Thứ tư, 24/04/2024 17:24 (GMT+7)

TP.HCM: Tia cực tím vượt ngưỡng nguy hiểm, có thể gây ung thư da

MTĐT -  Thứ tư, 27/03/2019 08:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự báo, chỉ số tia cực tím (UV) tại TPHCM vào ngày 27/3 ở mức 12, rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.

Theo thông tin trên trang WeatherOnlin, chỉ số tia cực tím (UV) ở TP HCM ngày 26/3 lên đến 12 (mức cao nhất theo thang của Tổ chức Y tế thế giới - WHO là 11+).

Điều đáng lo ngại là chỉ số tia UV được dự báo là tiếp tục vượt ngưỡng trong hôm nay (27/3) trước khi giảm xuống mức 10 và 9 trong các ngày tiếp theo.

Lý giải về nguyên nhân đợt nắng nóng này, trao đổi với báo Người lao động, ThS Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết, nguyên nhân của nắng nóng là do hội tụ của 2 hình thế thời tiết.

Thứ nhất là ở trên tầng cao có áp cao cận nhiệt đới trường phân kỳ hoạt động mạnh vào mùa khô ở Nam Bộ. Thứ hai là áp thấp nóng phía Tây mở rộng về phía Đông Nam. Mặt khác, nắng nóng thường kèm tia cực tím luôn ở mức cao khiến người đi đường cảm thấy khó chịu khi ở ngoài trời lâu.

Theo ông Quyết, chỉ số tia cực tím phụ thuộc vào độ cao mặt trời, tức là vị trí giữa mặt trời và trái đất mà gần nhau thì cường độ nắng nóng mạnh kèm theo tia cực tím cao. Bên cạnh đó, tầng ozone ngày càng mỏng, không đủ để ngăn tia cực tím cũng là nguyên nhân khiến chỉ số tia cực tím cao.

Về thời tiết trong những ngày tới, ông Quyết cho biết nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 3, sau đó nhiệt độ giảm xuống từ 1-2 ngày, chỉ còn nắng nóng cục bộ ở một số nơi. Từ đầu tháng 4 trở đi, Nam Bộ sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một đợt nắng nóng mới.

Người dân TP. HCM đang đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài. Ảnh minh họa: Internet.

Theo các chuyên gia, chỉ số tia UV lên mức cao như vậy sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân, nhất là trẻ em. Theo báo Tiền Phong, nói về vấn đề này, TS.BS Ngô Minh Vinh (Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho rằng, tia cực tím (tia UV) nằm trong phổ ánh sáng mà mắt thường không thể nhìn thấy được, luôn tồn tại trong ánh sáng mặt trời, có tác dụng giúp da tổng hợp vitamin D, kích thích hoạt động chính của cơ thể. Ngoài ra tia UV còn có khả năng diệt khuẩn, tiệt trùng, chữa bệnh vẩy nến.

Tuy nhiên, BS Vinh cho biết việc tiếp xúc nhiều với loại ánh sáng này sẽ khiến cơ thể mà đặc biệt là làn da gặp nhiều nguy hại, thậm chí có thể bị ung thư da. Tia cực tím được chia làm 3 loại: cực tím A, B và C.

Trong đó tia cực tím A (UVA) có thể dễ dàng xuyên qua mây, tác động trực tiếp đến lớp thượng bì da, xuống lớp tế bào làm thoái hóa cấu trúc nền của da khiến da dễ bị sần sùi, thô ráp, nhăn nheo… ảnh hưởng tới ADN của làn da; tia cực tím B (UVB) tác động lên quá trình tổng hợp melamin làm da sạm đi, rám nắng, đặc biệt khiến da xuất hiện nhiều tổn thương như đốm nâu, tàn nhang.. việc tiếp xúc lâu dài với UVB cũng dễ gây nguy cơ ung thư da; tia cực tím C (UVC) gây tổn thương đặc biệt nghiêm trọng đến cấu trúc tế bào và dẫn đến tình trạng ung thư da. “May mắn là 80-90% tình trạng ung thư da ở nước ta là lành tính. Chỉ có số ít là trường hợp ung thư ác tính ở da”, BS Vinh nói.

BS Vinh  khuyến cáo người dân cần có biện pháp che chắn, bảo vệ da trước ánh sáng mặt trời, nhất là trẻ nhỏ. “Vì da bé khá mỏng và non nớt, cấu trúc tế bào chưa hoàn thiện nên rất dễ tổn thương bởi tia cực tím hơn là người lớn. Nếu tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng trực tiếp, da trẻ có thể nổi bọng nước, bóc vảy”, BS Vinh thông tin.

Còn đối với người lớn, trước khi ra khỏi nhà 20-30 phút cần thoa kem chống nắng để bảo vệ da, mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang dày và đội nón rộng vành để bảo vệ làn da trước ánh nắng. “Những người đang bị các bệnh lí về da, da nhờn, nổi mụn hoặc đang uống một số loại thuốc giảm đau, kháng sinh…cần cẩn trọng hơn nếu đi ra ngoài. Vì việc tiếp xúc trực tiếp với tia cực tiếp sẽ khiến làn da dễ bắt nắng, bỏng rát, tình trạng bệnh lý ở da sẽ kéo dài thêm”.

Cách bảo vệ da khỏi tia cực tím:

- Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm mà nhiều ánh nắng nhất trong ngày (từ 10-16h).

- Mặc quần áo dài tay, váy dài che kín cơ thể, chọn chất liệu vải dệt khít nhau, màu sáng để tránh bắt nắng.

- Tia UVA có thể xuyên qua cửa sổ và kính xe, vì vậy dù bạn đi bằng ôtô vẫn phải bảo vệ da bằng cách bôi kem chống nắng.

- Nếu bạn nhận thấy có vết sưng, mụn, nốt ruồi đang thay đổi, phát triển hoặc chảy máu, bạn nên đi khám bác sĩ vì đó có thể là triệu chứng của ung thư da. Khi được phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị hiệu quả.

- Đội mũ rộng vành để che mặt và cổ.

- Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau 2 giờ, cả khi trời có mây.

- Luôn đeo kính khi ra đường.

- Trẻ em chỉ nên tắm nắng trong khoảng thời gian trước 8h và sau 17h. Hạn chế cho trẻ ra ngoài. Khi buộc phải ra ngoài, cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Tia cực tím vượt ngưỡng nguy hiểm, có thể gây ung thư da. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.