Thứ sáu, 29/03/2024 12:36 (GMT+7)

CCN Di Trạch (Hoài Đức): Nhức nhối tình trạng ô nhiễm môi trường

Trúc Mai -  Thứ năm, 13/09/2018 09:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống đang là mối lo ngại của người dân và cả chính quyền xã Di Trạch – Hoài Đức.

Được biết, theo quyết định số 5577/QĐ-UBND ngày 14/7/2008 của UBND huyện Hoài Đức về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điểm công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Di Trạch, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội.

Cụm công nghiệp Di Trạch là cụm công nghiệp có quy mô nhỏ. Tổng diện tích quy hoạch là 9,99ha. Với ngành nghề hoạt động chính là: sản xuất chế biến gỗ, thép thủ công mỹ nghệ, gia công cơ khí, bánh kẹo và chế biến nông sản, may công nghiệp…

Cụm công nghiệp Di Trạch ( xã Di Trạch - Hoài Đức).

Đi vào hoạt động từ năm 2013, cụm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có khoảng 26 doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh. Sau nhiều năm hoạt động, Cụm công nghiệp Di Trạch vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung nên các doanh nghiệp sản xuất mặc sức xả thẳng nước thải chưa đảm bảo ra môi trường khiến người dân xung quanh khốn khổ.

Bên cạnh CCN xã Di Trạch là một con mương vốn có nguồn nước rất trong là hệ thống tưới tiêu chính của khu vực hai xã Di Trạch và Vân Canh, nhưng từ khi CCN đi vào hoạt động, mương tiêu nước bị nhuộm đen bởi nước thải chứa chất kim loại nặng không qua xử lý, đổ trực tiếp hàng ngày.

CCN Di Trạch hiện có 18 doanh nghiệp thuê đất và hoạt động sản xuất, trong đó có 3 doanh nghiệp sản xuất sơn là Công ty Cổ phần Info Việt Nam, Công ty Cổ phần Sơn Jymec Việt Nam, Công ty Facomax Việt Nam. Theo người dân thì 3 doanh nghiệp sản xuất sơn là những cơ sở hoạt động xả thải nhiều nhất, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường tại đây trong thời gian vừa qua.

Kênh T 27 nước nổi váng đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Có mặt tại CCN xã Di Trạch, phóng viên ghi nhận con mương tưới tiêu xã Di Trạch có màu xanh đen, mùi hắc bốc lên rất khó chịu từ nước thải của các công ty trong CCN được xả thải thẳng ra kênh T2-7, bao quanh hai bên hông và phía sau CCN Di Trạch. Toàn bộ nước của kênh đen ngòm, bề mặt nổi váng dầu và bọt. Bất kỳ ai đi qua khu vực này cũng phải bịt mũi vì mùi hôi thối. Còn trước mặt CCN là tuyến đường 422B và mương nước cũng bị ô nhiễm nặng không kém kênh T2-7.

Nguồn nước ô nhiễm, khiến cá cũng không thể tồn tại được.

Theo người dân sinh sống tại đây cho biết, nhiều năm nay, người dân tại các thôn quanh CCN đã liên tục gửi đơn kêu cứu, khiếu nại đến chính quyền xã và cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm do CCN này gây ra, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Ngày trước, con mương này luôn trong sạch, hàng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên tưới rau bằng nước mương. Nhưng kể từ khi CCN Di Trạch đi vào hoạt động, con mương bốc mùi hôi thối nồng nặc. Không hiểu các công ty họ xả cái gì mà con mương lại ô nhiễm như vậy”, một người dân bức xúc nói.

Trước đây, tại khu vực này, nhiều người dân có ruộng chuyển thành vườn trồng cây ăn quả. Từ ngày các doanh nghiệp đi vào hoạt động, họ không dám dùng nước kênh T2-7 để tưới cây nữa. Khi tưới bằng nước kênh, cây ổi và táo cũng bị héo úa cằn cỗi rồi chết.

Liên quan đến vấn đề trên, PV Môi trường và Đô thị điện tử Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Di Trạch. Ông Mạnh cho biết: “CCN Di Trạch từ khi đi vào hoạt động đến nay không có hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm nguồn nước. Người dân cũng đã phản ánh rất nhiều về tình trạng này. Nhưng về phía xã không đủ thẩm quyền để xử lý. Chúng tôi cũng đã lập biên bản và báo cáo lên huyện và chờ phương án giải quyết. Chúng tôi cũng rất mong huyện và thành phố sớm có phương án để xử lý dứt điểm vấn đề nêu trên”.

Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp tại điểm công nghiệp xã Di Trạch hoạt động gây ô nhiễm môi trường, huyện Hoài Đức và Thành phố cần phải có những biện pháp thực sự cứng rắn. Việc này sẽ trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Pháp luật Việt Nam có nhiều các văn bản pháp luật, nghị định xử phạt liên quan đến việc vi phạm quy định về xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Theo đó, mức phạt hành chính đối với việc xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường được quy định cụ thể tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Xả nước thải vượt qua quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 2 lần thì bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến năm triệu đồng nếu lượng nước thải nhỏ hơn 05m3/ngày; Xả nước thải vượt quy chuẩn chất thải từ 2 lần đến dưới 5 lần thì bị phạt thấp nhất là mười triệu đến dưới hai mươi triệu nếu lượng chất thải nhỏ hơn 05m3/ngày. Tương tự như vậy, lượng chất thải càng lớn thì số tiền càng tăng.

Bạn đang đọc bài viết CCN Di Trạch (Hoài Đức): Nhức nhối tình trạng ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới