Thứ ba, 23/04/2024 14:36 (GMT+7)

Ninh Thuận “oằn mình” chống giặc hạn

MTĐT -  Thứ ba, 24/04/2018 15:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ nước tưới tiêu bị khô cạn mà cả nguồn nước sinh hoạt của người dân Ninh Thuận cũng trở nên khó khăn hơn. Khiến người dân lâm vào cảnh lao đao, tìm cách ứng phó với vấn nạn thiếu nước.

Cơn khủng hoảng mang tên “thiếu nước”

Cứ đến thời điểm này, người dân Ninh Thuận lại có nỗi lo rất lớn, đó là nỗi lo hạn hán, không chỉ là nguồn nước tưới tiêu bị khô cạn mà ngay cả nguồn nước sinh hoạt cũng trở nên khó khăn hơn. Nỗi cơ cực tăng lên gấp bội tại những địa phương đang nằm trong vùng tâm hạn.

Đã 5 tháng nay, giếng nước đào sâu gần 50m đã cạn trơ đáy. Trong khi đó, toàn bộ nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở xã Phước Khánh, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận và đều phụ thuộc vào giếng này. Không chỉ người lớn, những đứa trẻ ở trường mẫu giáo Phước Khánh cũng phải sử dụng nước một cách tiết kiệm nhất. Để có được nguồn nước ít ỏi này, các thầy, cô giáo đã phải đi mua từ nơi khác về.

Được biết hiện tại, 9 hồ chứa nước có dung tích nhỏ, gồm Phước Trung, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Tà Ranh, Bầu Ngứ, Suối Lớn, Ông Kinh, CK7, Ma Trai trong tình trạng cạn kiệt, trong đó hồ Ông Kinh đã khô trắng đáy. Người dân bắt đầu đào giếng dưới lòng hồ.

Hạn hán kéo khiến nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận lâm vào tình cảnh thiếu nước trầm trọng. Ảnh: Dân Việt.

11 hồ chứa khác là Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi, Lanh Ra, Sông Biêu, Tân Giang, Nước Ngọt, Thành Sơn phải ngừng cấp nước sản xuất, ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho dân và nước uống gia súc.

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, khu vực ven biển từ tháng 4-8/2018, lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn TBNN (xác suất 65%). Tổng lượng mưa trong 5 tháng này khả năng sẽ chỉ là 240-290mm.

Chỉ tính riêng xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận),theo thống kê tính từ đầu tháng 2 đến ngày 13/4, toàn xã có 883 con gia súc, của 33 hộ dân bị chết. Trong đó, cừu chết nhiều nhất với 776 con, dê 105 con và 2 con bò.

Ngoài ra, 20 xã ven biển thuộc các huyện Thuận Nam, Ninh  Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và TP. Phan Rang- Tháp Chàm đang xảy ra xâm nhập mặn. Ít nhất 48 ha đất sản xuất nông nghiệp phía ngoài đê Sông Dinh, phía Đông TP. Phan Rang- Tháp Chàm đã ghi nhận bị nhiễm mặn.

Nhìn đàn cừu gầy trơ xương, anh Nguyễn Quang (36 tuổi, xã Phước Trung) cho biết nuôi hơn 500 con, nhưng nhiều tháng nay chúng chết dần vì suy kiệt. "Hơn 30 con cừu từ giống mẹ đến con đã chết chỉ vì không có thức ăn", anh nói, giọng rầu rĩ.

Từ đầu mùa khô đến giờ, mọi người trong gia đình anh "ăn ngủ không yên". Họ, ngày nào cũng tìm đủ cách cứu, nhưng bất lực. Theo anh, việc mua thức ăn, nước uống chỉ là giải pháp trước mắt bởi khô hạn kéo dài thì con người còn không có dùng, huống chi vật nuôi.

Nhiều hộ nuôi cừu khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Từ tháng 3 đến nay, mỗi ngày ở địa phương đều có vài con chết, chủ yếu ở độ tuổi vài ba tháng. Do cừu mẹ vừa sinh xong không đủ sữa khiến con suy yếu, rồi chết.

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, cảnh báo, khả năng hạn hán tại Ninh Thuận sẽ kéo dài đến tháng 9.

Hạn hán gay gắt, kéo dài sẽ gây thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, thiếu thức ăn, nước uống... giảm sức đề kháng nên rất dễ phát sinh dịch bệnh trên người và vật nuôi.

Để cứu vãn tình hình, nhiều người phải thuê máy xúc tìm nước để tưới hoa màu. Ảnh: VNE.

Bỏ đất, đi làm thuê

Trước tình hình thiếu nước đủ bề, người dân ở tỉnh Ninh Thuận chẳng còn cách nào khác, đành phải bỏ hoang đất canh tác. Nhiều người chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn để thử vận may bằng cách khoan giếng ở ngay dưới lòng hồ chứa, nhưng không phải ai cũng may mắn khoan trúng được mạch nước ngầm.

Nhiều người cũng bỏ ra hàng triệu đồng/ngày để thuê máy xúc đào đất tìm từng giọt nước cứu hàng chục hecta nho, hành trước nguy cơ khô héo.

Hạn hán kéo dài, mùa màng thất bát không canh tác được nhiều người đành bỏ đấy để đi lên thành phố làm thuê.

Trước đó, ngày 19/4 tỉnh Ninh Thuận họp các sở ngành bàn giải pháp chống khô hạn. Theo báo cáo, tổng dung tích ở 21 hồ chứa nước toàn tỉnh chỉ còn 119.69 triệu m3/194,49 triệu m3 (chiếm 61,54% dung tích thiết kế).

Ông Trần Quốc Nam - Phó chủ tịch tỉnh đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân sơ tán gia súc, gia cầm đến những khu vực có đủ thức ăn, nước uống. "Nhất là đàn cừu, không để tình trạng chết tiếp diễn", Phó chủ tịch tỉnh nói và yêu cầu những đơn vị chuyên trách khảo sát để đào thêm ao hồ cho người dân vì khả năng tình trạng khô hạn còn kéo dài.

Năm 2015 được đánh dấu là năm hạn hán tàn khốc nhất đối với tỉnh Ninh Thuận. Tới nay, kịch bản này dường như đang lặp lại, thậm chí khắc nghiệt hơn khi trong đàn cừu hơn 3.000 con tại đây đã có hơn 800 con chết vì hạn hán. Hạn hán đang khiến nhiều người dân trắng tay với cả nghề chăn nuôi và trồng trọt.

Tổng hợp theo (Dân Việt, VTV)

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Ninh Thuận “oằn mình” chống giặc hạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết TP.HCM hôm nay 22/4/2024: Nắng gay gắt
Dự báo thời tiết TP.HCM hôm nay 22/4, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, TP.HCM ngày nắng, đêm không mưa, nhiệt độ cao nhất 37 độ C, chỉ số UV duy trì ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.

Tin mới