Thứ năm, 28/03/2024 22:04 (GMT+7)

Thuỷ triều đen tấn công hòn đảo “thiên đường” trên Ấn Độ Dương

Trần Hưng -  Thứ năm, 13/08/2020 17:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đảo Maurice, Ấn Độ Dương, thường được mệnh danh là một "thiên đường du lịch" đang bị thủy triều đen đe dọa.

Từ không gian, hình ảnh vệ tinh đã cho thấy tàu MV Wakashio đã vượt qua Ấn Độ Dương và đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Mauritius vào ngày 23/7 trước nửa đêm theo giờ địa phương, 2 ngày trước khi nó dừng lại vào lúc 19h15 ngày 25/7, theo giờ địa phương. Tàu MV Wakashio của Nhật mắc cạn trên rạn san hô ở Mauritius ngày 25/7. Con tàu bắt đầu vỡ ra 13 ngày sau đó vào ngày 6/8, rò rỉ 1.000 tấn nhiên liệu vào Ấn Độ Dương.

Đảo Maurice, Ấn Độ Dương, thường được mệnh danh là một “thiên đường du lịch” đang bị thủy triều đen đe dọa.

Đây là vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử đảo san hô và có thể gây ra sự tuyệt chủng của nhiều loài thực vật, chim quý hiếm và động vật hoang dã chỉ có trên đảo.

Theo thông tin từ Mauritius cho biết con tàu MV Wakashio của Nhật chở gần 4.000 tấn nhiên liệu và các vết nứt xuất hiện ở phần thân tàu. Khoảng 1.000 tấn dầu đã chảy xuống biển. Hơn 2.000 tấn còn lại có nguy cơ thoát ra ngoài bất cứ lúc nào. “ Thủy triều đen” đe dọa sự sống của các rạn san hô là vẻ đẹp trời cho của đảo,  cũng là lá chắn tự nhiên giúp hòn đảo tồn tại giữa đại dương mênh mông.

Thủ tướng Mauritius, ông Pravind Jugnauth đã ban bố “tình trạng khẩn cấp môi trường” vào đêm 7/8 khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy vệt đen loang rộng trong vùng nước xanh lam gần những khu vực môi trường được chính phủ đánh giá là “rất nhạy cảm”.

Các tổ chức phi chính phủ, tình nguyện viên và chính phủ đang chạy đua với thời gian để giải cứu thảm họa giữa lúc tình hình đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết khi tàu có nguy cơ bị gãy làm đôi.

Các câu hỏi đang được đặt ra về việc điều này đã xảy ra thế nào, có thể được ngăn chặn hay không, và quan trọng hơn là bây giờ phải làm gì để ngăn chặn thảm kịch tương tự có thể xảy ra ở các nơi khác trên thế giới.

Hình ảnh dầu từ tàu MV Wakashio bị rò rỉ xuống Ấn Độ Dương ở Mauritius.Ảnh: Associated Press

Đảo Maurice với nhiều bãi cát mịn trắng trải rộng đến chân trời, nước biển hiền hoà trong suốt, là nơi có rừng san hô dưới biển dài 150 km, với gần 200 loài san hô, chiếm một phần tư tổng số san hô được biết đến trên thế giới. Tai nạn xảy ra ngay sát hai địa điểm được xếp hạng và bảo vệ, mũi Esny và khu bảo tồn thiên nhiên Blue Bay, phía nam đảo.

Đảo Maurice, Ấn Độ Dương, thường được mệnh danh là một "thiên đường du lịch" hìnhảnh cho thấyDầu từ tầu Nhật Bản MV Wakashio mắc cạn tràn vào bờ biển đảo Maurice. Ảnh chụp ngày 11/08/2020. REUTERS - STRINGER

Tại mũi Esny, có một vùng rừng sú vẹt cận nhiệt đới, được xếp vào “vùng rừng ẩm ướt có tầm quan trọng quốc tế” (theo Công ước Ramsar), nơi trú ngụ của nhiều loài chim quý, nơi sinh sản của cá. Khu bảo tồn Blue Bay có một đời sống thực vật và động vật dưới biển phong phú, với tổng cộng 38 loại san hô, 72 loài cá, và giống rùa xanh hiếm quý đang trên đường tuyệt chủng. Trên đảo cũng có khu rừng nguyên sinh Bel Ombre, được UNESCO xếp hạng “khu dự trữ sinh quyển” của thế giới, nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý. 

