Thứ sáu, 29/03/2024 13:53 (GMT+7)

Vì sao Tây Nguyên và Nam Bộ mưa to bất thường chưa từng có?

MTĐT -  Thứ bảy, 10/08/2019 15:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tây Nguyên và nhiều địa phương tại Nam Bộ phải hứng chịu đợt mưa lũ chưa từng có khiến 10 người chết, hàng trăm ngôi nhà bị ngập; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị phá hoại.

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa và lũ kèm sạt lở đất tại các tỉnh Tây Nguyên đã làm chết 8 người (tỉnh Đắk Nông: 3 người, Kon Tum: 2 người, Gia Lai: 1 người, Đắk Lắk: 1 người, Lâm Đồng: 1 người).

Tổng hợp tình hình cho tới chiều 9/8, tại Đắk Lắk, trên 800 ngôi nhà bị ngập nước, giao thông bị tắc nghẽn trên nhiều tuyến đường. Mưa lớn đã khiến lũ trên sông Srêpốk đã đạt đỉnh. Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn cùng với thủy điện xả lũ khiến các xã Ea Huar, Ea Wer, Krông Na (Buôn Đôn) bị thiệt hại nặng. Hơn 145 nhà dân ngập lụt, 362 ha hoa màu bị nước nhấn chìm, hơn 1.500 gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Còn tại huyện Ea Súp, mưa lớn cũng làm 30.000 hộ dân bị cô lập do các tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt nhiều đoạn. 6.010 ha cây trồng và 585 ngôi nhà chìm trong biển nước, gần 1.400 con gia súc, gia cầm bị chết;  nhiều tuyến đường hư hỏng. Thiệt hại ước tính ban đầu là hơn 700 tỷ đồng.

Tại Đắk Nông, mưa lớn và ngập lụt khiến hàng ngàn hecta hoa màu, cà phê, tiêu của người dân các địa phương tỉnh Đắk Nông bị ngập úng.

Tây Nguyên hứng chịu đợt mưa lũ kỷ lục. Ảnh: VOV.

Tính đến thời điểm này, huyện Đắk R’Lấp là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của tỉnh. Tại xã Quảng Tín, ngày 9/8 nước lũ vẫn làm ngập nhiều tuyến đường liên thôn, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân. Bà con cho biết, so với mọi năm, thời tiết năm nay mưa ít hơn nhưng mưa lớn và kéo dài thì lâu rồi chưa thấy. Đây là lần đầu tiên ở xã Quảng Tín (huyện Đắk R’Lâp) nước dâng cao và ngập lụt như thế này.

Ngày 9/8, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết,  mực nước hồ thủy điện Đắk Ka (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp) đã hạ xuống 2,5m và đạt ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, do sự cố van xả đáy vẫn chưa thể khắc phục, nên việc xả nước vẫn phải thực hiện bằng cách xả qua đường ống áp lực. Nếu trong những ngày tới, trời vẫn tiếp tục mưa thì có thể mức độ nguy hiểm lại tăng lên.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, mưa kèm bão lũ lớn những ngày qua đã làm khoảng 1.400 căn nhà bị ngập nước, tốc mái, hư hỏng; khoảng 60 căn hư hỏng hoàn toàn; trên 12.000ha hoa màu, lúa, cà phê, sầu riêng, dâu tằm của người dân bị ngập, bật gốc, gãy đổ; trên 3.000m2 nhà kính trồng rau, hoa tại TP Đà Lạt bị tốc mái… ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Phú Quốc cũng ngập nặng

Không chỉ tại khu vực Tây Nguyên, mưa to kéo dài cũng khiến nhiều địa phương tại khu vực Nam Bộ bị ngập nặng. Từ tối 8/8 đến hết ngày 9/8, Phú Quốc trắng trời mưa dông. Mưa kéo dài liên tục khiến nhiều tuyến đường trên đảo ngọc bị ngập sâu, có nơi nước dâng cao đến đầu người, nhiều vùng bị chia cắt hoàn toàn. Đây được coi là trận mưa lớn và kéo dài nhất trong vòng 100 năm nay mà Phú Quốc phải hứng chịu.

Mưa to kéo dài cộng với triều cường dâng cao trong ngày 9/8 khiến Phú Quốc có thêm 3 xã bị ngập lụt nặng là xã Dương Tơ, Cửa Dương và xã Cửa Cạn. Tổng số hộ bị ngập lụt khoảng 7.000 hộ, trong đó có khoảng 2.000 người cần phải đi sơ tán.

Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Phú Quốc đã huy động cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang trên toàn huyện đảo tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai, mọi người dân đã được đưa đến nơi tránh trú an toàn, không có thiệt hại về người.

Đến tối ngày 9/8 các lực lượng cứu hộ đã sơ tán 2.000 dân đến nơi ở an toàn, đảm bảo không còn người nào bị mắc kẹt trong những vùng cô lập.

Sáng 10/8, ông Mai Văn Huỳnh cho biết, tại Phú Quốc mưa đã tạm ngưng và nước đã rút.

Đảo ngọc (Phú Quốc) ngập nặng do mưa to kéo dài. 

Trận mưa lớn ngày 09/8/2019 cướp đi 8.424 ngôi nhà; 1.985 người phải sơ tán; 63km đường bị ngập. Ước tổng thiệt hại 107 tỷ. Phú Quốc đã phải chịu tổn thất nặng nề chưa từng có.

Tình hình mưa lũ tại Bình Phước cũng diễn biến phức tạp trong những ngày qua. Theo vov, tại huyện Bù Đăng có 100 ha điều, cà phê, cây ăn trái và hoa màu bị nước lũ tàn phá, gây hư hỏng 13 máy nổ và xe máy. Ước tính thiệt hại riêng huyện Bù Đăng hơn 8 tỷ đồng.

Tại huyện Bù Gia Mập, mưa lũ khiến 14 người dân bị mắc kẹt trong rừng khu vực Ban quản lý rừng Đắc Mai, cuốn trôi 2 xe máy.

Thiên tai hay nhân tai?

Theo báo Người lao động, phân tích tình hình mưa lũ dồn dập trong những ngày qua ở Tây Nguyên, Nam Bộ, TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết nguyên nhân là từ ngày 6/8, một vùng áp thấp trên dải hội tụ nhiệt đới khu vực Đông Bắc biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiết đới, gió mùa Tây Nam tiếp tục hoạt động mạnh thêm nên gây mưa to trên diện rộng ở các khu vực này. Lượng mưa đo được trong đêm 6-8 đến ngày 7/8 ở khu vực phía Nam Tây Nguyên phổ biến là 80-130 mm. Riêng khu vực Eakmat và TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) xấp xỉ 225 mm; tỉnh Đắk Nông 214 mm.

Theo TS Lâm, thời gian tháng 7, tháng 8 là cao điểm của gió mùa Tây Nam trên khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương nói chung, biển Đông và Việt Nam nói riêng. Đây chính là cao điểm mùa mưa ở Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Do đó, việc mưa lớn trên diện rộng xuất hiện ở 2 khu vực này khá phù hợp với quy luật khí hậu. Tuy nhiên, với cường độ mưa lớn như trong những ngày vừa qua ở Nam Tây Nguyên là khá hiếm gặp. Chính lượng mưa lớn tập trung trong một thời gian ngắn như trên đã gây ra tình trạng lũ quét, sạt lở và ngập úng khá nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên.

Về mưa lũ bất thường ở Phú Quốc, TS Lâm nói thêm nguyên nhân trực tiếp là do hoạt động rất mạnh của gió mùa Tây Nam. Theo đó, gió mùa hoạt động mạnh ở Úc, thổi vượt qua xích đạo làm cho gió mùa Tây Nam ở khu vực Việt Nam, biển Đông liên tục mạnh trong thời gian vừa qua, gây ra mưa to đến rất to trên diện rộng ở Tây Nguyên, Nam Bộ và đặc biệt là khu vực đảo Phú Quốc.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chia sẻ với Zing, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá tình hình ngập lụt mấy ngày qua ở 2 thành phố du lịch là hệ quả của quan niệm phi khoa học trong quản lý đô thị của chính quyền. Đà Lạt là thành phố cao nguyên lẽ ra không bao giờ ngập, còn Phú Quốc ở sát biển nên nước phải thoát nhanh nhưng lại ngập nặng là điều không logic khi xét đến yếu tố địa hình.

Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân ngập xuất phát từ công tác quy hoạch chưa bền vững, thiếu không gian dành cho nước. Không chỉ Đà Lạt hay Phú Quốc mà nhiều đô thị ở Việt Nam cũng bỏ qua chỉ tiêu này dù nó rất quan trọng.

Kiến trúc sư Nam Sơn nhận định xu hướng Phú Quốc và Đà Lạt phát triển theo tư duy mét vuông rất nguy hiểm bởi nó không chỉ hình thành nên những khu du lịch rẻ tiền mà các tác động sống đến môi trường, chất lượng sống người dân.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Tây Nguyên và Nam Bộ mưa to bất thường chưa từng có?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới