Thứ sáu, 19/04/2024 16:19 (GMT+7)

Vì sao cơn bão số 3 lại gọi là bão Sơn Tinh?

MTĐT -  Thứ tư, 18/07/2018 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơn bão số 3 hay còn gọi là bão Sơn Tinh được dự báo là chiều tối nay đổ bộ vào nước ta. Tuy nhiên, nhiều người lại thắc mắc vì sao lại gọi là bão sơn tinh chứ không phải là bão Thủy Tinh?

Bão là hiện tượng thiên nhiên có tác động trực tiếp vô cùng mạnh mẽ tới cuộc sống của con người, do đó rất được chúng ta quan tâm. Để tránh việc nhầm lẫn do một lúc có nhiều cơn bão xảy ra, người ta phải đặt tên chúng.

Tên các cơn bão được đặt như như thế nào?

Theo thông tin trên Tri thức trẻ, trước kia, người châu Âu và tiếp đó là châu Mỹ thường đặt tên các cơn bão theo tên của các vị thánh trong Kinh thánh. Sau này, họ đặt tên theo tọa độ (kinh độ và vĩ độ phát hiện ra cơn bão). Đây là cách đặt tên phức tạp, dài dòng nên ít phổ biến.

Tới Thế chiến II, các nhà khí tượng làm việc cho quân đội lại đặt tên các cơn bão bằng tên... phụ nữ!

Cách đặt này phục vụ cho việc mã hóa của quân đội và sau này (từ 1950) vẫn được Hiệp hội khí tượng thế giới (World Meteorological Organization – WMO) sử dụng với một hệ thống tên theo thứ tự từ điển.

Ví dụ: Các cơn bão từng được đặt tên của phụ nữ như Patricia, Katrina, Linda, Irene...

Các phương tiện truyền thông khi đó thường mô tả các cơn bão mang tên nữ giới với những từ ngữ gây tranh cãi như "cuồng nộ", "trêu ghẹo" và "tán tỉnh" các bờ biển.

Chính điều này làm các nhà hoạt động nữ quyền vận động nhằm loại bỏ cách đặt tên gây tranh cãi này, sau đó tên của nam giới cùng xuất hiện trong danh sách.

Tới 1979, vì lý do chính trị nên hệ thống có sự thay đổi (thêm tên nam giới, tên của người Pháp, Tây Ban Nha...).

Ngày nay, có tới 6 danh sách khác nhau được WMO sử dụng để đặt tên các cơn bão. Mỗi danh sách gồm 21 tên (nhưng tên có các chữ cái Q, U, X, Y, Z không được sử dụng!). Chúng sẽ được sử dụng xoay vòng với chu kỳ 6 năm.

Chiều tối nay, bão Sơn Tinh sẽ đổ bộ vào đất liền. Ảnh minh họa: Internet.

Ở vùng Tây Thái Bình Dương (gồm 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…) mỗi nước sẽ được đăng ký 10 cái tên (như vậy có tổng cộng 140 tên bão) và tên gọi sẽ được xoay vòng trong 5 danh sách. Sau đó sẽ được Trung tâm Bão nhiệt đới Tokyo thuộc cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt tên.

Tại sao gọi là bão “sơn tinh” mà không phải là bão “thủy tinh”?

Trao đổi với báo Lao động, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết:  “Tôi có tham gia từ đầu việc đóng góp tên bão, chúng tôi có đề cử 20 - 25 tên khác nhau.

Và trước khi gửi danh sách tên đề xuất, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Viện Ngôn ngữ học. Viện Ngôn ngữ Việt Nam thẩm định và khẳng định đó là những cái tên thuần túy Việt Nam. Hồi đó, chúng tôi đề xuất cả một cặp tên Sơn Tinh – Thủy Tinh, một vị thần gây ra bão lụt, một vị thần chống chọi lại bão lụt”.

Chắc hẳn ai cũng ngạc nhiên vì có thể nói nhắc đến Sơn Tinh là phải nói đến Thủy Tinh. Tại sao lại có bão Sơn Tinh, không có bão Thủy Tinh? Lý do là vì khi các nước đề xuất tên những cơn bão thì theo quy định, khi gửi các tên đề cử, các nước thành viên phải đọc rõ cách phát âm và giải thích ý nghĩa của những cái tên đó.

Tuy nhiên, theo ông Hải khi đọc đến tên bão Thủy Tinh thì bất ngờ mọi người cười ồ lên. Mọi người liền không đồng ý vì do cách phát âm của từ Thủy Tinh trong tiếng nước bạn biến thành một từ gây cười và thậm chí gây hiểu nhầm trên các khía cạnh văn hóa.

“Vì thế, Ủy ban bão của khu vực chỉ chọn 10 tên do chúng ta đề cử, trong đó có: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco” – ông Hải lý giải.

Hồi năm 2012, cơn bão số 8 cũng được đặt tên là bão Sơn Tinh đổ bộ vào Biển Đông. Bão Sơn Tinh ngoài đặc điểm có tốc độ di chuyển ban đầu rất nhanh lên tới 25 - 30 km/h khi vào Biển Đông. Với vận tốc di chuyển, các chuyên gia khí tượng đánh giá, là “cơn bão nhanh nhất trong gần 10 năm qua”.

Thiệt hại do bão hơn 7.500 tỷ đồng, các tỉnh thiệt hại nặng nề chủ yếu là Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng,… Nhiều người chết và mất tích. Tháp truyền hình cao 180 m, trị giá hàng hàng chục tỷ đồng ở TP Nam Định bị bão quật đổ.

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 18/7, vị trí tâm bão ngay trên vịnh Bắc Bộ và cách đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km; trong tối và đêm nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cơn bão số 3 lại gọi là bão Sơn Tinh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước