Thứ sáu, 29/03/2024 04:25 (GMT+7)

Vì sao mùa hè Việt Nam ngày càng khốc liệt?

MTĐT -  Chủ nhật, 19/07/2020 17:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2020, nước ta chứng kiến nhiều đợt nắng nóng kỷ lục. Chỉ riêng tháng 6, các tỉnh Bắc Bộ đã có 21 ngày nắng nóng diện rộng. Còn ở Trung Bộ, trong tháng 6 có 27/31 ngày nắng nóng.

Miền Bắc trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt trong năm 2020.

Các tỉnh miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội vừa trải qua một đợt nắng nóng gay gắt trong tháng 7 với nền nhiệt cao từ 35-39oC.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 6/2020, các tỉnh Bắc Bộ đã có 21 ngày nắng nóng diện rộng, riêng tại Hà Nội ghi nhận đã có 26 ngày nắng nóng và đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất ở các tỉnh Bắc Bộ từ năm 1971 đến nay.

Còn ở Trung Bộ, trong tháng 6 có 27/31 ngày nắng nóng diện rộng, nhiệt độ phổ biến từ 36-39oC.

Trong đó, huyện Đô Lương (Nghệ An) có nhiệt độ cao nhất là 41,2 oC; huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là 41,1oC.

Trong tháng 6 đã ghi nhận nền nhiệt trung bình trên cả nước đều cao hơn so với nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 1-2oC.

Trong nửa đầu tháng 7, các khu vực trên phạm vi toàn quốc có nhiệt độ trung bình cao hơn nhiều năm khoảng từ 0,5-2oC, riêng các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn 2oC.

Lý giải nguyên nhân khiến mùa hè ngày càng nắng nóng khốc liệt, trao đổi với Zing, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định thời tiết Việt Nam đang nằm trong quy luật của sự nóng lên toàn cầu.

"Từ đầu năm đến nay, chúng ta liên tục ghi nhận các mức nhiệt và thời gian nắng nóng kỷ lục ở Bắc Bộ. Do tác động của biến đổi khí hậu, năm nay tiếp tục là một năm rất nóng", ông Khiêm cho biết.

Hàng ngàn hecta lúa ở Nghệ An chết cháy do nắng nóng. Ảnh: SGGP.

Theo đó, thời tiết năm 2020 được nhận định là biến động liên tục, bất thường, ghi nhận nhiều kỷ lục về cả lượng mưa và nhiệt độ.

Năm 2020 được dự báo là năm nắng nóng kỷ lục. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hồi đầu tháng 7 đã đưa ra cảnh báo, Nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên trong năm năm tới, và thậm chí có những thời điểm tăng hơn mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Hầu như mọi khu vực, ngoại trừ các đại dương ở phía Nam, đều sẽ ấm hơn so với giai đoạn từ 1981-2010. WMO dự báo miền Nam châu Phi và Australia, nơi cháy rừng hoành hành vào năm ngoái, sẽ khô hơn bình thường đến năm 2024, trong khi vùng Sahel của châu Phi sẽ ẩm ướt hơn. Châu Âu sẽ phải hứng chịu thêm nhiều trận bão, trong khi khu vực phía Bắc của Bắc Đại Tây Dương được dự báo đối mặt với nhiều cơn cuồng phong.

Còn theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, ngày 3/7, sự leo thang của các đợt sóng nhiệt khác nhau trên khắp hành tinh. Khu vực Amazon, Đông Bắc Brazil, Tây Á (bao gồm các phần của tiểu lục địa và trung tâm châu Á) và Địa Trung Hải đều trải qua sự thay đổi nhanh hơn. Khu vực có người ở duy nhất không tăng sóng niệt là miền trung nước Mỹ.

Nghiên cứu đã tìm thấy xu hướng gia tăng rõ ràng trong tổng số ngày nắng nóng trên khắp các khu vực, và sóng nhiệt đã trở nên dài hơn trong 70 năm qua.

Trong mùa nắng nóng tồi tệ nhất của Australia, đã có thêm 80 °C nhiệt tích lũy trên cả nước. Ở Nga và Địa Trung Hải, các mùa khắc nghiệt nhất bị “nướng” thêm 200 °C trở lên.

"Không chỉ chúng ta đã thấy sóng nhiệt ngày càng nhiều trên toàn thế giới trong 70 năm qua, mà xu hướng này đã tăng tốc rõ rệt", Tiến sĩ Sarah Perkins Kirkpatrick, Trung tâm nghiên cứu thời tiết cực đoan của Hội đồng nghiên cứu Australia, tác giả chính cho biết.

"Tương tự, nhiệt tích lũy cho thấy sự tăng trung bình nhiệt độ toàn cầu từ 1-4,5 °C mỗi thập kỷ, nhưng ở một số nơi như Trung Đông, một phần của châu Phi và Nam Mỹ, xu hướng lên tới 10 °C một thập kỷ", bà nói.

Bà cho rằng xu hướng này phù hợp với những gì các nhà khoa học về khí hậu đã dự báo từ lâu, sự gia tăng sóng nhiệt sẽ là một dấu hiệu rõ ràng của sự nóng lên toàn cầu. Và các nhà hoạch định chính sách cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn những tác động xấu nhất của khủng hoảng khí hậu.

“Thời gian cho sự không hành động đã kết thúc. Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ theo từng khu vực trong các đợt sóng nhiệt và sự gia tăng nhanh chóng số lượng các hiện tượng này là những chỉ số rõ ràng cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang tăng tốc”, bà Perkins Kirkpatrick nói.

Hàng ngàn năm qua, loài người đã tồn tại và phát triển chủ yếu ở những nơi có khí hậu ôn hòa, nền nhiệt không quá kinh khủng để có thể trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên theo như nghiên cứu trên thì tới năm 2070, nhiều khu vực sẽ có khí hậu nóng hơn rất nhiều so với điều kiện đủ để con người phát triển trong suốt 6000 năm qua.

Đặc biệt khí hậu thay đổi một cách rõ nét ở các vùng miền trên toàn thế giới mà ta dễ cảm nhận được cái nóng ngày càng khắc nghiệt và “khó chịu” hơn nhất nhiều so với những năm của thế kỷ 20.

Nó thể hiện rất rõ ở những con số mà các nhà khoa học đã đưa ra: 17/20 năm nóng nhất thuộc về thế kỷ 21. Vậy những năm nóng nhất đó, tính từ năm 2000, đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào.

Rõ ràng Trái đất nóng lên đã và đang là một vấn đề hết sức nghiêm trọng mà loài người đang phải đối mặt mà có lẽ trước khi bước sang thế kỷ mới này ít ai lường trước được sự việc lại có thể xảy ra nhanh và khó lường như thế này.

Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Mỹ) thì trong vòng 50 năm tới nếu cứ duy trì tốc độ tăng nhiệt như hiện nay, sẽ có ít nhất 3 tỉ người phải sống ở những nơi quá nóng để nhân loại có thể tồn tại.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao mùa hè Việt Nam ngày càng khốc liệt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.