Thứ sáu, 29/03/2024 04:33 (GMT+7)

Kinh tế Australia thiệt hại nặng nề vì cháy rừng

MTĐT -  Thứ năm, 09/01/2020 15:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thiệt hại kinh tế của Australia do thảm họa cháy rừng ước tính đã vượt quá con số kỷ lục 4,4 tỷ USD mà vụ hỏa hoạn “Thứ bảy đen tối” từng gây ra hồi năm 2009, theo dữ liệu Analytics của Moody.

Chuyên gia kinh tế của Moody, bà Katrina Ell cho biết các vụ hỏa hoạn còn khiến người dân Australia kiệt quệ, niềm tin của người tiêu dùng nước này tổn hại nghiêm trọng. Điều này khiến lãi suất có nhiều khả năng sẽ bị cắt giảm trong tháng tới.

Thêm vào đó, không thể không nhắc đến không khí ô nhiễm sẽ khiến ngành công nghiệp du lịch và nông nghiệp nước này bị ảnh hưởng đáng kể.

Bà Katrina Ell quan ngại, thảm họa cháy rừng ở Australia có nguy cơ lan rộng hơn nữa do mùa cháy rừng vẫn còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới. Do đó các hệ lụy đến nền kinh tế nước này vẫn chưa dừng lại.

Theo ước tính, các đám cháy liên tiếp vừa qua đã thiêu rụi ít nhất 8,4 triệu ha rừng, lớn hơn nhiều so với 450.000 ha rừng bị tàn phá bởi trận hỏa hoạn Thứ Bảy Đen tối.

Trước đó, vụ cháy rừng nghiêm trọng hồi năm 2009 đã tàn phá các khu vực nông thôn trù phú phía bắc Melbourne của Australia, giết chết 173 người và gần như phá hủy hoàn toàn thị trấn Marysville xinh đẹp.

Hiện 25 người thiệt mạng được báo cáo, cùng nhiều thị trấn trên bờ biển phía nam của bang New South Wales và Mallacoota ở phía đông nam Victoria trong đợt cháy rừng bất thường lần này.

Để so sánh, chuyên gia cho biết các vụ cháy rừng trước đó thường ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế địa phương trong địa phận thảm họa. Tuy nhiên, “các vụ cháy lần này với khả năng lan rộng và có nguy cơ ảnh hưởng lan tỏa tới cả nền kinh tế vĩ mô”, bà Katrina Ell lo ngại.

Cháy rừng không phải là chuyện lạ ở Australia. Hằng năm, cứ đến mùa hè với thời tiết hanh khô và nhiệt độ cao, các đám cháy rừng vẫn thường xuyên xuất hiện, đến mức người dân ở đây còn gọi mùa hè là “mùa cháy rừng”. Thường thì các đám cháy rừng này luôn dừng lại ở mức có thể kiểm soát được.

Thế nhưng, câu chuyện năm nay thì hoàn toàn khác. Từ tháng 9/2019, hàng chục các vụ cháy rừng đã bắt đầu bùng phát ở bang New South Wales (NSW) và phát triển tệ đến mức, chính phủ Australia phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 11 vừa qua. Các vụ cháy nhanh chóng lan rộng trên toàn bộ lãnh thổ Australia, khiến việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Hôm nay (9/1), hơn 120 đám cháy tiếp tục bùng phát trên khắp bang New South Wales, trong đó gần 60 đám cháy chưa thể kiểm soát. Cũng trong ngày hôm nay, chính quyền New South Wales tuyên bố sẽ chi bổ sung 1 tỉ AUD trong 2 năm tới để hỗ trợ các cộng đồng và người dân địa phương xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hỏa hoạn tàn phá.

Trong một báo cáo được công bố ngày hôm nay (9/1), Cơ quan khí tượng Australia cho biết, năm 2019 vừa qua là năm nóng nhất và khô nhất trong lịch sử Australia. Nhiệt độ trung bình tại Australia trong năm vừa qua cao hơn mức trung bình hàng năm 1,52 độ C. Tổng lượng mưa trung bình của Australia trong năm 2019 là 277mm, thấp hơn mức kỷ lục 314mm được ghi nhận trong đợt hạn hán năm 1902.

Cháy rừng cũng khiến các thành phố lớn của Australia chìm trong khói mù độc hại. Ngày 8/1, các cơ quan y tế nhà nước và Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) đã phát đi cảnh báo về chất lượng không khí đang ở ngưỡng nguy hiểm tại các thành phố Sydney (bang New South Wales), Melbourne (bang Victoria) và thủ đô Canberra. Hiện hàng trăm đám cháy vẫn âm ỉ bất chấp thời tiết tại các bang này đã trở nên mát mẻ hơn và xuất hiện một số cơn mưa nhỏ, rải rác.

Chủ tịch AMA, bác sỹ Tony Bartone cho biết khói từ các đám cháy rừng, mang theo hàm lượng bụi mịn và các loại khí độc, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và làm tăng nguy cơ tử vong đối với những người thuộc nhóm dễ bị dị ứng hay mắc bệnh hen suyễn, tim mạch và sức khỏe yếu. Việc khói mù dày đặc hơn và thời gian phải sống trong bầu không khí độc hại kéo dài sẽ khiến nhiều người khỏe mạnh đối mặt với những căn bệnh nghiêm trọng sau này.

Mặc dù không ghi nhận có các đám cháy trong khu vực, nhưng chất lượng không khí do các cơ quan thống kê môi trường và khí tượng thủy văn đo được trong nhiều ngày liên tiếp qua tại thủ đô Canberra vẫn ở mức tồi tệ nhất trên thế giới.

Theo đánh giá của Air Vision, chiều 8/1, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Canberra ở ngưỡng 170, gần đạt ngưỡng tím - mức nguy hại tới sức khỏe, đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới. Ngưỡng này được nhận định là cao gấp 14 lần so với mức được coi là lành mạnh đối với sức khỏe con người.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Australia thiệt hại nặng nề vì cháy rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.