Thứ ba, 23/04/2024 20:16 (GMT+7)

Nguyên nhân nào khiến bão số 6 diễn biến dị thường?

MTĐT -  Thứ sáu, 08/11/2019 10:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyên gia khí tượng cho biết bão số 6 diễn biến phức tạp, hướng di chuyển của bão phụ thuộc vào sự tương tác của 3 hình thái trên dải hội tụ nhiệt đới liên hành tinh.

Diễn biến dị thường

Sau hơn 2 ngày mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, bão số 6 (Nakri) được dự báo chuyển hướng, tiến gần đất liền với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14 và có thể đạt cường độ mạnh nhất lên cấp 12, giật cấp 15.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão số 6 có thể đi vào đất liền các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận vào ngày 10/11 với cường độ gió suy yếu hơn so với trước đó.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết dự báo này có thể thay đổi bởi bão số 6 đang chịu tác động của nhiều hình thái khác nhau khiến xu hướng di chuyển khó lường.

Theo ông Hưởng, dải hội tụ nhiệt đới liên hành tinh nằm trên vùng xoáy thuận nhiệt đang có sự hoạt động của 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, bao gồm: Siêu bão Halong ở phía tây bắc Thái Bình Dương, bão số 6 - Nakri ở Biển Đông, vùng áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bengal và bão Hanna ở Ấn Độ Dương.

Dự báo đường đi và vị trí cơn bão. Nguồn ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia

"Đây là trường hợp đặc biệt khi cùng một lúc xuất hiện 4 vùng xoáy thuận nhiệt đới trên cùng một dải liên đại dương từ Ấn Độ Dương đến phía tây bắc Thái Bình Dương", ông Hưởng nhận định.

Theo đó, siêu bão Halong được nhận định sẽ chi phối hoạt động của nhiều hình thái khác do cường độ mạnh chưa từng thấy, được dự báo mạnh hơn siêu bão Haiyan năm 2013.

Tương tác của siêu bão này sẽ khiến bão số 6 có hướng di chuyển khó lường. Nếu Halong đi lên phía bắc thì khí áp cao thuận nhiệt đới đẩy xuống, khiến bão số 6 di chuyển về phía tây. Khi kết hợp với không khí lạnh dịch chuyển và tác động thì bão số 6 hướng về đất liền với cường độ ngày càng mạnh lên.

Trong khi đó, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão số 6 liên tục tăng cấp là do đang di chuyển trên một vùng biển ấm. Các điều kiện động lực ngay tại khu vực bão hoạt động cũng thuận lợi để bão tích tụ năng lượng và mạnh lên.

Ngoài ra, không khí lạnh sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới các tỉnh vùng núi phía Bắc trong ngày 7/11. Sự kết hợp của áp cao lạnh lục địa dồn xuống phía nam và không khí lạnh phía bắc tạo ra gió đông bắc rất mạnh ở rìa phía bắc của cơn bão, khiến bão số 6 tăng cấp nhanh.

Tuy nhiên, do còn nhiều vùng trung tâm khác tác động nên kịch bản di chuyển và cường độ bão số 6 sẽ liên tục thay đổi, khó lường.

Liên tục tăng cấp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 07 giờ ngày 08/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được  10-15km. Đến 07 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc Cam-pu-chia.Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 15. Sóng biển cao từ 7-8m; biển động dữ dội. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân nào khiến bão số 6 diễn biến dị thường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới