Thứ sáu, 19/04/2024 16:56 (GMT+7)

Thủy điện nắn dòng, người dân Tây Nguyên lao đao vì hạn hán

MTĐT -  Thứ ba, 31/03/2020 16:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tây Nguyên có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú với 4 hệ thống sông chính: Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai; khá thuận lợi trong việc phát triển thủy điện, thủy lợi.

Chính vì vậy, những năm qua, hàng trăm nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng tại khu vực này. Không thể phủ nhận cái được của các dự án thủy điện ở Tây Nguyên thời gian qua đã cung ứng điện năng, điều tiết nguồn nước giữa mùa lũ và mùa cạn, phục vụ thủy lợi; phát triển cơ sở hạ tầng góp phần đổi thay bộ mặt dân cư vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, việc ồ ạt xây dựng thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên; được điện thì mất rừng; hạn hán, lụt lội, lũ quét, sạt lở sông, suối luôn đe dọa...

Một công trình thủy điện tại Tây Nguyên. Ảnh: Internet.

Việc xây dựng dày đặc các nhà máy thủy điện trên các dòng sông đã làm thay đổi lưu lượng dòng chảy và từng xảy ra sự cố về thủy điện như việc vỡ bờ kênh thủy điện Sêrêpốk 4A vào năm 2013 - 2014 tại khu vực buôn Yang Bông, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn), gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu và tài sản của nhân dân.

Thủy điện làm ảnh hưởng đến dòng chảy các con sông, khiến lượng nước đổ về hạ du không đủ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là mùa khô.

Thời gian qua, người nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang thiếu cả nước sinh hoạt và sản xuất, trong khi nhiều công trình thủy điện lại nắn dòng, thay đổi dòng chảy, khiến nông dân khổ lại càng thêm khốn đốn.

Gia đình bà Nguyễn Thị Như (trú thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) từ đầu năm đến nay như ngồi trên đống lửa vì không biết tìm đâu ra nguồn nước tưới cho 5 sào cà phê đang độ ra hoa. Theo bà Như, sông Krông Nô trước vốn hiền hòa, cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn hécta cây trồng của người dân ven đôi bờ. Rồi khi thủy điện Chư Pông Krông đi vào hoạt động, dòng chảy trên sông cứ thế bị teo tóp dần.

Chia sẻ với báo Lao động, ông Doãn Gia Lộc - Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông) xác nhận việc thiếu nước tưới của người dân trên địa bàn huyện chủ yếu do thủy điện thi công làm thay đổi dòng chảy. Trước mong muốn chính đáng của người dân, ông Lộc cho rằng, nếu chủ đầu tư không rốt ráo, dứt điểm vấn đề này, ngành nông nghiệp sẽ có văn bản tham mưu cho UBND huyện Krông Nô gửi Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TNMT) đề nghị không cấp phép sử dụng mặt nước cho dự án Nhà máy thủy điện Chư Pông Krông.

Còn tại Kon Tum, trước tình trạng nguồn nước trên sông Đắk Snghé không ổn định do thủy điện, chính quyền lại chật vật đi tìm các giải pháp để chống hạn, khắc phục thiệt hại đến đời sống sản xuất cho người dân.

Thủy điện chặn dòng khiến sông Đăk S nghé khô cạn. Ảnh: Báo Tiền phong.

Thủy điện hoạt động cầm chừng

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhiều thủy điện phải dừng hoạt động, một số khác chỉ hoạt động cầm chừng vì không có nước.

Trao đổi với VOV, ông Đặng Văn Tuần, Giám đốc Công ty thủy điện An Khê- Ka Nak, cho biết, hiện cả 2 nhà máy thủy điện đều tập trung ưu tiên nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở hạ du, hiệu quả sản xuất điện gần như không tính đến.

Nhà máy thủy điện An Khê đã dừng phát điện từ cuối năm 2019, chỉ hoạt động một số thời điểm để có nước cứu hạn cho huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Còn Nhà máy thủy điện Ka Nak thì hoạt động cầm chừng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân tỉnh Gia Lai. Do vậy từ đầu năm đến ngày 6/3, tổng sản lượng điện của cả hệ thống thủy điện An Khê- Ka Nak chỉ đạt khoảng 4 triệu Kwh, tương đương với một ngày phát điện trong mùa mưa.

"Do lượng nước thiếu nên công ty hạn chế phát điện mà tập trung tích nước của hồ Ka Nak để phục vụ chống hạn, cũng như phục vụ nhu cầu nông nghiệp, nước sinh hoạt của địa phương. Hiện nay công ty vẫn tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa của Thủ tướng Chính phủ, điều tiết với lượng phù hợp để đảm bảo cho việc sử dụng nước tiết kiệm nhất" - ông Đặng Văn Tuần cho biết.

Nhiều diện tích cây trồng tại Tây Nguyên "khát" nước. Ảnh: VNE.

Cũng giống như ở sông Ba, các thủy điện trên lưu vực sông Sêrêpôk – dòng sông lớn thứ hai ở Tây Nguyên, chảy qua hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nước.

Ông Nguyễn Đức, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, đơn vị quản lý tổ hợp 3 công trình thủy điện lớn nhất trên dòng Sêrêpôk là Thủy điện Buôn Tua Srah, Thủy điện Buôn Kuốp và Thủy điện Sêrêpôk 3, cho biết, sản lượng điện hơn 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 225 triệu Kwh, chưa bằng 1 tháng đầu năm 2019.

Do lưu lượng nước đổ về hồ điều tiết Buôn Tua Srah ở phía thượng nguồn chỉ khoảng 20m3/s, cả 3 thủy điện đều hoạt động cầm chừng từ cuối năm 2019. Nhưng cố gắng lắm công ty cũng chỉ có thể đảm bảo hoạt động cấp nước cho hạ du tới tháng 5, do hồ chứa không có cống xả đáy.

"Mực nước chết của hồ Buôn Tua Srah là 654m. Ngày 9/5/2019 là về mực nước chết. Giải pháp của năm 2019 là cố gắng chạy thêm, tức là dưới mực chết thì vẫn chạy được một ít nhưng mà nguy hiểm, các tổ máy rung, đảo, không đảm bảo. Chạy máy đến mực nước 464 thì dừng. Khi xây dựng công trình đã tính toán các yếu tố thủy văn, tính toán lưu lượng thấp nhất mùa kiệt. Khi rơi vào tình huống cực đoan như thế, Ban chỉ đạo chống hạn, kể  cả Trung ương vào cuộc nữa, sẽ bàn đưa ra giải pháp, chứ ở đây công trình thiết kế là không có cống xả" - ông Nguyễn Đức nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thủy điện nắn dòng, người dân Tây Nguyên lao đao vì hạn hán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước