Thứ năm, 28/03/2024 16:54 (GMT+7)

Sụt lún ở ĐBSCL: Chọn nước ngầm hay đất?

MTĐT -  Thứ bảy, 23/11/2019 15:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức khiến tốc độ sụt lún ở ĐBSCL diễn ra nhanh, nguy hiểm gấp nhiều lần so với nước biển dâng

Tình hình sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM đang diễn ra nhanh hơn dự kiến là nội dung trọng tâm được các chuyên gia và nhà quản lý tập trung thảo luận trong Hội thảo sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày 22/11 tại Cần Thơ. 

Mỗi năm ĐBSCL sụt lún 2 cm 

Theo Zing, phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi đây là nơi rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên.

Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì tình trạng sụt lún đất đang xuất hiện ở nhiều nơi của khu vực này đã và sẽ mang đến nhiều hệ lụy”, bà Hương nói.

Ông Olaf Neusser thuộc Tổ chức GIZ thông tin ĐBSCL là nơi có tuổi địa chất còn rất trẻ, chỉ khoảng 6.000 năm và sụt lún đất đã xuất hiện trong suốt quá trình hình thành nên đồng bằng và mức độ sụt lún đó đã được bù lại từ nguồn phù sa, trầm tích do các cơn lũ mang lại hàng năm.

PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, bày tỏ lo lắng về tình hình sụt lún tại ĐBSCL. Ảnh: Minh Anh. 

 Tuy nhiên, theo chuyên gia của GIZ, Đồng bằng sông Cửu Long đang sụt lún ở mức độ nhanh hơn so với mực nước biển dâng. Các số liệu do vệ tinh thu thập được từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2019 đã vẽ nên một bức tranh khá khắc nghiệt về các khu vực đang bị sụt lún, với tốc độ không hề giảm. Ở các đô thị như thành phố Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực, dao động từ 2-4cm một năm và điều này sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1cm/năm.

Báo cáo của GIZ cũng cho biết, dù ở khu vực đô thị hay nông thôn thì sụt lún đất đều có xu hướng tiếp tục với cùng cấp độ như những năm qua. Để đưa ra những số liệu này, nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp sử dụng dữ liệu vệ tinh, thu thập dữ liệu số lượng lớn với độ chính xác cao bao trùm toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 750.000 điểm.

Ông Olaf Neusser cho rằng, dù là công trình lớn nhưng ngôi trường lại bị lún ít hơn nhà dân. Những tòa nhà có phần móng chắc và sâu thì sẽ sụt lún chậm hơn so với những những tòa nhà nhỏ có móng cạn. Còn ở toàn bộ khu vực đồng bằng thì phần bán đảo Cà Mau đang bị sụt lún nhiều hơn những nơi khác.

Theo ông Olaf Neusser, cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu rõ thêm tại sao xảy ra hiện tượng sụt lún đất cũng như những chiến lược ứng phó. Theo đó, việc khẩn cấp cần làm ngay là phải giảm nhẹ và thích ứng với sụt lún bởi vì rất khó để nó dừng lại.

Có chung quan điểm, PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, lún sụt và sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề cần quan tâm giải quyết hàng đầu. Theo ông Trung, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu phối hợp với Trường Đại học Utretch, Hà Lan cho thấy, độ lún trung bình ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2cm mỗi năm, nơi có độ lún lớn nhất là bán đảo Cà Mau.

ĐBSCL đang sụt lún với tốc độ đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Ông Nguyễn Hiếu Trung lý giải do tầng đất mặt dưới sâu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là lớp cát trong khi đó nền đất thì 80% là đất yếu nên chỉ việc xây dựng nhà cửa, đường giao thông cũng đã xuất hiện lún. Cùng với đó, quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mạch nước ngầm bị khai thác tràn lan là nguyên nhân chính của sụt lún. Khi nền đất bị dịch chuyển sẽ kéo theo việc sạt lở bờ sông, bờ biển.

Hạn chế khai thác nước ngầm

Theo báo NĐT phát biểu tại hội thảo, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, trong 25 năm (1991-2015), việc khai thác nước ngầm quá mức ở vùng này đã gây ra sự sụt lún tại ĐBSCL. Trong đó, TP Cần Thơ là khu vực có độ sụt lún nặng, tổng cộng 20 cm trong 25 năm qua.

Dù ĐBSCL có hạ nguồn sông Mê Kông - một trong những dòng sông lớn nhất thế giới nhưng tình trạng của ĐBSCL tương ứng với câu "nước khắp nơi nhưng không một giọt để uống". Nguyên do là sông ngòi ngày nay quá ô nhiễm. "Cách đây 20 năm nước sông còn bơi lội, còn dùng cho sinh hoạt được. Nhưng ngày nay, ngoại trừ các nhánh sông lớn chứ còn sông ngòi, kênh rạch người dân rửa tay còn không dám, nói chi sử dụng cho sinh hoạt. Vì vậy, toàn bộ ĐBSCL gần như chỉ sử dụng nước ngầm (ngoại trừ ở ven các sông lớn)" - ông Thiện nêu thực trạng.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân sông ngòi ô nhiễm là vì nền nông nghiệp lâu nay chạy theo năng suất và số lượng nên sử dụng một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu: Khoảng 3 triệu tấn phân bón và nửa triệu tấn nông dược. Cuối cùng thì đất đai, sông ngòi phải gánh lượng này. "Song song đó, sông ngòi bị nhiều công trình cản trở, không còn chảy thông thương, vào mùa khô thì các cống ngăn mặn đóng im ỉm nên không còn nước lớn, nước ròng như xưa nữa. Do đó ô nhiễm tích tụ và không phân hủy được, làm cho sông ngòi ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng" - ông Thiện giải thích.

Giữa hai vấn đề làm cho ĐBSCL chìm nhanh là nước biển dâng và sụt lún đất do khai thác nước ngầm thì sụt lún đất đáng lo hơn. Tốc độ nước biển dâng chỉ khoảng 3 mm/năm, trong khi sụt lún của đồng bằng đang gấp 3-4 lần và có nơi gấp 10 lần.

Để giải quyết vấn đề sụt lún, ĐBSCL phải gấp rút giảm ngay sử dụng nước ngầm. Thế nhưng, muốn giảm sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước thay thế. Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, với vùng ven biển thì nên thuận theo tự nhiên, chuyển sang canh tác mặn vào mùa mặn và làm hệ thống công trình trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt. Đối với vùng nội địa thì cần phục hồi hệ thống sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây chỉ vài chục năm.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sụt lún ở ĐBSCL: Chọn nước ngầm hay đất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới