Thứ sáu, 29/03/2024 13:24 (GMT+7)

Gia Lai: Nước rỉ thải từ bãi chôn lấp rác đổ trực tiếp ra suối

NGUYỄN GIÁC -  Thứ năm, 06/09/2018 13:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Màu nước đỏ thẫm, bốc mùi hôi kèm bọt nổi trắng xóa rỉ ra từ bãi chôn lấp rác thải đang từng ngày, từng giờ chảy vào suối - nơi có hàng trăm diện tích lúa, hoa màu của nông dân trồng cấy.

Chất thải dùng tưới cây?

Cách trung tâm TP. Pleiku chừng 16km, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Gào, TP. Pleiku được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2010, mức đầu tư trên 7 tỷ đồng. Bãi chôn rác này xây dựng trên diện tích khoảng 10ha với quy mô khép kín. Theo cam kết, nước thải sau xử lý đạt nước thải loại B có thể tưới cây, thời gian sử dụng từ 9 -10 năm.

Bãi rác đang được Công ty CP Công trình đô thị Gia Lai quản lý.

Hiện bãi rác này tiếp nhận khoảng 150 tấn rác/ ngày để chôn lấp. Công trình đang được Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai quản lý điều hành. Theo báo cáo năm 2017 của UBND TP. Pleiku về công tác bảo vệ môi trường, bãi chôn lấp này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm; nước rỉ thải từ rác có thể ngấm vào đất...

Bọt nổi trắng xóa trên dòng nước đỏ thẫm hôi thối.

Tuy nhiên, theo phản ánh mới đây của người dân khu vực thì “không chỉ ô nhiễm về không khí, ruồi muỗi phát sinh, nguồn nước rỉ từ hàng triệu tấn rác thải tập trung tại bãi rác xã Gào, TP. Pleiku không qua xử lý được xả chảy thẳng vào đất, tràn ra cống thoát dân sinh và đổ vào hệ thống suối tại khu vực này”.

Từ thông tin được người dân sinh sống gần khu vực bãi rác cung cấp, phóng viên ghi nhận và phát hiện thực tế khó tin.

Tại khu vực cống thoát đấu nối ngang đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Gào, có dòng nước màu đỏ thẫm kèm theo mùi hôi thối và bọt trắng xóa chảy tràn trên mặt đất. Lượng nước này đổ toàn bộ vào suối nơi có nhiều diện tích hoa màu, lúa nước đang được hàng chục hộ nông dân gần đây trồng, cấy.

Bọt nổi trắng xóa trên mặt đất không được xử lý.

Lần theo dòng nước có “màu lạ” đang cuộn chảy, vượt qua vườn bạch đàn, chúng tôi tiếp cận 1 cống thoát nước khác (nằm cách con đường nhựa vài chục m) là nơi đón cả 2 nguồn nước có cùng màu đỏ thẫm đổ thẳng vào hố.

Trực tiếp chứng kiến cảnh tượng ô nhiễm này, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi nguồn nước đặc sệt với mùi hôi thối, bọt trắng nổi lềnh bềnh chảy ra trực tiếp từ các hố chứa nước rỉ thải tại bãi chôn lấp rác thải của TP. Pleiku. Toàn bộ hệ thống rãnh thoát nước mặt nơi đây trở thành kênh dẫn cho dòng nước đỏ ngòm rỉ ra từ rác.

Đất sạt lở tại khu vực nước thải độc hại.

So với những gì người dân mô tả và cung cấp thì thực tế tình trạng ô nhiễm nơi đây đáng báo động hơn nhiều lần. Cả 2 hố gom nước rỉ thải (hố thứ 2 đã rách bạt chống thấm ở góc hố phía Nam) được gom và đổ vào hố thứ 3 - chỉ là hố đất được khơi rộng, không phủ bạt chống thấm. Từ đây nguồn nước nguy hại tiếp tục thấm vào đất, chảy vào suối.

Cơ quan chức năng ở đâu?

Bãi chôn lấp rác thải nằm trên địa bàn xã Gào tuy nhiên mùi hôi thối, ruồi nhặng sinh ra tại đây lại phát tán trên diện rộng. Theo người dân khu vực phản ánh, có thời điểm mùi hôi đưa đến tận khu vực núi Hàm Rồng, cách bãi rác hơn 10km.

“Trong năm 2017, tình trạng ô nhiễm mùi hôi và ruồi phát sinh từ bãi rác được người dân tại làng O Sơr, xã Ia Kênh phản ánh. Việc này chúng tôi đã có ý kiến. Riêng việc ô nhiễm nguồn nước thì tôi không biết vì dòng suối chảy đi hướng khác”, ông Mai Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Ia Kênh cho biết.

Dòng nước tràn trên mặt đất đổi màu sau khi rỉ ra từ bãi rác.

Riêng tại khu vực xã Gào nơi có bãi chôn lấp rác thải, khi xem các hình ảnh và video nước thải ô nhiễm bãi rác trực tiếp đổ ra suối, ông Trần Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã Gào phản ứng: "Nước rỉ thải như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 900 hộ dân, 3.500 khẩu đang sinh sống tại 5 thôn, làng và nền sản xuất nông nghiệp của bà con. Tôi sẽ đi kiểm tra và yêu cầu ngăn chặn kịp thời việc xả thải trước khi tình trạng nghiêm trọng thêm".

Qua tìm hiểu, nguồn nước thải có màu đỏ thẫm, kèm mùi hôi thối rỉ ra từ bãi rác đổ tràn vào cống thoát sau đó sẽ tiếp tục thấm vào đất, chảy theo dòng suối Ia Puch, nhập vào suối Bầu Cạn (huyện Chư Prông) và dẫn nhập vào sông Sê-Rê-Pôk (Đăk Lăk).

Nước thải đổ vào hố đất trước khi chảy vào suối.

Cả triệu tấn rác được chôn lấp từ năm 2010 đến nay, (1 hố đã lấp đất trồng cây bề mặt sau vụ cháy xảy ra vào tháng 4/2015) với cách xử lý kiểu hủy hoại môi trường này, đã có bao nhiêu chất thải độc hại thấm vào đất?

Cơ quan chức năng ở đâu khi tình trạng ô nhiễm vẫn đang diễn ra?

Điểm nóng gây ô nhiễm?

Khi PV cho biết về tình trạng ô nhiễm tại bãi chôn lấp rác xã Gào, người phụ trách quản lý về môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Gia Lai tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng nơi đây không được phản ánh về ô nhiễm và được kiểm tra định kỳ mỗi năm.

Tuy nhiên, khi đề nghị xem kết quả kiểm tra môi trường định kỳ gần đây nhất, thì cán bộ Chi Cục bảo vệ môi trường sau một lúc rà soát, cho biết “năm 2017 không kiểm tra?”.

Nhiều địa điểm sạt lở trong khu vực xử lý nước thải.

Bà Lê Thị Hồng Quyên - Phó Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết thêm địa điểm bãi chôn lấp rác thải tại xã Gào trước đây đã liệt kê vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, tuy nhiên phương án xử lý lâu dài tại đây đang được xem xét.

Tình trạng ô nhiễm tại bãi rác đã được phía UBND TP. Pleiku và cấp tỉnh ghi nhận trong thời gian qua. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm như thế nào, có đúng như những gì được ghi nhận, phản ánh?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Nước rỉ thải từ bãi chôn lấp rác đổ trực tiếp ra suối. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới