Thứ năm, 28/03/2024 22:49 (GMT+7)

Vì sao thiên tai thiên tai bão, lũ tại miền Bắc ngày càng phức tạp?

MTĐT -  Thứ hai, 23/07/2018 12:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ trong vòng 1 tháng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã phải hứng chịu 2 trận mưa lũ lịch sử khiến hàng chục người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Thiên tai nối tiếp thiên tai

Cơn bão Sơn Tinh đổ bộ vào đất liền gây mưa to kéo dài cho các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, trong đó có Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, riêng tại Yên Bái ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 270 tỷ đồng.

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, tính đến hết ngày 22/7, mưa lũ những ngày qua đã làm 19 người chết (Yên Bái 11 người, Sơn La 2 người, Lào Cai 1 người, Phú Thọ 1 người, Hòa Bình 1 người, Thanh Hóa 2 người). Và có 11 người vẫn còn mất tích (Yên Bái 6 người, Sơn La 1 người, Phú Thọ 1 người, Thanh Hóa 3 người).

Mưa lũ cũng làm gần 220 nhà bị sập, gần 9.600 nhà bị ngập, hơn 5.500 nhà bị hư hỏng phải di dời khẩn cấp, tập trung ở các địa phương: Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An… Hàng ngàn ha hoa màu bị ngập trong biển nước.

Mưa lũ ở Lai Châu hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: CAND.

Trong khi đó, chỉ cách đó chưa đầy 1 tháng trận mưa lũ ở miền núi phía Bắc đã làm 23 người chết, 10 người mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 458,7 tỷ đồng.

Cụ thể, theo Dân trí, tính đến ngày 28/6 có 33 người chết và mất tích, trong đó 23 người chết (Hà Giang: 5 người chết do sập nhà, lũ cuốn trôi; Lai Châu: 16 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập; Quảng Ninh: 1 người bị lũ cuốn trôi; Lào Cai: 1 người bị lũ cuốn trôi); 10 người mất tích do lũ cuốn trôi (Lai Châu: 9 người và Điện Biên: 1 người).

Mưa lũ còn làm 161 nhà bị đổ, trôi (Hà Giang: 39 nhà; Lai Châu: 98 nhà; Thái Nguyên: 24 nhà); 958 nhà bị hư hỏng, thiệt hại; 1.816 nhà bị ngập nước… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 458,7 tỷ đồng.

Và chỉ trong năm 2017, thiên tai cũng đã “cuốn trôi” của Việt Nam trên 60.000 tỷ đồng. Thực tế này đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, vì sao thiên tai xảy ra trên phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng đến như vậy?

Không phải hoàn toàn do biến đổi khí hậu

Từng lý giải về nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề từ bão, lũ với báo Giao thông, GS. Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, những thiệt hại trên không hoàn toàn do dự báo cũng như do biến đổi khí hậu.

Ông cho rằng, ảnh hưởng của BĐKH chỉ có thể được hiểu là có thể làm gia tăng tính bất thường của thời tiết, làm cho công tác dự báo khó khăn hơn, phức tạp hơn. Thông tin dự báo về đợt mưa gây lũ lụt vừa qua mặc dù còn nghèo nàn, mang định tính nhiều hơn là định lượng, nhưng không quá sai lệch so với thực tế. Mưa lớn xảy ra ở Tây Bắc vào tháng 6 gây lũ lụt cũng không phải bất thường. Vậy, thiệt hại ở đây không hoàn toàn do dự báo cũng như do BĐKH.

Mưa lũ khiến 3 căn nhà ở Thanh Hóa bị san phẳng. Ảnh: Tiền Phong. 

Thứ hai, “hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai” có thể được hiểu là “dự báo, cảnh báo” các loại thiên tai có thể xảy ra, bao gồm cả động đất, sóng thần... Thiên tai do thời tiết cũng có nhiều loại từ: Bão, mưa lớn gây lũ lụt, lốc xoáy, mưa đá, rét đậm, rét hại, nắng nóng... Mỗi loại như vậy sẽ để lại các hậu quả khác nhau.

Trên thực tế chúng ta chưa có hệ thống này một cách đúng nghĩa, cho nên không thể nói: “... do hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai chưa đáp ứng được so với yêu cầu”, cũng như đưa ra “nhận định về chất lượng dự báo, thiên tai”.

Thứ ba, đối với các bản tin dự báo thời tiết, có nhiều hiện tượng thời tiết do bản chất của nó. Với dự báo mưa, việc đưa ra bản tin có tính định tính là tương đối đáp ứng được yêu cầu. Nhưng việc dự báo mưa định lượng đang còn là một thách thức lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước tiên tiến. Dự báo được mưa bao nhiêu milimet, mưa ở đâu, vào thời điểm nào... vẫn đang còn phải được đầu tư nghiên cứu.

Công tác dự báo chưa chính xác

Từng phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề thắc mắc của đại biểu Quốc hội hồi tháng 10/2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận công tác dự báo thiên tai còn chưa chính xác.

Cụ thể, theo dẫn lời Bộ trưởng Bộ TN&MT, báo Kiến thức đưa tin: “Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua, trong đó có công tác về dự báo chưa chủ động, chưa chính xác liên quan đến dự báo định lượng về lượng mưa, về lũ ống và lũ quét. Bên cạnh các nguyên nhân khác cũng được chỉ rất rõ như tình trạng bị mất rừng, công tác quy hoạch bố trí dân cư và đặc biệt khâu người dân đã di cư và bố trí nhà cửa sản xuất vào những khu vực hết sức nhạy cảm liên quan đến các hiện tượng này”.

Yên Bái là địa phương hứng chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: NLĐ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, trên thực tế công tác dự báo định lượng mưa và đặc biệt là công tác dự báo liên quan đến lũ quét, sạt lở đất thì khoa học hiện nay và các nước tiên tiến mới giải quyết được dự báo trên diện rộng, dự báo trong điều kiện cực đoan cũng như dự báo trong một khu vực cụ thể.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao thiên tai thiên tai bão, lũ tại miền Bắc ngày càng phức tạp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.