San hô vốn đã suy yếu nặng nề

Thảm họa này là “một đòn nặng nề giáng vào các khu vực vốn đã bị các hoạt động của con người đe dọa, như khai thác hải sản quá mức, du lịch hay các hành động phá hoại môi trường khác”, theo nhận định của nhà sinh học Arnaud Greth, chủ tịch Hiệp hội Noé, mạng lưới toàn cầu chuyên bảo vệ đa dạng sinh thái, với báo Pháp l’Express.

Cũng như nhiều khu vực đại dương khác, san hô ở đảo Maurice không tránh khỏi tình trạng bị tẩy trắng, do khí hậu bị hâm nóng, nước biển bị axit hoá. Theo một điều tra riêng tại mũi Anse la Raie (cực bắc của hòn đảo) vào năm 2009, san hô từ 60% diện tích mặt biển vào năm 2004, giảm xuống chỉ còn 5% (theo Fondation Goodplanet). Quá trình san hô bị tiêu diệt diễn ra không ngừng. Viện Hải dương học đảo Maurice, trong một thông tin hồi năm 2010, cho biết các rạn san hô xung quanh đảo đã mất đến tổng cộng gần 50% diện tích.

Theo một nghiên cứu của Viện Hải dương học Úc, công bố tháng 6/2020 trên Science, dưới tác động của riêng hai nhân tố, khí hậu hâm nóng và axit hoá, mức độ độc hại của ô nhiễm dầu trên biển đối với san hô sẽ tăng gấp 3 lần. Cùng với nhân tố tia cực tím, độ độc hại của ô nhiễm dầu sẽ tăng gấp hơn 7 lần. Các hậu quả đối với san hô đảo Maurice hứa hẹn sẽ rất nghiêm trọng.

Khi “thành lũy tự nhiên” của đảo bị hủy diệt…

Bà Estelle Crochelet - phó chủ tịch cơ quan nghiên cứu đa dạng sinh thái ở đảo Réunion thuộc Pháp, chuyên về sinh thái biển - nhấn mạnh là cùng với việc san hô và hệ đa dạng sinh thái dưới lòng biển bị đe dọa, bản thân sự sống trên đảo cũng là nạn nhân của thủy triều đen, bởi “các rạn san hô bảo vệ đảo khỏi các đợt sóng lớn”, mà nếu về lâu dài, hòn đảo không còn được san hô bảo vệ nữa, thì đảo sẽ bị đại dương sói mòn từ từ. Chưa kể đến một “dịch vụ” ít được tính đến của san hô cho đảo: Khi chết đi, san hô trở thành một nguồn cát tự nhiên, bồi đắp đảo. 

Thủy triều đen giết hại các loài sinh vật biển, giảm sản lượng cá, nguồn sống quan trọng của 1,3 triệu dân Maurice. Dầu hỏa cũng có thể theo thủy triều tràn vào các con sông, phá hoại hệ sinh thái bên trong đảo. Thảm họa này có thể khiến hòn đảo, vốn được coi là một trong những địa điểm du lịch lặn biển hoang sơ hàng đầu thế giới, được bảo vệ khá tốt, không còn hấp dẫn du khách.

Pháp hỗ trợ khẩn cấp

Con tàu chở dầu Nhật Bản bị đâm vào rạn san hô ngày 25/07, nhưng phải mãi đến ngày 06/08, chính quyền đảo Maurice mới nhờ đến sự trợ giúp của đảo láng giềng Réunion, thuộc Pháp. Ngày 08/08, tổng thống Pháp tuyên bố huy động các phương tiện từ đảo Réunion để hỗ trợ khẩn cấp đảo Maurice khắc phục thảm họa.

Ngay trong ngày 08/08, Pháp huy động một tàu chiến, một máy bay vận tải vào chiến dịch giải cứu. Máy bay vận tải CASA CN-235 vận chuyển tổng cộng 6 tấn thiết bị đến tại chỗ, trong đó có các phao chắn dầu. Paris cũng cử hai chuyên gia hàng đầu về xử lý hậu quả tràn dầu trên biển (thuộc Ceppol) đến đảo. Hiện tại, hàng nghìn dân địa phương và người tình nguyện từ nhiều nơi đổ về vùng bị nạn, tìm mọi cách ngăn chặn dầu, giảm thiểu tác hại.

Phản ứng quá chậm trễ của chính quyền đảo Maurice trước tai nạn tàu dầu cũng khiến nhiều người đặt nghi vấn, trong đó có chính trị gia Pháp, nghị sĩ châu Âu Younous Omarjee (đảo Réunion). Một số chính trị gia đảo Maurice lên án chính quyền hòn đảo che giấu thông tin về thảm họa.

Bạn đang đọc bài viết Thuỷ triều đen tấn công hòn đảo “thiên đường” trên Ấn Độ Dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.