Thứ năm, 18/04/2024 17:37 (GMT+7)

Ngày Khí tượng thế giới năm 2019: “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”

MTĐT -  Thứ hai, 25/03/2019 10:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 23/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019.

Theo PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), biến đổi khí hậu đã tạo ra những đợt nắng nóng và nhiệt độ cao kỷ lục ở phạm vi địa phương cũng như ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các hiện tượng sóng nhiệt bắt đầu sớm hơn, kết thúc muộn hơn, xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Các mô hình khí hậu dự đoán nhiệt độ trung bình sẽ tăng trên hầu hết các châu lục và đại dương; nắng nóng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn tại những nơi con người sinh sống; các hiện tượng cực đoan khác như mưa lớn và hạn hán xuất hiện với tần suất nhiều hơn ở một số khu vực trên thế giới. Sự nóng lên toàn cầu kéo theo rủi ro ngày càng gia tăng liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe, sinh kế, an ninh lương thực, cấp nước, an ninh con người và tăng trưởng kinh tế.

Ngày Khí tượng thế giới năm 2019 có chủ đề “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”. Ảnh: Internet. 

Ngày Khí tượng thế giới năm 2019 có chủ đề “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”, góp phần nâng cao ý thức chủ động của toàn xã hội trước những tác động và diễn biến của mặt trời đến đời sống của nhân loại, chủ động bảo vệ sức khỏe và sinh kế hạn chế đến mức thấp nhất những tác động của mặt trời biến đổi khí hậu, khai thác nguồn năng lượng mặt trời góp phần hiệu quả phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai phục vụ hiệu quả, an toàn đời sống xã hội.

Chủ đề này phản ánh mục đích cốt lõi của WMO và vai trò thiết yếu của ngành khí tượng thủy văn trong việc giám sát hệ thống Trái đất, nhằm đưa ra dự báo thời tiết hàng ngày và tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách về sự thay đổi và biến đổi khí hậu. Trong quá trình đó, cộng đồng WMO hỗ trợ các hành động nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản trước sự khắc nghiệt của thời tiết và xây dựng khả năng chống chịu khí hậu lâu dài.

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, chủ đề năm nay phản ánh tôn chỉ hoạt động của Tổ chức Khí tượng thế giới và vai trò không thể thay thế của các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia trong việc giám sát hệ Mặt trời, đưa ra những dự báo thời tiết hằng ngày, cũng như cung cấp các thông tin thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu quan trọng phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra.

Thông qua sự kiện này, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu các đơn vị trong ngành khí tượng thủy văn Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai... Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành khí tượng thủy văn trong công tác dự báo, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra.

Hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới năm 2019, Bộ TN&MT sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện, hoạt động như: Lễ mít tinh kỷ niệm, tọa đàm giao lưu tại Đồi Thiên văn Phù Liễn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng. Đây là công trình khí tượng thủy văn có tuổi đời trên 100 năm của Việt Nam, vừa được WMO bình chọn đạt tiêu chí Trạm Khí tượng 100 năm tuổi.

Chương trình Ngày Khí tượng thế giới được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao công tác phòng, chống thiên tai trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước sự tác động của thiên tai có nguồn gốc khí tượng, thủy văn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ngày Khí tượng thế giới năm 2019: “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.