Thứ tư, 24/04/2024 07:12 (GMT+7)

Một phường ở TP.HCM lún tới 81cm do khai thác nước ngầm quá mức

MTĐT -  Thứ ba, 18/06/2019 14:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong 12 năm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh lún tới 81,4cm, là nơi có tốc độ sụt lún lớn nhất ở Nam Bộ.

Kết luận trên được đưa ra tại diễn đàn chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra sáng nay (18/6) do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì.

Theo đó, tại diễn đàn này, ông Hoàng Văn Bẩy Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014-2017 tại 339 mốc đo ở TP.HCM và ĐBSCL cho thấy có đến 306 mốc lún so với năm 2005.

Trong số này, lún nặng nhất là ở phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), lên đến 81,4 cm và phường 1 (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là 62,2 cm. Điều đáng lo ngại là tốc độ lún đang diễn ra với tốc độ cao, như phường An Lạc khoảng 6,8 cm/năm, xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là 5,74 cm/năm…

Căn cứ vào mức độ đo được, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã phân vùng sơ bộ,  trong đó vùng lún trên 10 cm có diện tích khoảng 3.400 km2 ở 7 tỉnh gồm Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và 2 thành phố là TP.HCM và Cần Thơ.

Việc khai thác nước ngầm quá mức khiến TP. HCM và ĐBSCL bị sụt lún ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Internet.

Nguyên nhân sụt lún được xác định có liên quan đến hoạt động khai thác nước ngầm và suy giảm mực nước ngầm.

Theo thống kê, ĐBSCL và TP HCM có khoảng 9.650 giếng cấp nước tập trung cho sinh hoạt và sản xuất, khai thác với quy mô từ 10 m3/ngày trở lên với tổng lưu lượng khai thác gần 2 triệu m3/ngày. Trong đó, TP HCM có đến 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 519.000 m3/ngày. Ngoài ra, ước tính sơ bộ toàn vùng còn có khoảng 990 nghìn giếng khai thác nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, ước tính lưu lượng khai thác khoảng 840 nghìn m3/ngày. Các giếng khai thác quy mô nhỏ này không có đầy đủ số liệu về vị trí, quy mô... nên không tổng hợp vào báo cáo này.

"Dù đến nay chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể của từng nguyên nhân nhưng khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP HCM và vùng ĐBSCL" – ông Bẩy nhấn mạnh.

Để khắc phục, ông Hoàng Văn Bảy đề xuất điều tra, khoanh vùng để hạn chế khai thác nước ngầm ở những khu vực đang khai thác quá mức. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.

Ngoài ra, ở các khu đô thị và khu dân cư tập trung cũng nên áp dụng giải pháp lưu giữ nước mưa để giảm tình trạng ngập úng và bổ sung mực nước ngầm.

Trước thực trạng nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức, mới đây, Công ty CP Cấp nước Gia Định (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn) phối hợp với UBND quận Bình Thạnh, TP HCM tổ chức lễ tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng trên địa bàn quận.

Hiện trên địa bàn TP HCM có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với nhiều đường kính và độ sâu khác nhau. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác là hơn 680.000 m3/ngày đêm.

Việc khai thác nước ngầm tràn lan và quá mức như hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng lún, sụt, gia tăng nguy cơ ngập nước ở TP HCM. Ngoài ra, việc sử dụng nước giếng khoan chưa qua xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bởi các chất độc tồn tại trong nước giếng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Một phường ở TP.HCM lún tới 81cm do khai thác nước ngầm quá mức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới