Thứ năm, 28/03/2024 21:45 (GMT+7)

Giải pháp nào cho phân hủy rác thải nhựa?

MTĐT -  Thứ ba, 20/08/2019 16:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra một loại vi khuẩn có khả năng phân hủy vật liệu nhựa, mở ra hướng giải quyết vấn nạn rác thải nhựa hiện nay.

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Tuy nhiên, theo ước tính chỉ có 9% số rác thải nhựa được tái chế, khoảng 12% được đốt cháy, còn lại 79% vẫn đang tồn đọng trong các bãi chôn lấp, bãi rác và trong môi trường tự nhiên.

Tính riêng các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mỗi năm phải chi 1,3 tỉ USD để giải quyết ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa, chưa kể những thiệt hại kinh tế xuất phát từ tác động tới môi trường hay sức khỏe con người. Ví dụ, rác thải trên đại dương gây thiệt hại cho hệ thống sinh thái biển ít nhất 8 tỉ USD/năm.

Tại một số rất ít các nước phát triển trên thế giới, rác thải nhựa được tập trung xử lý ở các nhà máy tái chế và tiếp tục chu trình sử dụng. Một số nơi thậm chí đã ban hành những điều luật cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, tất cả phải được thu gom, phân loại và đưa đến các nhà máy tái chế.

Còn tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều áp dụng phương pháp xử lý chính là đốt và chôn lấp. Một phần rất nhỏ rác thải nhựa tại các nước này được sử dụng tái chế nhưng với công nghệ đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường.

Vi khuẩn có năng phân hủy rác thải nhựa

Các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra nhiều giải pháp phân hủy vật liệu nhựa, nhưng đến nay những nghiên cứu này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.

Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra một loại vi khuẩn có khả năng phân hủy vật liệu nhựa, mở ra hướng giải quyết vấn nạn rác thải nhựa hiện nay.

Loại vi khuẩn có tên Ideonella, có khả năng phân hủy một trong những loại nhựa phổ biến nhất là Polyethylene terephthalate (PET). Đây là loại nhựa thường được dùng trong sản xuất nước đóng chai, mỹ phẩm và đồ dùng gia đình.

Từ lâu, các nhà khoa học đã tìm kiếm một loại tác nhân sinh học có khả năng phân hủy hiệu quả loại vật liệu có cấu trúc dạng tinh thể như nhựa PET. Tuy nhiên, tới nay họ mới chỉ tìm ra một số loại nấm có thể phân hủy một phần loại nhựa này. Loại vi khuẩn do các nhà khoa học Nhật Bản tìm ra là loại có khả năng tạo ra enzyme phân hủy nhựa PET chưa từng thấy.

Phát hiện trên là một tin vui trong vấn đề bảo vệ môi trường. Theo hãng ABC, mỗi năm có hơn 45 triệu tấn nhựa PET được tạo ra, chỉ một lượng rất nhỏ trong đó qua tái chế, phần lớn còn lại sẽ kết thúc ở bãi rác hoặc bị vứt xuống nước.

Còn nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thì chỉ ra rằng, gần 1/3 số rác thải nhựa đã không được thu gom mà bị xả ra môi trường.

Biến rác thải nhựa thành điện

Theo TTXVN, các nhà khoa học tại Đại học Chester (Anh) đã nghĩ ra phương pháp đầu tiên trên thế giới có thể biến rác thải nhựa thành nhiên liệu cung cấp cho ô tô và nhà cửa.

Theo tờ Dailymail, họ tập trung vào các vật liệu không thể tái chế như vỏ bọc thực phẩm hay các loại đồ nhựa bị vứt trên bãi biển. Họ hy vọng biến những loại nhựa này thành điện và nhiên liệu hydro thân thiện với môi trường mà không để lại chút nhựa nào trong quá trình biến đổi.

Các nhà khoa học tuyên bố đây là lần đầu tiên họ tìm ra phương pháp tái chế mà có thể áp dụng với mọi loại nhựa bẩn thỉu và không để lại chút cặn nhựa nào sau đó.

Quy trình này gồm gom các loại nhựa hỗn tạp, bẩn rồi chia nhỏ thành các dải dài 5cm, sau đó đun chảy trong lò 1.000 độ C. Lò này sẽ làm nhựa tan chảy ngay lập tức và khí hóa chúng. Khí sản sinh ra trong quy trình này được gọi là khí tổng hợp. Khí này có lượng CO2 rất thấp. Lượng khí được chuyển vào một hệ thống tiêu chuẩn công nghiệp gọi là hấp thụ áp suất chuyển đổi (PSA) để tách hydro với công suất 2 tấn/ngày. Phần còn lại của khí được dùng để tạo điện bằng các máy nổ. Điện trong quá trình này sẽ là sản phẩm phụ của hydro.

Các nhà khoa học hy vọng công nghệ được cấp bằng sáng chế này sẽ sớm đủ khả năng cấp điện cho không chỉ nhà máy tái chế nhựa rộng 21ha ở Ellesmere Port (Cheshire) mà còn cho 7.000 ngôi nhà trong một ngày, đồng thời cung cấp nhiên liệu hydro cho 7.000 ô tô trong hai tuần ở Anh.

Các nhà khoa học Đại học Chester kết hợp với công ty PowerHouse Energy của Anh để triển khai sáng kiến tái chế nhựa này khắp châu Á nhằm loại bỏ nhựa khỏi các đại dương và bãi biển toàn thế giới. PowerHouse Energy cho biết Chính phủ Nhật Bản đã rất quan tâm tới sáng kiến này.

Trong một công bố mới đây của Nhóm nghiên cứu rác thải biển quốc tế thuộc Đại học Plymouth trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ môi trường khiến không ít người giật mình bởi một túi nhựa được dán nhãn “phân hủy sinh học” vẫn còn nguyên vẹn sau 3 năm tiếp xúc với môi trường tự nhiên.

Do đó, các nhà khoa học đặt ra câu hỏi liệu có thể dựa vào các công thức phân hủy sinh học để đưa ra tỷ lệ phân hủy tiên tiến đến mức được gọi là một giải pháp thực tế cho vấn đề rác thải nhựa.

Nhân loại đã nhận thức được về ô nhiễm nhựa và tác động của nó đến môi trường dẫn đến sự tăng trưởng cái gọi là “các lựa chọn phân hủy sinh học và có thể phân hủy”. Trong khi đó, vấn đề chủ chốt ở “các sản phẩm gốc thực vật có thể thay thế cho nhựa” mới là điều chúng ta cần quan tâm, bởi nó rất tiện dụng cho các sản phẩm sử dụng một lần và đặc biệt quá trình phân hủy nhanh, chứ không nên tin vào việc sản phẩm đó có được tái chế nhanh hơn để trở lại môi trường tự nhiên như nhiều loại nhựa thông thường hiện nay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho phân hủy rác thải nhựa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.