Thứ sáu, 19/04/2024 21:18 (GMT+7)

Chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn

MTĐT -  Thứ sáu, 01/03/2019 11:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Loại bỏ một sản phẩm đã trở thành thói quen sử dụng của con người là một việc khó, ngay cả sản phẩm đó rất có hại cho sức khỏe, cho môi trường.

“Gậy ông đập lưng ông”

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có khoảng 5.000 tỉ túi nilon được sử dụng trên toàn thế giới và có khoảng 13 triệu tấn nhựa từ loại túi này được thải ra môi trường. Điều này không những làm ô nhiễm môi trường mà còn tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Các chuyên gia đã phân tích, nếu thải túi nilon ra biển, các phân tử độc hại sẽ hấp thụ vào cá qua việc chúng “ăn” loại “thức ăn” đó. Sau đó con người ăn lại cá và như vậy chính là chúng ta đã “gậy ông đập lưng ông”, gián tiếp đưa phân tử độc hại vào cơ thể, làm sức khỏe bị tổn thương nghiêm trọng.

Mặt khác, các loại túi nilon này phải mất đến 500 năm để phân hủy. Trong suốt thời gian chôn lấp dưới đất, túi nilon gây ô nhiễm môi trường đất nghiêm trọng. Hoặc khi đốt (đốt rác), túi nilon thải ra nhiều chất độc, khí độc, con người hít phải cũng ảnh hưởng đến sức khỏe với hậu quả khôn lường. Túi nilon cùng hàng loạt rác thải nhựa khác, trôi ra biển, tạo thành những “đợt sóng” rác khổng lồ, như ở Đông Bắc Thái Bình Dương lượng rác này còn lớn hơn cả diện tích của Pháp, Đức, Tây Ban Nha cộng lại.

Rác thải có rất nhiều túi nilon.

Túi nilon đang trở thành thảm họa của môi trường. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày xả thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Theo các chuyên gia xả thải rác nhựa chưa dừng lại mà còn tiếp tục tăng do giao thương ngày càng nhiều hơn, phát triển hơn. Trước mắt cần giảm thiểu, sau đó mới loại bỏ hẳn thói quen sử dụng túi nilon đựng hàng hóa, thực phẩm…, các chuyên gia đang cố gắng đi tìm những giải pháp trên cơ sở tâm lý tiêu dùng của người dân.

Khó nhưng cũng phải làm

Đưa ra giải pháp để từ bỏ túi nilon tại Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội thẳng thắn nêu quan điểm: “Làm sao để giá thành túi nilon sạch (túi có thể tiêu hủy được trong thời gian ngắn, thân thiện với môi trường) phải rẻ hơn túi nilon bẩn, lúc đó không cần nói thì người ta cũng chủ động bỏ túi nilon bẩn”.

Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay nilon bẩn chỉ có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi nilon sạch đắt gấp 3 lần. Với chi phí này, để người dân chuyển sang sử dụng túi nilon sạch, dễ tiêu hủy còn nhiều khó khăn. “Quan điểm của tôi, chúng ta không nên áp dụng biện pháp hành chính, mà phải dùng biện pháp kinh tế và có hình thức động viên khen thưởng đối với người tiêu dùng. Ở các nước châu Âu, nếu người dân nhặt được 10 chai nhựa thì họ được miễn phí đi xe bus trong bán kính 3km. Tại sao chúng ta không áp dụng như vậy mà lại đi xử phạt tới 20 triệu đồng nếu người dân không phân loại rác như ở TP Hồ Chí Minh. Càng làm như vậy thì việc chuyển đổi hình thức sử dụng để từ bỏ túi nilon sẽ càng khó khăn”, ông Phú phân tích.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường nhận định, đối với chất thải là túi nilon nên hướng chủ yếu vào các giải pháp kinh tế. Các loại giải pháp khác (kể cả hành chính) là bổ sung, hỗ trợ. Theo ông Hiền, cần cả 2 loại giải pháp kinh tế là công cụ thị trường và trợ giá. Ông Hiền nói: “Về công cụ thị trường, đó là quan hệ cung - cầu và giá cả. Cần tăng cường cung cấp cho thị trường loại túi nilon thân thiện môi trường, đồng thời hạn chế sản xuất và cung ứng loại túi nilon khó phân hủy. Năng lực sản xuất loại túi nilon thân thiện môi trường ở nước ta được đánh giá là khả thi với công nghệ trong nước, đã đưa ra thăm dò thị trường một số năm gần đây nhưng kết quả chưa nhiều vì lý do chưa cạnh tranh được với loại túi nilon khó phân hủy đang thông dụng hiện nay về giá cả”.

Nói về vấn đề này, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng: “Giờ đây, đi về làng quê nào cũng thấy túi nhựa ngổn ngang. Nhưng nếu ngay lập tức cấm sử dụng túi nhựa, túi nilon thì ngành nhựa sẽ gặp khó khăn. Chúng ta cần phải hạn chế dần dần. Trước mắt chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, khuyên người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ nên thay đổi thói quen sử dụng túi nilon. Khi đi chợ thay bằng sử dụng túi nilon, các bà nội trợ nên mang làn nhựa để tránh sử dụng túi nilon tràn lan”.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, giải pháp mà ông Trung đưa ra cần có lộ trình để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi chứ không thể nói hôm nay, mai làm. Ông giải thích: “Không thể hôm nay nói, ngày mai từ bỏ túi nilon ngay. Vì còn bao nhiêu nhà máy sản xuất nhựa, vốn liếng họ đã đổ vào đó, đằng sau đó là hàng trăm công nhân và gia đình của họ… Vô vàn những khó khăn hiện hữu nếu lập tức từ bỏ túi nilon. Cho nên chúng ta phải thực hiện từ từ theo từng giai đoạn và phải xác định khó cũng phải làm để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe”.

“Chốt” vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, “Việt Nam nên thí điểm không sử dụng túi nilon trong các siêu thị. Tuy nhiên, đi đôi với đó chúng ta phải cho cơ chế về phí - thuế cho túi nilon sạch phát triển lâu dài. Còn biện pháp không cho siêu thị sử dụng túi nilon bẩn chỉ là khơi mào cho vấn đề tư tưởng, chứ biện pháp này không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài”.

Theo Petrotimes

Bạn đang đọc bài viết Chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...