Thứ sáu, 26/04/2024 04:41 (GMT+7)

Ứng phó với biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ năm, 04/04/2019 08:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ tác hại của nó ở từng vùng là khác nhau. Với Việt Nam, những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu rất rõ rệt, trong đó có khu vực miền núi.

1. Mùa hè năm 2018 vừa qua các tỉnh miền núi phía Bắc phải chịu đựng nhiều ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ không khí tăng cao, có ngày lên tới hơn 40 độ C. Điều đó kéo theo rất nhiều vấn đề như nguy cơ cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm, các bệnh, dịch mùa hè tăng đột biến, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, việc đi lại và công việc của người dân.

Cũng từ đó, diễn biến thiên tai cũng bất thường hơn. Cuối tháng 6, mưa lũ xảy ra làm thiệt hại lớn về người và tài sản ở hai tỉnh Lai Châu, Hà Giang. Ngay tiếp đó lại là những đợt nắng nóng kéo dài, nước của những dòng suối cạn kiệt. Đó chính là tình trạng biến đổi khí hậu cực đoan -mối nguy hiểm trực tiếp và ghê gớm.

Về nguyên nhân, cùng với sự nóng lên của trái đất, nước biển dâng... thì nguyên nhân từ phía con người cũng rất lớn. Người ta gọi đó là “nhân tai” để phân biệt với “thiên tai” do thiên nhiên gây ra.

Trước hết và căng thẳng nhất chính là nạn phá rừng. Rất nhiều cánh rừng khu vực miền núi phía Bắc, dọc theo dãy Trường Sơn, khu vực Tây Nguyên và cả những cánh rừng Đông Nam Bộ cũng đã bị đốn hạ. Nạn lâm tặc hoành hành không dứt, cho dù đã có nhiều nỗ lực của chính quyền cũng như người dân nhằm bảo vệ rừng. Kể cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cũng bị lâm tặc uy hiếp. Những cây to, lâu năm bị đốn hạ, rừng xác xơ khiến lượng nước không giữ được, tạo ra những đợt lũ hung  dữ trong mùa mưa. 

Cùng đó, việc phát triển thủy điện ở miền núi cũng khiến những cánh rừng bị đốn hạ. Đặc biệt, đối với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, thời gian qua mọc lên nhiều thủy điện lớn nhỏ, diện tích rừng thu hẹp rõ rệt, dẫn đến sự biến đổi khí hậu trong các tiểu vùng địa lý. Trong khi đó, các chủ thủy điện lại không thực hiện nghiêm túc việc trồng mới rừng, càng khiến cho tình hình thêm gay gắt.

Người ta nói rằng, muốn giải bài toán phát triển bền vững, điều đầu tiên và vô cùng quan trọng là phải cân đối sự hài hòa giữa thiên nhiên với con người. Nếu cố tình phá vỡ sự cân bằng ấy, cơn thịnh nộ của thiên nhiên xảy ra sẽ không thể lường trước được.

Rừng bị chặt phá là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

2. Có thể nêu ví dụ về vùng Đông Bắc trong tác động của biến đổi khí hậu.

Vùng Đông Bắc bao gồm 9 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang và Quảng Ninh với diện tích chiếm khoảng 15,3% diện tích cả nước, dân số hơn 8,5 triệu người chiếm 9,35% dân số cả nước với 20 dân tộc anh em cùng chung sống.
Trong những năm gần đây, các tác động gia tăng của biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến điều kiện tự nhiên, hoạt động sản xuất của người dân ở vùng núi Đông Bắc. Phần lớn các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng này sinh kế chính là nông - lâm nghiệp và sống dựa vào thiên nhiên. Do đó, những thay đổi về hệ thống khí hậu tác động mạnh mẽ đến điều kiện sống và sản xuất ở nhiều quy mô và cấp độ khác nhau. 

Nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho thấy: Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi hệ thống thời tiết - khí hậu đặc trưng của vùng núi Đông Bắc, kéo theo những thay đổi phức tạp, đa chiều khác trong hệ thống tự nhiên, gây ra những biến động về tần suất, cường độ và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (bão, dông, lốc, mưa đá…). Tình trạng thời tiết khô nóng kéo dài vào mùa hè; rét đậm, rét hại kèm sương muối vào mùa đông; lũ quét, sạt lở vào mùa mưa; hạn hán và thiếu nước tưới nghiêm trọng vào mùa khô.

Đối với ngành chăn nuôi ở vùng núi Đông Bắc, biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên vật nuôi. Báo cáo thống kê của Cục Thú y năm 2015, dịch lở mồm long móng xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn 2006-2015 ở các tỉnh Đông Bắc. Trong đó các tỉnh có đàn gia súc thường xuyên mắc bệnh này là Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Năm 2015, tại tỉnh Bắc Kạn vi-rút gây bệnh lở mồm long móng là một chủng loại mới thuộc type A làm chết hàng trăm con trâu bò...

Biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói chung, trong đó có vùng Đông Bắc. Người già và trẻ em mắc bệnh ho, sốt, viêm xương khớp, viêm phổi, tiêu chảy… nhiều hơn. Khu vực thiếu nước nghiêm trọng nhất là 4 huyện vùng cao thuộc cao nguyên đá Đồng Văn là Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Có thời kỳ, người ta ghi nhận 14/19 xã của huyện Mèo Vạc, 13/19 xã của huyện Yên Minh, 10/13 xã của huyện Quảng Bạ bị thiếu nước trầm trọng trong mùa khô. Trong khi đó, thiên tai diễn ra ở vùng núi với tần suất cao hơn và cường độ lớn hơn. 

Biến đổi khí hậu đã và đang tiếp tục ảnh hưởng xấu tới miền núi. Vì vậy, cần có những giải pháp tổng thể để hạn chế tác động xấu đó. Nhằm giúp bà con khu vực này ổn định và phát triển cuộc sống một cách bền vững.    

* Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), trong số hơn 800 đô thị của Việt Nam hiện nay, có khoảng 140 - 150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng rõ rệt của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Khảo sát về khả năng chống chịu biến đổi khí hậu tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho thấy, do đặc điểm địa hình vùng núi cao nên cơ sở hạ tầng giao thông thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm các thiệt hại về sụt lún, sạt lở đất gây chia cắt đường giao thông, hư hỏng đường sá khi ngập úng kéo dài, ách tắc giao thông và các hệ quả đi kèm. Trong khi đó, đối với đô thị vùng Tây Nguyên như thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), khó khăn lớn nhất là hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Là một đô thị mới ở miền núi, xuất phát điểm thấp và tỷ trọng sản xuất nông lâm nghiệp chiếm trên 50% GDP nên có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của thị xã Gia Nghĩa thấp. 

Theo Đại đoàn kết

Bạn đang đọc bài viết Ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.