Thứ sáu, 19/04/2024 22:21 (GMT+7)

Gia Lai: Cam kết trên giấy, ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn

BAN MAI -  Thứ năm, 28/11/2019 08:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vụ việc ô nhiễm môi trường do nuôi heo trong khu dân cư khiến nhiều người dân thôn Đức Thành, Ia Sao, Ia Grai, Gia Lai phải chịu đựng suốt thời gian dài đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Kiểm tra vẫn thấy ô nhiễm

Ngày 27/11, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng bài “Gia Lai: Nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường” phản ánh thông tin nhiều hộ dân sinh sống tại thôn Đức Thành bức xúc về việc 2 hộ nuôi heo (hộ ông Kiều Văn Quỳ và hộ bà Lê Thị Tuyết) gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau nhiều lần hòa giải, cam kết thì đâu vẫn hoàn đấy. Vì vậy, người dân tại đây phải tiếp tục làm đơn đề nghị chính quyền giải quyết dứt điểm vụ việc. Đáng chú ý, người dân vì qua bức xúc nên đã mời lãnh đạo tỉnh Gia Lai trực tiếp đến hiện trường chứng kiến và yêu cầu xử lý những cán bộ có dấu hiệu bao che để ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình bà Lê Thị Tuyết.

Ngày 31/10, UBND xã Ia Sao tiếp tục đến các hộ chăn nuôi heo để kiểm tra theo chỉ đạo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai. Tại thời điểm kiểm tra, dù thời tiết có mưa nhưng khi đứng từ nhà hộ ông Tô Kim Tuấn (là hộ cận kề 2 nhà nuôi heo) cũng ngửi phải mùi phân heo hôi thối không chịu nổi. Hộ ông Kiều Văn Quỳ vẫn nuôi 50 con heo (7 con heo nái, 43 con heo thịt), tuy đã có hầm bioga nhưng bể chất thải khi được hút lên để xử lý thì không có đồ che chắn, có mùi hôi thối nồng nặc.

Hiện bà Tuyết đang nuôi 5 con heo nái và cam kết sẽ tiếp tục giảm đàn.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, bà Bùi Thu Hằng (Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao) cho biết: Huyện đã chỉ đạo xã tiến hành kiểm tra hiện trạng, lập biên bản, lấy ý kiến các hộ dân xung quanh rồi làm báo cáo cho huyện để huyện có hướng chỉ đạo tiếp theo. Qua buổi làm việc, hộ ông Kiều Văn Quỳ đã cam kết trong thời gian 20 ngày sẽ giảm 20 con heo thịt, đồng thời có những biện pháp xử lý chất thải theo đúng quy định. Hộ bà Lê Thị Tuyết đã đảm bảo số lượng đàn (còn 5 con heo nái) và cũng cam kết sử dụng các biện pháp khử mùi, vệ sinh chuồng trại thường xuyên.

Hiện hộ ông Kiều Văn Quỳ vẫn nuôi 50 con heo.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 20/6, tại Giấy cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi của UBND xã Ia Sao, chủ hộ Kiều Văn Quỳ có cam kết sẽ thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, hạn chế tối đa việc phát sinh mùi hôi và ruồi, nhặn; trong quá trình chăn nuôi, nếu xảy ra việc ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến khu vực và người dân xung quanh sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm và chấp hành các biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật hiện hành. Như vậy, việc tiếp tục giải quyết theo cách kiểm tra và cam kết liệu có thật sự giải quyết ô nhiễm triệt để?

Loay hoay tìm cách xử lý

Trao đổi với PV, ông Thái Anh Tuấn (Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai) cho biết: Chăn nuôi và thu mua mủ cao su là 2 lĩnh vực ảnh hưởng nhiều nhất về mùi. Tuy nhiên, hiện nay trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì vẫn chưa quy định rõ về vấn đề đó. Yêu cầu đánh giá trên mức độ tỷ lệ mg/lít là đơn vị định lượng nên sẽ khó trong quá trình xử lý mùi phát sinh trong quá trình chăn nuôi heo. Hiện nay địa phương vẫn chưa có máy đo mùi, theo cảm quan thì không đủ cơ sở để quy vào hình thức xử lý, chỉ có thể đánh giá trên hình thức là hiện nay đã có hồ sơ bảo vệ môi trường hay chưa theo Nghị định số 40 có hiệu lực từ ngày 13/5/2019 quy định nuôi từ 100 con trở lên mới phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường tại huyện (nới lỏng hơn so với Nghị định số 18 quy định diện tích mặt sàn). Người dân nếu phản ánh thì có thể phản ánh lên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để Sở chỉ đạo thêm.

Tuy hộ ông Kiều Văn Quỳ đã xây hầm bioga nhưng bể chất thải khi được hút lên để xử lý không có đồ che chắn, vẫn có mùi hôi thối nồng nặc.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai, hiện tại, Sở tiếp tục nhận được đơn kiến nghị của các Hộ dân sinh sống tại Tổ 2, thôn Đức Thành, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai phản ánh về việc 2 hộ dân nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm. Hai hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình thuộc đối thượng quản lý của địa phương. Sở sẽ tiếp tục chuyển nội dung phản ánh nêu trên đến UBND huyện Ia Grai để kiểm tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đường dẫn chất thải heo của hộ ông Kiều Văn Quỳ có nhiều đoạn chỉ che chắn tạm bợ, không kín đáo.

Từ vị trí nhà ông Tô Kim Tuấn (nằm giữa 2 hộ chăn nuôi heo) có thể ngửi mùi thối nồng nặc của phân heo.

Ông Phạm Ngọc Thạch (Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai) cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước, đã phân cấp giải quyết nên cấp xã huyện không thể đùn đẩy trách nhiệm cho Sở. Sở sẽ ra văn bản chỉ đạo huyện tiếp tục giải quyết.

Việc ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư tái diễn và kéo dài không tránh khỏi những bức xúc. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần sớm có những biện pháp thiết thực hiện để giải quyết những bất cập trên.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Cam kết trên giấy, ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...