Thứ ba, 23/04/2024 20:50 (GMT+7)

Vì sao Ninh Thuận 'khát nước' giữa mùa mưa?

MTĐT -  Thứ hai, 12/11/2018 15:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù đã bước vào mùa mưa, nhưng tình hình khô hạn tại tỉnh Ninh Thuận đến nay vẫn chưa được cải thiện, các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang dần cạn trơ đáy.

Mực nước tại các hồ tiếp tục giảm

Theo thông tin trên báo Công luận, hạn hán khiến nhiều héc-ta nho của các hộ dân tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải đang có nguy cơ chết khô, nhiều hộ dân mất cả trăm triệu đồng để đào ao chứa nước nhưng vẫn không đủ nước để tưới.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, do nắng hạn gay gắt nên tổng lượng nước ở 20 hồ thủy lợi trong toàn tỉnh hiện còn chưa đến 40 triệu m3, tương đương 20% tổng dung tích thiết kế.

Hầu hết các tuyến kênh mương nội đồng đã cạn nước từ nửa năm qua. Ngành đang tập trung nhiều biện pháp chống hạn như: tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương thủy lợi, hướng dẫn nông dân áp dụng những phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt trong sản xuất để tiết kiệm nguồn nước, gieo trồng các cây chịu hạn; tổ chức đào giếng, ao hồ dự trữ nước sinh hoạt cho người dân và nước uống cho đàn gia súc…

Dù bước vào mùa mưa nhưng nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang dần cạn đáy. Ảnh: Người đưa tin. 

Theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã có mưa tại nhiều nơi nhưng do lượng mưa ít, nên mực nước tại các hồ tiếp tục giảm dần.

Hiện tại, tổng dung tích thiết kế của 21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận là 194,49 triệu m3. Nhưng, thời điểm hiện nay chỉ còn 82,20 triệu m3, giảm 27,12 triệu m3 so với thời điểm đỉnh hạn vào đầu tháng 5. Số hồ chứa nước cạn đáy (hoặc ở mực nước chết) đã tăng lên 17 hồ.

Tình trạng hán hạn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra nhiều tháng qua. Vào hồi tháng 8 vừa qua, nhiều diện tích cây hoa màu của bà con tại xã Phước Hòa (huyện Bác Ái) bị chết khô, gây thiệt hại nặng nề.

“Vụ trước, tôi thu hoạch gần 3 tấn, bán được 45 triệu đồng, lãi gần chục triệu đồng, mùa này thì mất trắng. Mùa vụ sắp tới chắc bỏ đất hoang vì đã hết vốn để đầu tư sản xuất”, chị Pi Năng Thị Hoa (ngụ xã Phước Hòa, huyện Bác Ái) buồn rầu nói.

Dừng lễ hội Nho và Vang vì hạn hán

Mới đây, vào tháng 9/2018, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản thông báo dừng tổ chức Lễ hội Nho và Vang.

Theo đó, UBND tỉnh đã nêu lý do lễ hội không thể tổ chức được là, vì hiện nay và trong thời gian tới, tỉnh tập trung công tác ứng phó với tình hình hạn hán trên địa bàn và sẽ tổ chức vào năm 2019 khi có điều kiện thuận lợi.

Ông Báo Văn Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hòa cho biết: “Do ảnh hưởng của nắng hạn đã làm nhiều diện tích trồng bắp, lúa ở hai thôn Tà Lọt và Chà Panh chết khô khiến người dân bị thiệt hại nặng. Địa phương đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng suối Chà Panh để tăng lượng nước tưới cho bà con sản xuất.

Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh, huyện cần đầu tư hệ thống thủy lợi bài bản để bảo đảm nguồn nước tưới ổn định cho khoảng 500ha trồng ngô, lúa nước, sắn, mía, rau quả… của bà con. Có như thế, đồng bào Ra Glai nơi đây mới có điều kiện vượt qua thời điểm đói giáp hạt hàng năm và vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Hạn hán kéo dài nhiều tháng qua đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân nơi đây. Ảnh: Internet. 

Hồ trữ nước chậm tiến độ vì "đói vốn"

Ninh Thuận là địa phương có trung bình lượng mưa thấp nhất cả nước, điều này đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống người dân nơi đây. Hạn hán, thiếu nước là điều thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa khô.

Để giải quyết bài toán này, tháng 8/2010, Bộ NN-PTNT đã phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận khởi công xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tại cụm đầu mối hồ chứa nước Sông Cái (xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là công trình có quy mô nhóm A, phục vụ đa mục tiêu, trong đó nhiệm vụ chính là cấp nước tưới trực tiếp cho 4.380 ha đất canh tác và tiếp nước cho hệ thống thuỷ nông Nha Trinh - Lâm Cấm để tưới cho diện tích 12.800 ha, cấp nước nuôi trồng thuỷ sản 1.632 ha, cấp nước cho dân sinh, công nghiệp, dịch vụ và phát điện; đồng thời góp phần cải tạo môi trường sinh thái, giảm nhẹ lũ hạ lưu, phát triển bền vững vành đai kinh tế các vùng phụ cận.

Dự án có tổng mức đầu tư là 3.802 tỷ đồng; trong đó, công trình đầu mối 2.068 tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình thủy điện được đầu tư bằng các nguồn vốn phi ngân sách. Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý đầu tư, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 làm chủ đầu tư hợp phần công trình đầu mối, các hợp phần còn lại do địa phương làm chủ đầu tư.

Thời gian thi công công trình đầu mối là 5 năm, triển khai thi công từ năm 2010, hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng vào năm 2015.

Thế nhưng sau khi hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư thì công trình ngừng thi công vì thiếu vốn. Đến tháng 3/2018, công trình mới được tái khởi động.

Không chỉ tại Ninh Thuận, nếu như thời điểm này của năm trước nhiều tỉnh miền Trung đang bì bõm trong mưa lụt, nhưng vào năm nay, ngay giữa mùa mưa lại rơi vào cảnh thiếu nước.

Thông thường, từ tháng 5 đến tháng 11 là mùa mưa, thế nhưng ở Tây Giang, Quảng Nam trong 3 tháng qua hầu như không có trận mưa nào đáng kể. Nước trên lưu vực các sông A Vương, sông Bung đều khô hạn.

Các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn đang nằm dưới mực nước chết. Còn ở hạ du, như ở Hội An chẳng hạn, các năm trước Hội An thời điểm này đang bì bõm trong nước lụt, có nơi ngập đến 3m, nhưng năm nay thì mưa quá ít. Mưa giảm nên vụ đông xuân tới có thể sẽ khó khăn vì không có phù sa, sâu bệnh và nhất là chuột sẽ nhiều.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong tháng 9 và tháng 10 (2 tháng cao điểm mùa mưa) lượng mưa ở miền Trung thiếu hụt từ 50-70% so với trung bình nhiều năm, khiến nhiều hồ đập không có nước để dự trữ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Ninh Thuận 'khát nước' giữa mùa mưa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới