Thứ năm, 25/04/2024 12:07 (GMT+7)

Kỳ 5: Các biện pháp tăng cường năng lực thích ứng về sinh kế...

Nguyệt Minh -  Thứ tư, 06/12/2017 10:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thích ứng với sự biến đổi ngày càng bất thường của khí hậu là một quá trình liên tục và lâu dài, đòi hỏi nỗ lực và sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Thích ứng với sự biến đổi ngày càng bất thường của khí hậu là một quá trình liên tục và lâu dài, đòi hỏi nỗ lực và sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần tăng cường năng lực thích ứng ở cấp quốc gia, địa phương và cộng đồng nhằm thích ứng thành công với biến đổi khí hậu. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc xây dựng năng lực thích ứng cấp quốc gia/ địa phương và tăng cường thực hiện các biện pháp thích ứng theo ngành.

Xây dựng năng lực thích ứng cấp quốc gia/địa phương

Tăng cường lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào công tác lập kế hoạch phát triển cấp quốc gia/ngành/địa phương.

Ở cấp chính sách, tăng cường lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở cấp quốc gia, ngành và địa phương đóng vai trò cốt lõi trong công tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, lập kế hoạch thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu ở địa phương cần phải tiếp cận theo hướng tổng thể, trong đó chương trình phát triển sinh kế bền vững phải được kết hợp với chương trình quản lý rủi ro thiên tai tại địa phương.

Lập kế hoạch dựa vào cộng đồng là khởi điểm cho việc mở rộng các hoạt động thích ứng ở cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Một trong những biện pháp tốt nhất nhằm giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu là dựa vào kinh nghiệm và kiến thức ở cấp cộng đồng và sử dụng các kinh nghiệm và kiến thức đó như những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc thực hiện các biện pháp thích ứng và giảm thiểu rủi ro khí hậu sẽ quyết định sự thành công của các chương trình thích ứng dựa vào cộng đồng.

Nhu cầu và mối quan tâm của người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, cần được coi là yếu tố trọng tâm của công tác thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, ít có cơ hội tiếp cận các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Hơn nữa, họ là lực lượng lao động chính trong nông nghiệp và các hoạt động không chính thức vốn rất dễ bị tổn thương trước những rủi ro thiên tai và khí hậu.

Do đó, họ chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước sự thay đổi bất thường của khí hậu. Hoạch định các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt ở cấp địa phương, cần ưu tiên đến nhóm dễ bị tổn thương này nhằm làm giảm sự tổn thương cả về thể chất và vật chất của các nhóm này.

Cộng đồng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những nỗ lực thích ứng của chính phủ Việt Nam.

Các nghiên cứu quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho rằng, để có thể thực hiện hiệu quả công tác thích ứng ở những nơi có rủi ro cao, cần phải có những khoản đầu tư lớn hơn rất nhiều so với khả năng tài chính của chính quyền cấp quốc gia và địa phương. Ví dụ, xây dựng các hệ thống đê mới hay củng cố các hệ thống đê hiện có nhằm đối phó với nước biển dâng đòi hỏi những khoản đầu tư lớn và thường nằm ngoài khả năng ngân sách của Việt Nam.

Vì vậy, cộng đồng quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu được lập kế hoạch ở cấp quốc gia cũng như thực hiện các sáng kiến thích ứng cụ thể ở cấp cộng đồng.

Xây dựng sinh kế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông nghiêp: qui hoạch vùng thửa, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nội đồng và hệ thống đê điều để giảm tình trạng xâm nhập mặn vào ruộng; qui hoạch các vùng đất nhiễm mặn để chuyển đổi mục đích sử dụng đất; qui hoạch cây trồng vật nuôi có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tăng cường trợ giúp kỹ thuật của hệ thống khuyến nông ở nông thôn. Tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật như: giống lúa mới có khả năng chịu mặn và chịu hạn tốt, tạo nguồn giống thích ứng với địa phương, thành lập các ngân hàng giống cũng như tăng cường các kỹ năng thâm canh trong nông nghiệp để tăng năng suất trên những vùng đất không bị nhiễm mặn.

Xây dựng sinh kế thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu: Xây dựng hệ thống thông tin về nghề cá; Tăng cường quản lý tài nguyên biển dựa vào cộng đồng; Cải tiến công tác quản lý nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các quy định về môi trường; Giới thiệu các giống loài thủy sản có khả năng thích nghi với môi trường bị thay đổi.

Hỗ trợ chung để xây dựng các sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu: Xây dựng bản đồ ngập lụt và vùng chịu nhiều thiên tai ở cấp địa phương; Đảm bảo tiếp cận các chương trình tín dụng, các dịch vụ bảo hiểm và tài chính khác cho người dân; Tăng cường các khoản hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt khi có thiên tai; Tập huấn kỹ năng để giúp người dân chuyển đổi nghề nghiệp; Giáo dục, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh kế.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 5: Các biện pháp tăng cường năng lực thích ứng về sinh kế.... Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới