Thứ sáu, 29/03/2024 16:18 (GMT+7)

Cuộc “khủng hoảng” rác

MTĐT -  Thứ ba, 15/01/2019 15:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ 3 ngày, người dân sống xung quang bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) chặn đường không cho xe vào bãi rác đã cuộc sống của hàng triệu người dân nội thành Hà Nội bị đảo lộn vì "khủng hoảng rác".

Rác ùn ứ suốt 3 ngày khiến Thủ đô vốn được xem là xanh, sạch, đẹp bỗng chốc trở lên ngập rác. Nhiều tuyến phố ở các quận nội thành xuất hiện những đống rác sinh hoạt ùn ứ, chất cao như núi, rác thải tràn lan vỉa hè, chất đầy trên những xe thu gom rác mà không có xe đến thu gom chở đi khiến nhiều nơi bốc mùi hôi thối.

Ngay lập tức cuộc sống của người dân thủ đô bị ảnh hưởng khốn khổ khi những đống rác sinh hoạt đồng loạt bốc mùi, nhất là những nhà sống ngay cạnh những điểm tập kết rác.

Người dân địa phương cho biết, họ chặn xe chở rác như vậy cũng là vì bất đắc dĩ, hàng chục năm qua, từ khi bãi rác Nam Sơn đi vào hoạt động, hàng ngày họ phải chịu mùi hôi thối từ bãi rác, rồi ốm đau, bệnh tật, ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa tính mạng của họ. 

Rác ngập khắp con đường nội thành Hà Nội trong những ngày qua. Ảnh: Internet. 

Theo người dân, hiện vẫn còn rất nhiều gia đình nằm trong bán kính bị ảnh hưởng độc hại bởi rác thải nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng của TP Hà Nội di dời, đền bù thỏa đáng nên dẫn đến việc người dân bức xúc như hiện nay.

Sau 3 ngày lập chốt chặn xe, đến 17h chiều ngày 14/1 người dân 2 xã Nam Sơn và Hồng Kỳ đã tiến hành tháo dỡ 2 lều bạt còn lại chặn đường dẫn vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn.

Tuy nhiên, theo người dân xã Hồng Kỳ và Nam Sơn trong làng hiện còn có nhiều người đang mắc phải các bệnh viêm xoang, viêm mũi…, do ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn. Nếu chính quyền các cấp không vào cuộc di dời, đền bù cho những hộ đang bị ảnh hưởng đến khu định cư an toàn thì họ tiếp tục chặn xe rác di chuyển vào khu xử lý chất thải Sóc Sơn.

Liên quan đến sự việc, trước đó, liên quan đến sự việc, ngày 13/1, UBND TP Hà Nội đã gửi công văn hỏa tốc đến các sở ngành, UBND huyện Sóc Sơn giao nhiệm vụ cụ thể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Đặc biệt tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận huyện diễn ra vào sáng ngày 14/1, sau khi nghe lãnh đạo Sở  Xây dựng Hà Nội báo cáo tình hình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Xây dựng và huyện Sóc Sơn khẩn trương phối hợp để trong ngày hôm nay có thể vận chuyển được rác vào bãi.

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội xảy ra cuộc “khủng hoảng rác”, vào tháng 9/2017, người dân sinh sống cạnh Khu xử lý rác thải Nam Sơn cũng chặn xe chở rác nhiều ngày liên tiếp không cho vào khu xử lý rác thải khiến hàng trăm tấn rác tồn đọng khắp thị xã Sơn Tây và các quận, huyện nội thành.

Người dân lập chốt chặn không cho xe chở rác vào bãi. 

Được biết, những năm qua, chính quyền TP Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân vùng ô nhiễm như gửi tiền trợ cấp theo đầu người, ưu đãi về dịch vụ y tế, miễn phí nước sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng... Nhưng người dân nơi đây cho biết tất cả không đấm vào đâu so với những gì mà họ phải chịu đựng.

Chính quyền TP. Hà Nội cũng thấy việc di dời người dân ra xa bãi rác là giải pháp tất yếu. Điều này được cụ thể hóa bằng việc Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về địa phương năm 2016 và tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc di dời, tái định cư cho các hộ dân trong vòng bán kính 500 m quanh bãi rác.

Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua, người dân vẫn đang tiếp tục chờ đợi và bãi rác thì ngày một phình to ra và ngày càng ô nhiễm.

Không chỉ tại Hà Nội, tình trạng dân chặn đường không cho xe vào bãi rác đã vì ô nhiễm môi trường đã xảy ra tại nhiều đại phương. Suốt hơn 1 năm qua “khủng hoảng rác” cũng làm đảo lộn cuộc sống của người dân Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP. HCM, Hà Tĩnh…

Thực tế, những cuộc “khủng hoảng rác” xảy ra suốt thời gian qua không chỉ đơn thuần là chuyện của những cọng rác và bãi chôn lấp rác mà nó bộc lộ nhiều vấn đề ngay trong khâu quản lý.

Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: Internet. 

Cuộc khủng hoảng rác thải lần này sẽ khiến chính quyền Hà Nội hiểu rằng, lời hứa với dân về việc đền bù, di dời dù là “dân bãi rác” cần phải được tôn trọng. Việc “hứa cho xong” sẽ chỉ khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn.

Thế nhưng, trước thực trạng dân số ngày càng tăng, rác thải ngày càng nhiều thì việc chính quyền TP. Hà Nội và những tỉnh, thành phố khác cần phải có một giải pháp lâu dài và bền vững hơn trong khâu xử lý rác.

Bởi, theo các con số thống kê được đưa ra tháng 9/2018, lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.000 tấn. Lượng rác thải tại Hà Nội tập trung đủ loại từ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng...

Điều đáng nói, lượng rác nhiều với cách xử lý thủ công (chôn lấp) đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến các khu vực dân cư xung quanh bãi rác.

Tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đã có nhà máy đốt rác Nedo được xây dựng theo công nghệ Nhật Bản, tuy nhiên công suất đốt rác chỉ đạt 75 tấn mỗi ngày/đêm. Điều này đồng nghĩa với việc không thể xử lý hết số lượng rác thải lên đến hàng nghìn tấn mỗi ngày.

Được biết, quy trình xử lý rác hiện nay vẫn là biện pháp truyền thống bằng chôn lấp. Trong đó, 95% rác thải được chôn lấp ở các bãi chứa thải.

Thực tế cho thấy, phương pháp này đơn giản đỡ tốn kém nhưng hao tốn tài nguyên đất kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường ở cả không khí lẫn nguồn nước.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cuộc “khủng hoảng” rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.