Thứ năm, 28/03/2024 18:52 (GMT+7)

Siêu bão hoành hành tại nhiều nước trên thế giới

MTĐT -  Thứ sáu, 14/09/2018 13:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi người dân nước Mỹ đang cố gắng chống chọi với siêu bão lịch sử thì hàng loạt các quốc gia châu Á cũng phải đối phó với diêu bão Mangkhut.

Mỹ chống chọi với siêu bão lịch sử

Siêu bão Florence được cho là cơn bão mạnh nhất Bờ Đông nước Mỹ trong vòng 64 năm.

Ngày 13/9, Trung tâm bão quốc gia Mỹ hạ mức độ của cơn bão Florence xuống cấp 2, đồng thời dự báo đây sẽ là 1 trong 10 cơn bão gây thiệt hại lớn nhất tại Mỹ.

Theo VOV, Trung tâm Bão quốc gia Mỹ cảnh báo, bão Florence dù đã phần nào suy yếu và thay đổi hướng đi nhưng vẫn rất nguy hiểm. Dù sức gió có giảm nhưng tổng năng lượng của cơn bão vẫn đang lớn dần, cơn bão sẽ kéo dài lâu hơn. Bão Florence vẫn có thể là mối đe dọa chết người trên diện rộng tại vùng Đông duyên hải Mỹ, kéo dài từ nam bang Georgia đến nam bang Virginia.

Những hình ảnh đầu tiên khi bão Florence đổ bộ. Ảnh: AP. 

Cơn bão có khả năng gây mưa lớn liên tục dẫn đến ngập lụt tại các con sông và khu vực địa hình thấp, kèm theo lũ quét và sóng nước cao đến 4m tại bờ biển Carolina.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/9 đã ký ban bố tình trạng khẩn cấp cho cả hai bang Bắc Carolina và Nam Carolina, mở đường cho ngân sách liên bang được rót về địa phương cũng như các nguồn lực ứng phó khác. Tổng thống Mỹ tuyên bố, chính phủ liên bang sẽ không ngần ngại cấp mọi kinh phí cần thiết để ứng phó với những thiệt hại do bão Florence gây ra.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với các cố vấn cấp cao và các quan chức cứu trợ thiên tai, Tổng thống Donald Trump nói: “An toàn tính mạng cho người dân Mỹ là trên hết. Chính phủ  không ngần ngại cấp ngân sách hỗ trợ. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Mọi người đã rất khôn ngoan chuẩn bị đề phòng trận bão được cho là dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ qua. Mọi thứ có thể thay đổi nhưng chúng ta cần dự báo ngay từ lúc này. Các bang chịu thiệt hại lớn nhất có thể là Virginia, Bắc Carolina, Nam Carolina”.

Người dân Mỹ đổ xô đi mua lương thực và nước dự trữ để đối phó với cơn bão. Không chỉ đồ ăn, nước uống và xăng, người dân còn mua nhiều đồ dùng khác như máy phát điện, gỗ ép, dây thừng hay bao cát để đối phó với siêu bão Florence.

Trung tâm cũng đưa ra các cảnh báo nguy cơ ngập lụt trầm trọng và thiệt hại có thể lên đến 50-60 tỷ USD.

Dẫn nguồn tin từ ABC 11, VTCNews đưa tin, Thống đốc bang Bắc Carolina Roy Cooper ngày 13/9 kêu gọi người dân nhận thức về mối đe dọa của cơn bão Florence. “Thông điệp của tôi ngày hôm nay: Đừng thư giãn, đừng mất cảnh giác. Hãy cẩn thận. Đây là một cơn bão mạnh có thể giết người. Hôm nay mối đe dọa đã trở thành sự thật.” – ông nói trong một buổi họp báo.

Theo đánh giá của các nhà khí tượng, bang North Carolina có thể là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão Florence. Ngoài ra, cơn bão cũng ảnh hưởng đến người dân Mỹ sống ở bang South Carolina và Virginia.

Trước đó, hồi tháng 8/2017, siêu bão Harvey đã trút 34 tỷ m3 nước mưa xuống riêng bang Texas chỉ trong vòng vài ngày đầu tiên khi bão đổ bộ. Bão Harvey khi đó có sức gió 210 km/giờ và được phân loại vào bão cấp 3 trong thang bão 5 cấp của Mỹ.

Siêu bão Mangkhut hoành hành ở châu Á

Trong khi đó, cùng thời điểm này hàng loạt các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Philippines cũng phải chạy đua với siêu bão Mangkhut.

Siêu bão Mangkhut mạnh cấp 17 (cấp 5 theo thang đo bão Đại Tây Dương), với sức gió 250 km/h và giật 350 km/h. Các tính toán hiện nay cho thấy bão sắp đổ bộ vào đồng bằng phía bắc được ví von là "vựa lúa" của Philippines, làm dấy lên nhiều lo ngại cho ngành nông nghiệp nước này, dẫn nguồn tin New York Times, Zing đưa tin.

Thống đốc tỉnh Cagayan, Manuel Mamba nói với Associated Press qua điện thoại rằng việc sơ tán dân cư từ các làng ven biển bị đe dọa và các thành phố đảo phía bắc của tỉnh đã bắt đầu, còn tất cả trường học trong tỉnh đều đóng cửa.

Lực lượng chính phủ Philippines đã chuẩn bị đầy đủ để giải quyết mọi chuyện khi có tình huống khẩn cấp.

Dù phải tới ngày 15/9 bão Mankhut mới vào, nhưng một số khu vực tại thủ đô Manila đã bị ngập lụt do mưa lớn ảnh hưởng từ cơn bão.

Cơ quan Phát triển Đô thị Manila (MMDA) cho hay họ đã phải triển khai một lực lượng gần 60 người để ứng phó với mưa lớn, gây ngập lụt trong thành phố.

Mangkhut hiện đang trên đà siêu mạnh như siêu bão Haiyan, vốn khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở Philippines năm 2013. Miền Bắc Luzon cũng bị tàn phá trong năm 2016 bởi siêu bão Haima - được gọi là Lawin tại địa phương - với hơn 14.000 ngôi nhà bị phá hủy và 50.000 ngôi nhà bị hư hại.

Hội Chữ thập đỏ nước này đặt ra mức cảnh báo cao nhất trên đảo, cảnh báo, gió và mưa lớn có thể gây thiệt hại cho quần đảo và khu vực ven biển Luzon. “Chúng tôi lo lắng cho 10 triệu người Philippines đang sống trên đường đi của cơn bão khủng khiếp này, gồm cả những người đã từng di dời nhiều lần do mưa gió mùa tháng 7 và tháng 8”, CNN dẫn lời ông Richard Gordon, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Philippines cho biết.

Thượng nghị sĩ kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Philippines Richard Gordon cảnh báo khu vực đồng bằng miền trung đảo Luzon cũng sẽ xảy ra mưa lớn.

Trưa 13/9, Tổng thống Rodrigo Duterte đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận kế hoạch đối phó cơn bão sắp đến. Các dự báo thời tiết mới nhất cảnh báo vùng ảnh hưởng của bão sẽ trải dài từ khu vực phía bắc Luzon đến tận thủ đô Manila ở miền nam.

Đây có thể là cơn bão tồi tệ nhất sẽ mà Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc) phải gánh chịu trong hơn 60 năm qua. Nhiều hãng hàng không Hồng Kông, bao gồm Cathay Pacific, đã thông báo sẽ miễn phí cho việc đổi vé hoặc đổi tuyến các chuyến bay đến hoặc rời thành phố trong thời gian này.

Sau khi đi qua khu vực phía bắc Biển Đông, siêu bão Mangkhut sẽ hướng đến tỉnh Quảng Đông và thành phố Hong Kong của Trung Quốc, ảnh hưởng đến một khu vực tập trung gần 100 triệu dân.

Người dân Hong Kong đang gấp rút gia cố nhà cửa và các đê bao tránh lụt, tích trữ nhu yếu phẩm.

Ảnh mây vệ tinh của siêu bão Mangkhut. 

Sáng 13/9, Đài Khí tượng Hong Kong hủy cảnh báo lốc xoáy, nhưng khẳng định tình hình thời tiết vẫn có thể xấu đi đến cuối tuần. Đài Khí tượng Hong Kong dự báo thành phố sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng của bão vào từ ngày 16/9 với biển động mạnh và mưa lớn thường xuyên.

Bà Queenie Lam Ching-chi, chuyên viên cấp cao tại Đài Khí tượng Hong Kong cho biết tâm bão có thể nằm rất gần thành phố. “Thậm chí nếu bão không đánh trực tiếp vào Hong Kong thì phạm vi ảnh hưởng rộng của nó vẫn đe dọa thành phố”, bà cho biết.

Còn tại Việt Nam, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay (14/9) ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp dần lên cấp 11-12, từ sáng mai tăng lên cấp 14-15, giật trên cấp 17.

Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19/9.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Siêu bão hoành hành tại nhiều nước trên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.