Thứ bảy, 20/04/2024 11:49 (GMT+7)

Nước và biến đổi khí hậu

Diệp Anh -  Thứ tư, 01/04/2020 16:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến nay, tài nguyên nước của thế giới đang dần bị cạn kiệt và đang phải đối mặt với "mối đe dọa chưa từng có".

Nước là nguồn tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, mặc dù nước chiếm tới 70% bề mặt của Trái Đất, nhưng lượng nước sạch và thích hợp để con người sử dụng chỉ chiếm 3%. Sang thế kỷ 21, nước là một trong những nguồn tài nguyên quý giá quyết định sự tồn tại của con người cũng như mọi sinh vật trên Trái Đất.

Đến nay, tài nguyên nước của thế giới đang dần bị cạn kiệt và đang phải đối mặt với "mối đe dọa chưa từng có", như thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đưa ra tại Ngày nước thế giới 22/3 vừa qua.

Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc , thế giới có khoảng 2,2 tỷ người đang thiếu nước sạch, 4,2 tỷ người đang sống trong cảnh thiếu các hệ thống vệ sinh đầy đủ. “Nếu các nước không nỗ lực hơn nữa, khoảng 3,5-4,4 tỷ người trên thế giới, trong đó hơn 1 tỷ người sống tại các đô thị, sẽ phải chịu cảnh thiếu nước sạch”, thông điệp của Tổng Thư ký LHQ cho biết.

Ảnh: Hồ Anh Tiến

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các nguồn nước, bao gồm cả yếu tố con người và tự nhiên, nhưng các nhà khoa học nhận thấy rằng biến đổi khí hậu là tác nhân chủ yếu. Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên, từ đó gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm giảm nguồn nước, giảm khả năng dự báo nguồn nước, giảm chất lượng nước và đe dọa sự phát triển bền vững, đa dạng sinh học và quyền con người được hưởng nước sạch và vệ sinh trên toàn thế giới.

Mối liên hệ rõ ràng giữa nước và biến đổi khí hậu trong một thời gian dài đã bị bỏ qua trong các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế. Biến đổi khí hậu làm tăng cường độ và tần suất của thiên tai và các sự kiện cực đoan liên quan đến tài nguyên nước. Ủy ban Nước của Liên hiệp quốc (UN-Water) cũng dự đoán, hai phần ba dân số thế giới sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi thách thức về nguồn nước vào năm 2025. Khi dân số toàn cầu tăng lên, nhu cầu về nước tăng cũng khiến cho tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Theo đó, các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước và khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới đã kéo theo sự phát triển của các ngành nông nghiệp, công nghiệp cũng khiến môi trường nước suy thoái, cạn kiệt.

Trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi gia súc là hoạt động tiêu thụ nhiều nước sạch nhất. Để sản xuất 1 kg thịt bò cần tới 18.000 lít nước, trong khi để có một lít sữa bò mất tới 1.000 lít nước. Một trang trại khoảng 80.000 con lợn ở Mỹ tiêu tốn trung bình 337,5 triệu lít nước mỗi năm. Ngành chăn nuôi gia súc đang tiêu thụ tới 70% lượng dự trữ nước ngọt dành cho con người.

Lượng nước sạch sử dụng trong các ngành công nghiệp cũng rất lớn. Trung bình sản xuất 1 tờ giấy phải mất 10 lít nước, 500 gram nhựa cần tới 91 lít... Dự báo, đến năm 2050, nhu cầu nước dành cho sản xuất công nghiệp sẽ tăng tới 400%.

Tổng lượng nước sử dụng trên toàn thế giới, cả trong sinh hoạt hằng ngày và trong sản xuất, đã tăng gấp 6 lần trong một thập niên qua, vượt quá khả năng cung cấp của tự nhiên.

Trong khi tài nguyên nước bị đe dọa, dân số thế giới tăng lên lại đẩy nhu cầu về nước tăng, kéo theo đó là nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên này ngày càng cao cũng như tác động tiêu cực đến môi trường.

Ảnh: Hồ Anh Tiến

Ở nước ta, biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên phần lớn các khu vực hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của biến đổi khí hậu, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường”,

Theo ông Lê Công Thành, để đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững, công tác quản lý tài nguyên nước cần tập trung vào việc xây dựng và triển khai quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông làm cơ sở triển khai các giải pháp phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước. Tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước…

Cùng với đó, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững chính là thích ứng với biến đổi khí hậu. Hãy góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày.

Nhiều chuyên gia cho rằng, có rất nhiều cách để tiết kiệm nước trong sinh hoạt hằng ngày, từ việc tạo thói quen không phung phí nước cho đến tận dụng nước đã qua sử dụng. Ngoài ra, việc chuyển sang dùng các loại mỹ phẩm, chất tẩy rửa thân thiện với môi trường như xà phòng, dầu gội thảo mộc, nước rửa bát, bột giặt sinh học... cũng làm giảm đáng kể lượng nước dùng để làm sạch, trong khi nước thải không có hóa chất có thể tận dụng tối đa vào việc khác./.

Bạn đang đọc bài viết Nước và biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