Thứ ba, 19/03/2024 08:59 (GMT+7)

Công ty CP Vissai Hà Nam lại tiếp tục gặp sự cố về môi trường

Xuân Lĩnh - Cao Sơn -  Thứ hai, 07/10/2019 16:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quá trình sản xuất, Công ty CP Vissai Hà Nam đã nhiều lần xảy ra sự cố khiến khói bụi chưa qua xử lý thoát ra ngoài không khí gây ảnh hưởng đến môi trường.

Tập đoàn The Vissai (Vissai Group) được thành lập tháng 2/2009 (tiền thân là Công ty TNHH Xi măng Vinakansai, trực thuộc Công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại sản xuất Hoàng phát) do ông Hoàng Mạnh Trường làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Ngọc Oánh làm Tổng Giám đốc. Trụ sở được đạt tại Lô C7-Cụm Công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Sau khi được thành lập, để khẳng định sự ưu thế và chiếm lĩnh thị trường xi măng trên cả nước, Vissai Group đã liên tiếp xây dựng các dây chuyền sản xuất xi măng với công suất lớn tại Ninh Bình và Hà Nam và mua lại các nhà máy xi măng khác trên cả nước. Tuy nhiên, tại các nhà máy sản xuất xi măng của Vissai Group đặt tại huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh  Bình) và huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay đã có nhiều ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh.

Một trong những dây chuyền nhà máy xi măng của Vissai Group gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân phải kể đến là nhà máy xi măng Vissai Hà Nam (thuộc Công ty CP Vissai Hà Nam – trực thuộc Vissai Group).

Công ty Cổ phần The Vissai Hà Nam (tại xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) thành lập từ năm 2010 với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, ngành nghề sản xuất chính là xi măng PC 30, 40, 50 và clinker thương phẩm.

Kể từ khi nhà máy này đi vào hoạt động cho tới nay đã 2 lần xảy ra sự cố khiến hàng triệu m3 khói bụi độc hại chưa qua xử lý phát tán ra môi trường.

Lần xảy ra sự cố gần đây nhất là giữa tháng 9/2019. Khi đó, đang trong quá trình hoạt động thì hệ thống của nhà máy xi măng Vissai Hà Nam gặp sự, cố phát ra một tiếng nổ lớn. Sau đó, ước chừng hàng triệu m3 khói bụi độc thại đã phát tán ra môi trường xung quanh khiến cho một số xã lân cận của nhà máy này chìm trong khói bụi.

Xác nhận với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Đinh Văn Đoàn – Chủ tịch xã Thanh Tân (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) cho hay: “Sau khi phát hiện sự việc chúng tôi đã có mặt và báo cáo nhanh lên Công an môi trường tỉnh Hà Nam để xuống xử lý. Với sự việc này thì vấn đề môi trường của khu vực này cũng bị ảnh hưởng và gây ô nhiễm môi trường đối với người dân nơi đây...”.

Hình ảnh hôm xảy ra sự việc (ảnh cắt từ clip).  

Cũng theo ông Đoàn, tình trạng này đây là lần thứ 2 xảy ra. Còn vấn đề người dân phản ánh công ty xả thải vào ban đêm thì ông Đoàn cũng cho hay đến nay vẫn chưa nhận được người dân phản ánh.

Không chỉ tại nhà máy Vissai Hà Nam gây ô nhiễm, mà tại nhà máy xi măng The Vissai Ninh Bình (KCN Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cũng đang ngày đêm làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Ghi nhận của PV tại khu vực xung quanh nhà máy này cho thấy, luôn có một lớp khói bụi dày đặc bám vào các cây xanh và nhà dân xung quanh. Trên nhiều tuyến đường chạy xung quanh nhà máy, những ngày nắng thì bụi bay mù mịt, còn ngày mưa thì lầy lội.

Để làm rõ vấn đề này PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phúc Chuẩn, người đại diện pháp luật công ty Công ty CP Vissai Hà Nam.

Theo ông Chuẩn, sau khi sự việc xảy ra các cơ quan liên quan cũng đã đến làm việc. Còn kết quả thế nào thì phía công ty không biết.

"Sự cố xảy ra bụi đã bay vào núi còn người dân không ảnh hưởng…”, ông Chuẩn khẳng định.

Ông Chuẩn khẳng định sự việc không ảnh hưởng gì đến môi trường nhưng chính quyền địa phương nơi đây thì lại nói ngược lại.

Thiết nghĩ, với một sự việc xảy ra như vậy mà người đại diện pháp luật của Công ty CP Vissai Hà Nam lại cho rằng không ảnh hưởng đến môi trường thì phải chăng là lời nói quá chủ quan?

Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc xả thải tại các nhà máy xi măng của Vissai Group gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, thì việc vận chuyển nguyên vật liệu để phục vụ cho việc sản xuất cho các nhà máy của Vissai Group cũng khiến người dân bức xúc.

Ngoài ra, theo tìm hiểu thì Vissai Group còn đang làm chủ đầu tư của đồ án Quy hoạch khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình (nằm trên 7 xã của 2 huyện tỉnh Ninh Bình) với quy mô gần 2.000 ha, phần lớn diện tích đều nằm trong vùng thoát lũ của sông Hoàng Long.

Trong dự án có hạng mục sân golf.  Điều này cũng dấy lên không ít lo ngại về ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước cho dân cư hạ du.

Được biết, sông Hoàng Long là nơi cung cấp chính nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hàng chục nghìn người dân của tỉnh Ninh Bình.

 Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Bạn đang đọc bài viết Công ty CP Vissai Hà Nam lại tiếp tục gặp sự cố về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đà Nẵng hưởng ứng ngày hội Clean day 2024
Hoạt động do Hội yêu rác Đà Nẵng tổ chức. Các thành viên tham gia chia thành từng nhóm nhỏ, vừa đi bộ vừa nhặt rác tại khu vực từ cầu Trần Thị Lý đến cầu sông Hàn

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.