Thứ sáu, 19/04/2024 09:01 (GMT+7)

Kỳ vọng những đột phá từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu 22/4/2021

MTĐT -  Thứ hai, 26/04/2021 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu năm 2021 được ví như động lực quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Biến đổi khí hậu và các tác động của chúng đối với môi trường:

Hiện trượng nóng lên toàn cầu trong hệ thống khí hậu Trái đất hiện nay với mức tăng nhiệt độ 0,74oC trong 100 năm (1906 -2005) là chưa từng có.

- Xu thế tăng nhiệt độ trong 50 năm gần đây là 0,13oC/thập kỷ, gấp 2 lần xu thế tăng của 100 năm qua. Từ giữa thập kỷ 70 đến năm 2005, mức tăng nhiệt độ nhanh nhất với xu thế 0,17oC/thập kỷ.

- Nhiệt độ trung bình ở Bắc cực tăng nhanh gấp 2 lần mức tăng trung bình toàn cầu, còn ở Nam cực sự biến đổi thập kỷ cao và xuất hiện một thời kỳ nóng từ năm 1925 đến 1945.

- Nhiệt độ tầng trên của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc cực đã tăng 3oC kể từ năm 1980. Đã quan trắc được nhiệt độ tăng ở một số lớp băng biển ở Nam cực (PCC.2010).

- 11 trong số 12 năm gần đây (1995 - 2006) nằm trong số 12 năm nóng nhất trong chuỗi quan trắc bằng máy kể từ năm 1850.

- 6 tháng đầu năm 2010 là một chuỗi tháng có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất chưa từng có (trong đó tháng 6 vừa qua là tháng nóng kỷ lục nhất kể từ năm 1880). Năm 2010 đã vượt qua năm 1998 về số tháng có nhiệt độ cao nhất theo lịch năm (NOAA, 2010).

- Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng tỷ lệ trung bình 1,8mm/năm trong thời kỳ 1961 - 2003 và tăng nhanh hơn với tỷ lệ 3,1mm/năm trong thời kỳ 1993 - 2003. Tổng cộng mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng lên 0,17m trong 100 năm gần đây.

- Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng ở nhiều nơi, trong đó đáng chú ý là:

+ Các nhiệt độ cực trị tăng lên ở nhiều vùng rộng lớn.

+ Lượng mưa dao động mạnh mẽ theo thời gian và không gian ở nhiều khu vực trên thế giới, các sự kiện mưa lớn tăng lên ở phần lớn diện tích lục địa.

+ Từ năm 1970, những đợt hạn hán nặng, kéo dài xảy ra trên nhiều vùng rộng lớn đặc biệt ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

- Xu thế tăng phát thải của các khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, HCFCs, PFCs, SF6) được đánh gía bằng tiềm năng nóng lên toàn cầu trong thời gian 1970 - 2004 là 70%, trong đó từ năm 1990 - 2004 là 24% (từ 24,7 lên 49 tỷ tấn CO2 tương đương).

- Trong 35 năm (1970 - 2004) phát thải khí CO2 tăng 80% và chiếm 77% tổng lượng khí nhà kính nhân tạo của năm 2004. Mức tăng lớn nhất trong phát thải khí nhà kính trong thời gian nói trên là từ lĩnh vực năng lượng (145o/zo), tiếp đến là trực tiếp từ lĩnh vực giao thông (120%), công nghiệp (65%), sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và rừng (40%). Trong thời kỳ 1970 - 2000, phát thải khí nhà kính trực tiếp từ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tăng 27% từ xây dựng tăng 26% (nếu tính cả phát thải gián tiếp do sử dụng điện năng trong xây dựng, mức tăng là 75%).

Các nhà khoa học cho biết, trong vòng 100 năm trở lại đậy, Trái đất đã nóng lên khoảng 0,6oC. Năm 2006 là năm nóng nhất. Nhiệt độ trung bình ở Anh cao hơn so với bất cứ thời điểm nào kể từ năm 1659. Các dấu hiệu biến đổi khí hậu (BĐKH) xuất hiện trên thế giới hiện là:

- Mùa đông ít tuyết ở khu vực trượt tuyết thuộc dãy Alpơ.

- Hạn hán triền miên ở châu Phi.

- Các sông băng trên núi tan chảy nhanh nhất trong vòng 5.000 năm qua.

Điều đáng ngại của các nhà khoa học là đến năm 2006, ở khắp mọi nơi trên thế giới đều thấy những tác động phản hồi do nhiệt độ tăng gây hậu quả xấu.

Năm 2007, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) và các nhà khoa học lo ngại rằng, những tác động phản hồi sẽ bắt đầu đẩy khí hậu quá ngưỡng giới hạn an toàn mà không dễ gì khắc phục. Có 2 loại tác động phản hồi giữ vai trò điều tiết khí hậu Trái đất trong tương lai.

Theo các kết quả nghiên cứu, BĐKH có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng các dịch bệnh ở đại dương làm suy giảm sự lành mạnh của các hệ sinh thái biển, phá hủy tài nguyên (gần một nửa rặng san hô trên thế giới bị thiệt hại nặng). Ngoài ra, còn có những lo ngại khác đối với cỏ biển, rừng ngập mặn, núi ngầm dưới biển, rặng san hô đá và thềm lục địa. Các thủy vực ấm lên bất thường có thể còn gây ra các hiện tượng “tẩy trắng” san hô - nơi các vi tảo sống trong các mô của san hô và cung cấp lượng lớn chất dinh dưỡng. Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, có thể tiêu diệt toàn bộ cả cụm san hô. John Bruno (2007) nhấn mạnh, ít nhất một nửa số rặng san hô đang tồn tại trên thế giới đã biến mất trong nửa sau của thế kỷ XX. Bruno so sánh các rặng san hô với những cánh rừng, trong đó cả hai đều tạo ra hệ sinh thái phức tạp là nơi cư trú của nhiều hải sản. Cho đến nay, trên toàn cầu, san hô đang mất dần với tốc độ khoảng 1% năm, gấp 2 lần tốc độ biến mất của rừng mưa nhiệt đới. [1]

Kịch bản biến đổi khí hậu thế kỷ XXI [1]

Theo các kịch bản của IPCC, trong 2 thập kỷ tới nhiệt độ Trái đất sẽ tăng khoảng 0,2oC mỗi thập kỷ. Thậm chí, nếu nồng độ các KNK và các bụi khí quyển khác vẫn giữ ở mức năm 2000 thì nhiệt độ trung bình Trái Đất vẫn tăng thêm 0,1oC mỗi thập kỷ.

Biến đổi khí hậu toàn cầu:

          - Kịch bản thấp, nhiệt độ trung bình toàn cầu cuối thế kỷ XXI có thể tăng 1,8oC (phạm vi dao động từ 1,1 - 2,9oC), mực nước biển tăng thêm 0,18 - 0,38m.

          - Kịch bản cao, nhiệt độ trung bình Trái Đất có thể tăng thêm 4oC (phạm vi dao động từ 2,4 - 6,4oC, mực nước biển có thể tăng từ 0,26 - 0,59m).

          Một số nhận xét về các kịch bản BĐKH của Việt Nam trong thế kỷ XXI:

          - Nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn ở các vùng khí hậu phía Nam.

          - Nhiệt độ tăng nhanh hơn ở các vùng sâu trong lục địa và tăng chậm hơn ở các vùng ven biển.

          - Đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ có thể tăng 4 - 4,5oC theo kịch bản phát thải cao nhất và khoảng 2 - 2,2oC theo kịch bản phát thải thấp nhất.

          - Biên độ dao động của mực nước biển dâng là khá lớn ở tất cả các kịch bản phát thải. Mức độ dao động dự kiến ở vùng biển Việt Nam thấp hơn chút ít so với mực nước biển trung bình toàn cầu theo kết quả dự kiến trong thông báo lần 3 của IPCC năm 2001 và gần như dự kiến của IPCC trong thông báo lần 4 năm 2007.

Cơ chế phát triển sạch CDM [1]

          - Nỗ lực hạn chế hậu quả của BĐKH toàn cầu:

Trong các cuộc đàm phán về công ước chung về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (UNFCCC), các bên tham gia Công ước đã nhận thức được sự cần thiết phải có những cam kết mạnh mẽ và cụ thể hơn của các nước công nghiệp nhằm giải quyết một cách nghiêm túc hơn nữa về BĐKH. Tại khóa họp đầu tiên Hội nghị các Bên (COP-1) tham gia UNFCCC tại Béc-lin năm 1995, các Bên đã thông qua “nhiệm vụ Beclin” và nhất trí tiến hành một vòng đàm phán mới về việc tăng cường cam kết của các tổ chức.

