Thứ tư, 24/04/2024 11:32 (GMT+7)

Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống: Công suất thấp, đầu tư cao

Nguyệt Hằng -  Thứ năm, 13/06/2019 15:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù được đầu tư gần 5.000 tỷ đồng nhưng Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn không tránh khỏi những nghi vấn về chất lượng của sản phẩm.

Quan ngại chất lượng đường ống Trung Quốc.

Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư, được khởi công từ 9/3/2017, khánh thành giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2 ngày 13/10/2018, tổng mức đầu tư là 5.000 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước mặt sông Đuống, công suất 150 nghìn m3 nước/ngày đêm, lắp đặt hệ thống truyễn dẫn nước dài 76 km, với hai đoạn đi qua lòng sông Hồng, sông Đuống.

Ngày 3/6, xe container mang BKS: 15C- 04477 đã đè vào hố van xả cặn DN400 của Công ty tại gầm cầu vượt Phú Thị (huyện Gia Lâm), hậu quả làm vỡ đường ống xả cặn DN 400. Sự cố trên đã làm Nhà máy Nước mặt Sông Đuống phải giảm lưu lượng cấp nước cho Công ty nước sạch Hà Nội để khắc phục sự cố vỡ ống nước.

Liên quan đến sự việc trên, sáng 5/6 tại nút giao thông Cổ Bi - Quốc lộ 5 xuất hiện 1 hố sụt sâu trên đường, hố đen sâu khoảng 40cm, đường kính khoảng 20cm. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bị sụt lún đất trong quá trình đào, xử lý mương thuộc dự án nước sạch sông Đuống.

Vì lo ngại chất lượng nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngừng ký kết với Công ty Xinxing trong dự án nước sạch sông Đà.

Được biết, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã sử dụng ống của Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Đây là doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng ký kết hợp đồng cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà, do lo ngại về chất lượng của sản phẩm ngày 6/4/2016.

Sau vài tháng ngừng ký kết hợp đồng với Dự án nước sông Đà, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống lại ký kết hợp đồng với Công ty Xinxing?

Công suất thấp, đầu tư cao.

Theo tìm hiểu, công suất nhà máy nước mặt sông Đuống chỉ bằng một nửa công suất dự án nước sông Đà dù là cả 2 giai đoạn, nhưng tổng đầu tư lại gấp 3 lần.

Dự án nước sông Đà hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác ngày 19/8/2008. Tổng mức đầu tư  là 1.450 tỷ đồng, công suất xử lý nước 300.000m3/ngày, đường kính ống từ 1.500 - 1.800mm và tuyến ống truyền tải nước sạch ống composite cốt sợi thủy tinh dài 46km. Dự án nước sông Đà có suất đầu tư khoảng 4,83 triệu đồng/m3 nước. Giá bán nước là gần 5.000 đồng/m3.

Dự án nước mặt sông Đuống có công suất thấp nhưng vốn đầu tư lại gấp 3 lần dự án sông Đà.

Dự án nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, với 2 hợp phần chính. Gồm công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước công suất 150.000m3 nước/ngày đêm trên diện tích gần 61,5ha, tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km, sử dụng ống truyền tải và cấp 1 là ống HDPE và ống gang có đường kính từ 800 - 1.600mm.  Nhà máy nước sông Đuống có suất đầu tư hơn 16,6 triệu đồng/m3. Giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án này là 9.289đ/m3, lộ trình tăng giá bán nước là 5%/năm (14 năm). Các dự án sau chủ đầu tư sẽ thêm hàng chục nghìn tỷ đồng để nâng cao công suất cấp nước.

Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống sử dụng nguồn nước mặt ở sông Đuống để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân Thủ đô. Nhưng hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt với nhiều nhà máy và khu công nghiệp tại thượng nguồn.

Liệu hệ thống cung cấp nước sạch với quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên tỉnh với mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho Thủ đô và các vùng lân cận.

Bạn đang đọc bài viết Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống: Công suất thấp, đầu tư cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.