chính là tiền thân của KTTU hiện đại.

Cũng giai đoạn này ở các nước Âu, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu mối quan hệ giữa kiến trúc và khí hậu, kiến trúc với bản địa… Đến những năm 30 trở lại, từ sự lý giải sâu sắc về sinh học, người ta đã nhận thức được rằng: Chỉ có con người với tính thích ứng cao mới có thể tồn tại trong các vùng khí hậu khác nhau trên trái đất và cho rằng kiến trúc phải tuân thủ quá trình Khí hậu → Sinh vật → Kỹ thuật → Kiến trúc. Lúc này hàng loạt các kiến trúc thích ứng tiên phong ra đời, phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng quan trọng đến thiết kế kiến trúc sau này như: Thiết kế kiến trúc thích ứng với khí hậu ở Đức năm 70, KTS Charles Correa, Ấn Độ đã nghiên cứu kết hợp tính bản địa với thực tiễn vào thiết kế của mình và đề xuất phương pháp luận thiết kế “Forms follow climate”… Trào lưu xây dựng công trình KTTU với sinh thái tự nhiên và nhân văn tại châu Á có vẻ chậm bước so với Mỹ và châu Âu nhưng dần trên đà phát triển mạnh mẽ.

Dựa trên sợi chỉ đỏ xuyên suốt kể trên, thuật ngữ “Kiến trúc thích ứng” dần được hình thành, đó là lời giải đáp cho những gì mà mọi người hay ám chỉ tới khi họ muốn nói về sự linh hoạt, sự tương tác và sự đáp ứng của các công trình kiến trúc đối với sự thay đổi của môi trường và xã hội.

Lúc này một công trình thiết kế KTTU phải đạt được những nội dung: Lựa chọn địa điểm xây dựng, đặt ra trong điều kiện sinh thái; tận dụng điều kiện khí hậu, môi trường, vật liệu địa phương, năng lượng sạch; đảm bảo suất đầu tư; sử dụng vật liệu kỹ thuật mới, sáng tạo, hình thức kiến trúc đa dạng, mật độ xây dựng gắn với cảnh quan thiên nhiên, lựa chọn những giải pháp kỹ thuật phù hợp với thực tế; không chỉ nghiên cứu bản thân công trình kiến trúc, mà còn cả môi trường, kết hợp một cách hữu cơ các yếu tố: Thảm thực vật, sông, núi và kiến trúc với nhau, làm cho kiến trúc trở thành một bộ phận của môi trường rộng lớn. Các công trình KTTU có thể sử dụng các nguyên, vật liệu, cũng như các phương pháp xây dựng tiêu tốn ít năng lượng, tận dụng những nguyên, vật liệu khai thác ở bản địa, kết hợp ánh sáng thông gió tự nhiên…

Kiến trúc công trình DLND:


Được cho là hình thành từ những năm 200 trước công nguyên, kiến trúc công trình nghỉ dưỡng đầu tiên được xác định ở thời La Mã Cổ Đại tên gọi Theame La Mã (Nhà tắm La Mã). Sự hình thành loại hình này chịu ảnh hưởng lớn của địa hình tự nhiên và xã hội thể hiện rõ qua việc lựa chọn vị trí xây dựng, hình thức, không gian, họa tiết công trình. Trải qua hàng nghìn năm, kiến trúc công trình du lịch nghỉ dưỡng đã phát triển và thay đổi nhiều so với mô hình ban đầu. Các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng ngày nay khá đa dạng theo xu hướng phát triển của xã hội gồm: “Dưỡng” như dựa vào thiên nhiên để chữa lành, nghỉ ngơi chăm sóc sức khoẻ bên cạnh là tham quan, du lịch mạo hiểm, thể thao, thắm cảnh; dựa vào văn hóa bao gồm tham quan giao lưu văn hóa, nghiên cứu, lễ hội; dựa vào quy mô và phát triển hạ tầng như hội nghị, hội thảo, mua sắm, triển lãm thương mại, tổ chức sự kiện vui chơi giải trí; ngoài ra còn có một số xu hướng du lịch kết hợp thực hành nông trại, du lịch biển kết hợp công viên chủ đề…

Kiến trúc công trình du lịch ven biển thích ứng với sự biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội:


Đã đến lúc chúng ta phải nhận thấy rằng loại hình KSND không chỉ đơn thuần là chạy theo mục đích kinh doanh đáp ứng với nhu cầu nghỉ ngơi hưởng thụ đơn thuần mà phải hướng đến mục tiêu phát triển “KSND bền vững” và “nghĩ về tương lai” để thích ứng với sự thay đổi của tự nhiên và xã hội, nhất là bài học kinh nghiệm về sự cố dịch bệnh Covid-19 gây ra sự khó khăn trong phục hồi và đáp ứng chức năng phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng thay đổi theo yêu cầu xã hội từ ngoại địa sang nội địa để trụ vững và sẵn sàng trở lại cho thời kỳ bình thường mới. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định: Về mặt kỹ thuật, công nghệ, vật liệu xây dựng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng hoàn toàn có thể đáp ứng việc thiết kế và xây dựng hàng loạt KSND chạy theo bền vững về mặt vật lý thông thường, cái khó khăn nhất xuất phát từ khía cạnh làm cho công trình KSND trở nên có cảm tình khi thích ứng với môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội hơn là kỹ thuật.

Theo kinh nghiệm trên thế giới, dự án KSND thiết kế theo tiêu chí “bền vững” thường có chi phí đầu tư ban đầu có thể cao hơn thiết kế thông thường, nhưng nếu được quản lý tốt thì chi phí vận hành, sử dụng năng lượng về sau sẽ luôn thấp hơn các dự án thông thường, điều đó đồng nghĩa giá thành ban đầu của sản phẩm sẽ cao hơn. Trong khi ở Việt Nam, việc kêu gọi các nhà đầu tư dự án KSND theo xu hướng bền vững vẫn là bài toán lớn, vì để đầu tư loại hình KSND chi phí ban đầu bao giờ cũng rất lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên việc làm sao đảm bảo suất đầu tư không tăng, diện tích bán phòng tăng, thời gian thiết kế thi công được yêu cầu nhanh chóng nên việc nghiêm túc nghĩ về tính bền vững bằng cách tăng suất đầu tư hay kéo dài thời gian nghiên cứu tiền khả thi được xem là khó.

Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy, có rất nhiều tiêu chí thiết kế bền vững hoàn toàn có thể đạt được mà không làm tăng chi phí đầu tư ban đầu. Ví dụ: Giải pháp thiết kế dựa trên nền tảng kiến trúc truyền thống: Tận dụng và chế ngự điều kiện tự nhiên, giúp con người và công trình thích ứng với điều kiện vi khí hậu trong và ngoài nhà mà không phải tốn thêm chi phí cho các thiết bị cải thiện môi trường sống. Hay cần thiết tìm hiểu tổng quan về bao cảnh, vùng văn hoá địa phương nói riêng và giao thoa văn hóa nói chung để khai thác vào các hình thái kiến trúc. Bên cạnh đó, lựa chọn các loại vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương, trọng lượng nhẹ, linh hoạt, giá thành thấp, thân thiện với môi trường cũng là giải giáp quan trọng liên quan đến hiệu quả kinh tế cho KSND.

Kết luận:


Đặc điểm của du lịch ngày nay khách du lịch ngày càng có xu hướng tìm hiểu, trải nghiệm môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa, cao hơn mô hình du lịch theo xu hướng hưởng thụ của ngày xưa và các xu hướng khác. Mặt khác đặc tính cơ bản của du lịch nghỉ dưỡng nói chung và KSND nói riêng là phải tạo sự mới lạ, độc đáo và có tính duy nhất, để tạo ra các khác biệt đó thì các yếu tố tự nhiên và xã hội góp phần quan trọng tạo sự khác biệt vùng miền, khu vực, thế giới. Nghiên cứu du lịch nghỉ dưỡng với tính thích ứng cao với môi trường tự nhiên và xã hội là cấp thiết, vừa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức hút sau cú sốc dịch bệnh Covid-19 đánh thẳng vào lĩnh vực này bên cạnh định hướng đến phát triển du lịch tầm cỡ và “nghĩ về tương lai”. Đặc biệt các khu vực được mệnh danh đất vàng du lịch ven biển nơi có hàng trăm kilomet bãi biển tuyệt đẹp, văn hóa bản địa sâu đậm, cảnh quan phong phú tự nhiên khéo dệt giữa núi non hung vĩ và mênh mông biển cả cùng điều kiện thời tiết khá lý tưởng và ổn định.

Danh mục tài liệu tham khảo

Tài liệu tiếng Việt

1. Phạm Đức Nguyên (2015), Phát triển Kiến trúc bền vững, Kiến trúc xanh ở Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội.
2. Lê Huy Bá và cộng sự (2016), Biến đổi khí hậu, thích ứng để chung sống, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

Tài liệu tiếng Anh

3. Manuel Kretzer and Ludger Hovestadt (2014), Alive: Advancements in Adaptive Architecture, Birkhauser Verlag GmbH, Basel, Switzerland.
4. Robert Schmidt III and Simon Austin (2016), Adaptable Architecture: Theory and practice, Routledge, New York, USA.
5. Frank Lloyd Wright, Frederick Gutheim (1914), Cause of Architecture: Essays by Frank Lloyd Wrigh

KTS Nguyễn Thị Quỳnh Như (Ladesignstudio)

Theo Tạp chí Kiến trúc

Bạn đang đọc bài viết Kiến trúc thích ứng (KTTU) với môi trường tự nhiên và xã hội.. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!