Trong ba cơ chế của Nghị định thư Kyoto, CDM là cơ chế đặc biệt liên quan đến các nước đang phát triển. Theo Điều 12 của Nghị định thư Kyoto, mục tiêu của CDM là:

          - Giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

         - Giúp các nước đang phát triển đạt được sự phát triển bền vững và góp phần thực hiện mục tiêu cuối cùng của UNFCC.

          - Giúp các nước phát triển thực hiện cam kết về hạn chế và giảm phát thải định lượng khí nhà kính theo điều 3 của Nghị định thư Kyoto.

Là cơ chế đặc biệt liên quan đến các nước đang phát triển, CDM cho phép các Dự án giảm phát thải khí nhà kính hoặc tăng bồn chứa khí nhà kính, hỗ trợ phát triển bền vững ở những nước đang phát triển (những nước không có bất kỳ cam kết cắt giảm phát thải định lượng nào đối với nhà đầu tư này), thu về lượng giảm phát thải được chứng nhận CERs cho chủ đầu tư Dự án.

CDM có hai tính chất rất quan trọng, đó là “tính bền vững” và “tính bổ sung”:

          - Tính bền vững: là sự đánh giá tác động của CDM đối với sự phát triển của nước chủ nhà. Mỗi quốc gia đều xây dựng một tiêu chí phát triển bền vững cho mình.

          - Tính bổ sung: là vai trò thúc đẩy cắt giảm phát thải khí nhà kính. Việc giảm phát thải được tính toán bằng mức giảm phát thải CO2 của dự án sau khi áp dụng công nghệ sạch so với mức phát thải cơ sở (baseline).

Dự án CDM là dự án đầu tư sản xuất theo công nghệ mới, tiên tiến thân thiện với môi trường, có kết quả giảm phát thải khí nhà kính được Ban điều hành quốc tế về CDM (EB - là tổ chức được các nước tham gia UNFCCC và ủy quyền giám sát các dự án CDM) chấp thuận đăng ký và cấp chứng chỉ giảm phát thải khí thải nhà kính. Phải xác định được “tính bổ sung” giảm phát thải của một dự án nếu không dự án đó sẽ không thể hợp lệ với dự án CDM. Do đó, nhất thiết phải xác định xem điều gì sẽ xảy ra nếu không có các hoạt động dự án CDM.

Toàn bộ các quy tắc về CDM đã được quy định trong các thỏa thuận Marraket (do COP-7 quyết định năm 2001), tuy nhiên các phương pháp luận chi tiết vẫn đang trong quá trình hoàn thiện ở cấp quốc tế. Các bước và các bên liên quan tới chu trình dự án CDM được thể hiện trên hình 1. [1]

Hình 1. Các bước và các bên liên quan tới chu trình dự án CDM [1]

Sáng kiến về các khoản đầu tư xanh - xóa hoặc giãn nợ cho những nước có thu nhập thấp để đổi lấy một dự án phát triển bền vững với môi trường - đang được đánh giá là giải pháp sáng tạo. Ý tưởng “hoán đổi nợ xanh” do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhằm giải quyết những rủi ro ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường. [4]

Theo WB, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giải quyết những rủi ro ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường. Với nguồn ngân sách eo hẹp, kèm theo nhiều khoản nợ, các nước này luôn cần đến công cụ hỗ trợ tài chính khẩn cấp để giải quyết tác động tới từ đại dịch và khủng hoảng kinh tế. Do đó, WB cho rằng bằng cách nới lỏng gánh nặng nợ của các chính phủ, vốn đã ở mức kỷ lục vào thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, các nước nghèo có thể tập trung tài nguyên để phục hồi với các dự án xanh, đưa thế giới bước vào giai đoạn phát triển bền vững hơn.[3]

Truyền thông quốc tế nhận định, sáng kiến này cho thấy nhận thức ngày càng tăng về tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, làm trầm trọng thêm các hạn chế về ngân sách và thách thức về nợ, cản trở khả năng của một số quốc gia trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, bảo vệ động vật hoang dã hay thay đổi cơ sở hạ tầng để chuẩn bị ứng phó với tác động của khí hậu. WB ước tính, hơn 30 quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ phải chịu các khoản nợ khó giải quyết. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá, các nước có thu nhập thấp hiện phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kép, vừa chịu áp lực trả nợ, vừa phải xoay xở trước các vấn đề môi trường.

Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, tối 22-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự phiên khai mạc trọng thể Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu. Đây là hội nghị do Mỹ tổ chức theo hình thức trực tuyến với chương trình nghị sự tập trung vào mục tiêu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới. Sự kiện trên được kỳ vọng sẽ có những kết quả mang tính đột phá cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. [2]

Trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Tây Ban Nha và Tổng thống các nước: Nigeria, Ba Lan tham dự và phát biểu tại phiên họp quan trọng về chủ đề "Các lợi ích kinh tế của Hành động khí hậu" diễn ra vào tối 23-4.

Cùng đóng góp vào việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế, liên tục tham dự cũng như đưa ra đề xuất tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu năm 2021, Việt Nam đánh giá đây là cơ hội lớn để lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thảo luận về tính cấp bách của vấn đề và yêu cầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn. Ngay trước thềm hội nghị, Việt Nam đã cam kết tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm biến “thách thức” do biến đổi khí hậu thành “cơ hội” phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Việt Nam cam kết tiếp tục giảm mạnh điện than

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tối 23/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề “Các lợi ích kinh tế của Hành động khí hậu” tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 22 và 23/4.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, là một nước chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng ĐBSCL, Việt Nam cam két hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, trong đó có giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27/5 khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương, tiếp tục giảm rất mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045, nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện và đang triển khai chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025.

Chủ tịch nước cũng chia sẻ quan điểm của nhiều nước về các lợi ích của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, song cũng nhấn mạnh các nước đang phát triển còn gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi do khó khăn về nguồn vốn và công nghệ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh quá trình chuyển đổi phải công bằng và bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, không để ai “bịbỏ lại phía sau”.

Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden cho biết, dự kiến công bố mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 2005. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng công bố, Liên minh châu Âu có kế hoạch đạt được trung hòa khí thải CO2 vào năm 2050 và mục tiêu trung gian giảm lượng khí thải ròng ít nhất là 55% vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Australia, Anh, Nhật Bản... đã có những động thái nhằm thể hiện quyết tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Có thể thấy, sự thống nhất ngày càng rõ giữa các quốc gia liên quan tới chủ đề này. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng cực đoan cho khắp thế giới. Cách đây ít ngày, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay tăng lên mức cao bởi các hoạt động kinh tế được nối lại sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Theo IEA, lượng khí thải CO2 trong năm 2021 sẽ tăng 5% lên mức 33 tỷ tấn. Nếu chính phủ các nước không nhanh chóng có hành động quyết liệt để cắt giảm khí thải, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vào năm 2022.

6 năm liên tiếp kể từ năm 2015 đều là những năm thuộc diện nóng nhất trong lịch sử. Những kịch bản dự báo tồi tệ nhất về tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu dần trở thành hiện thực. Những cơn bão, đợt hạn hán và những thảm họa thiên nhiên với sức tàn phá chưa từng thấy liên tục xảy ra, cướp đi hàng nghìn sinh mạng và hàng chục tỷ USD.

Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu năm 2021 được ví như động lực quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông qua những cam kết, sáng kiến và hành động thực tế cùng nỗ lực chung, hy vọng các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có thể cứu “Ngôi nhà trái đất” thoát khỏi thảm họa trước khi quá muộn./.

Tài liệu tham khảo

  1. PGS. TS Nguyễn Đức Khiển, “Ứng dụng công nghệ phát triển sạch CDM xử lý chất thải rắn”, NXB Thông tin - Truyền thông 2013.
  2. Quỳnh Dương, “Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu - kỳ vọng những đột phá”, Báo HNM ngày 23/4/2021.
  3. Thế Văn, “Chủ động ứng phó với thiên tai”, Báo HNM ngày 5/4/2021.
  4. Minh Hiếu, “Giải pháp sáng tạo chống biến đổi khí hậu”, HNM ngày 13/4/2021.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN–MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Kỳ vọng những đột phá từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu 22/4/2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.