Thứ sáu, 29/03/2024 18:06 (GMT+7)

Kỳ 2: Khả năng bị tổn thương của sinh kế thủy sản

Nguyệt Minh -  Thứ tư, 06/12/2017 09:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, là những sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển...

Các sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, là những sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, nên là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu do sự thay đổi của môi trường sống và các hệ sinh thái quan trọng vùng ven biển như rừng ngập mặn và san hô.

Mặc dù chưa có những đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với hoạt động đánh bắt và nuôi trồng ở Việt Nam nói chung và vùng ven biển nói riêng, nhưng có thể thấy một số ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sinh kế thủy sản trên 2 khía cạnh sau:

Thứ nhất, đối với hoạt động đánh bắt, mực nước biển dâng dọc bờ biển làm cho chế độ thủy lý, thủy hóa và thủy sinh xấu đi, dẫn đến sự thay đổi của quần xã sinh vật về cấu trúc và thành phần. Nhiệt độ tăng làm cho nguồn lợi thủy hải sản bị phân tán, cụ thể là các loài cá nhiệt đới kém giá trị kinh tế tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn và cá ở các rạn san hô đa phần bị tiêu diệt.

Nhìn chung, biến đổi khí hậu có xu hướng làm thay đổi môi trường sống của các loài thuỷ sản, dẫn đến sự thay đổi trữ lượng các loài thuỷ hải sản do di cư hoặc do chất lượng môi trường sống bị suy giảm; từ đó làm thu hẹp ngư trường đánh bắt và sản lượng đánh bắt. Ở các xã ven biển ở Việt Nam, đa số các hộ ngư dân có nghề cá qui mô nhỏ ven bờ với các loại ngư lưới cụ khai thác truyền thống, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Thứ hai, đối với hoạt động nuôi trồng, sự thay đổi môi trường sống của các loài thủy sản, bị mặn hóa do xâm nhập mặn hoặc ngọt hóa do lũ lụt, đều làm chậm quá trình sinh trưởng của các loài thủy sản.

Ngoài ra, nhiệt độ nước biển tăng cũng làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven biển, đặc biệt là các rạn san hô và rừng ngập mặn, ảnh hưởng xấu đến nền tảng đa dạng sinh học cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển. Triều cường thay đổi đột ngột và gây lụt lội ở những vùng đất trũng ven biển cũng ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản ở những đầm nuôi thấp hơn mực nước biển.

Có thể thấy rằng, biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề đến đại bộ phận dân nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là những người phải sống trong những môi trường khắc nghiệt và mạng lưới an sinh xã hội không hiệu quả khiến họ rất dễ bị tổn thương trước những rủi ro của khí hậu và thiên tai thường xuyên xảy ra.

Trong khi biến đổi khí hậu có những rủi ro tiềm ẩn đối với người nghèo và những người dễ bị tổn thương trên cả nước thì những người nghèo ở khu vực ven biển là một trong những nhóm đối tượng nhạy cảm nhất với sự biến đổi bất thường của khí hậu vì sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản là những ngành đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Do đó, tình trạng khó khăn vốn đã tồn tại trong các cộng đồng ven biển có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong một thời gian dài. Tác động của biến đổi khí hậu lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến tính khả thi của các sinh kế trừ khi các biện pháp thích ứng hiệu quả được thực hiện để bảo vệ và cải thiện các sinh kế hiện tại. Những biện pháp thích ứng về sinh kế có thể giúp giảm thiệt hại cho cộng đồng địa phương, đồng thời góp phần tăng cường năng lực thích ứng trong dài hạn để làm giảm những tổn thương về sinh kế trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 2: Khả năng bị tổn thương của sinh kế thủy sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới