Thứ sáu, 29/03/2024 12:03 (GMT+7)

Nắng nóng ở TP.HCM sẽ kéo dài đến 30/4

MTĐT -  Thứ tư, 24/04/2019 14:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nam Bộ đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài và gay gắt nhất trong mùa khô năm nay với nền nhiệt phổ biến từ 35oC – 38oC.

Dự báo về tình hình nắng nóng tại Nam Bộ, thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin từ hôm nay (24/4) đến 29/4, nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng ở Nam Bộ, nhiệt độ cao nhất phổ biến trong khoảng 35-38oC, có nơi trên 38oC.

Ngày hôm qua (23/4), áp thấp nóng phía Tây phát triển nhanh khiến nhiệt độ khu vực Nam Bộ có nhiệt độ cao, rất cao, riêng tại lều đo nhiệt độ tại Sở Sao (Bến Cát, Bình Dương) đạt 38,3oC.

Chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo người dân nên hết sức chú ý việc ăn uống vì nắng nhiều làm thức ăn nhanh ôi thiu, dễ gây ngộ độc thực phẩm. Không nên tắm nắng từ khoảng 11h - 15h hằng ngày. Ngoài ra, chú ý đề phòng chập điện, cháy nổ,…

Dự báo đợt nắng nóng gay gắt ở TP. HCM kéo dài đến 30/4. Ảnh minh họa: Internet.

Theo website dự báo thời tiết AccuWeather của Mỹ, chỉ số UV (UV Index) ở TP.HCM liên tục lên mức đáng báo động (trên 11). Ngày 24/4, chỉ số UV ở TP.HCM là 13. Các ngày 25 và 27/4 cũng được dự báo đạt đỉnh tương tự.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khuyến cáo ngoài dãy quang phổ bảy màu thấy được, trong ánh nắng còn có những tia cực tím với ba loại là UVA, B và C. Bên cạnh lợi ích giúp tổng hợp vitamin D từ cholesterol dưới da cho cơ thể, những tia cực tím, đặc biệt là trong ngày nắng gắt có cường độ cao, sẽ gây ra nhiều tác hại cho làn da con người. Theo đó, tác hại cấp thời là bỏng, dị ứng nắng và lâu dài là lão hóa, ung thư da

PGS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cũng cảnh báo tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da. Sự phá hủy này có thể dẫn đến bệnh dày sừng ánh nắng và tiến triển thành ung thư tế bào gai.

Theo ông Doanh, dày sừng ánh nắng thường xuất hiện ở vùng da cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như vùng mặt, da đầu, mặt duỗi cẳng tay, mu tay. Lúc đầu, bệnh biểu hiện như là một dát màu hồng, rám hoặc đôi khi không có thay đổi nào về màu sắc, bề mặt thô, khô, có ít vảy da.

Bệnh thường xuất hiện ở người da sáng màu và trên 40 tuổi, đặc biệt có nhiều năm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ở một số nước với khi hậu nóng và nắng nhiều, 50% người da sáng màu (chủ yếu là người da trắng) có thể xuất hiện tổn thương dày sừng ánh nắng. Tuy nhiên, dày sừng ánh nắng cũng có thể xuất hiện ở người da sẫm màu.

Các biểu hiện khác do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời chứa tia cực tím phổ biến như bỏng nắng, đỏ da, tăng sắc tố, nếp nhăn, khô da hoặc nặng hơn là ung thư da.

Theo các chuyên gia, việc bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời nói chung, tia cực tím nói riêng nên phòng ngừa bắt đầu từ tuổi nhỏ và mọi lúc, mọi nơi. Các biện pháp bao gồm:

- Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm mà nhiều ánh nắng nhất trong ngày (từ 10-16h).

- Mặc quần áo dài tay, váy dài che kín cơ thể, chọn chất liệu vải dệt khít nhau, màu sáng để tránh bắt nắng.

- Đội mũ rộng vành để che mặt và cổ.

- Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau 2 giờ, cả khi trời có mây.

- Luôn đeo kính khi ra đường.

- Trẻ em chỉ nên tắm nắng trong khoảng thời gian trước 8h và sau 17h. Hạn chế cho trẻ ra ngoài. Khi buộc phải ra ngoài, cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nắng nóng ở TP.HCM sẽ kéo dài đến 30/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới